Người phụ nữ lấy động lực từ đâu để cố gắng?
Khi bước qua tuổi 50, con người bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng suy giảm sức khỏe. Hoạt động thể chất cường độ cao rất dễ làm ta cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, với Jim Jamieson, cô vẫn duy trì được sức bền đáng king ngạc. Dù đã ở độ tuổi 56, nhưng mới đây cô đã hoàn thành xuất sắc 7 cuộc thi Marathon với tổng quãng đường 26.2 dặm ở 7 lục địa khác nhau, tất cả diễn ra vỏn vẹn trong 7 ngày.
Chặng đường chinh phục 7 cuộc thi marathon
Jamieson đã bắt đầu cuộc đua đầu tiên của mình ở Nam Cực. Tiếp theo đó là Cape Town, Nam Phi; Perth, Úc; Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; Madrid, Tây Ban Nha; Fortaleza, Brazil; và Miami, Florida. Thời gian chạy của cô ghi nhận dài nhất tại Nam Cực với 6 giờ 24 phút và ngắn nhất tại Dubai với 4 giờ 50 phút.
Jamieson hy vọng sẽ nối tiếp kỳ tích này bằng cách tham gia cuộc thi Marathon ở Bắc Cực vào tháng tư. Hoàn thành cuộc đua này sẽ giúp cô giành được danh hiệu Grand Slam marathon đáng mơ ước (Grand Slam: bao gồm các cuộc thi marathon trên cả bảy lục địa và Bắc Cực).
Jamieson nói: “Tôi là một người bình thường. Vì vậy tôi có thể về đích hoặc không về đích trong thử thách sắp tới đây. Nhưng tôi tự hứa sẽ cố gắng hết sức có thể”.
Mong muốn chinh phục thử thách này của Jamieson xuất phát từ tình yêu của cô dành cho cha mình, người đã qua đời vì bệnh Alzheimer.
Jamieson mô tả cha cô là một người đàn ông tài giỏi. Kể từ khi nghỉ hưu, bố cô bắt đầu đi lạc và bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường. Thay đổi trở nên rõ rệt hơn khi Jamieson quay trở về nhà sau chuyến công tác nước ngoài: “Tôi đã đưa bố đi kiểm tra và kết quả là ông mắc hội chứng mất trí nhớ. Thuốc không có tác dụng đối với ông. Trong những năm cuối đời, ông gần như không nhận ra tôi. Đây thực sự là một căn bệnh khủng khiếp và để lại nỗi buồn day dứt cho những người ở lại”.
Mặc dù trước khi cha Jamieson được chẩn đoán mắc Alzheimer, cô đã duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao với các bộ môn như quần vợt, trượt tuyết, bơi lội và chạy bộ. Nhưng Jamieson thừa nhận rằng bên cạnh lợi ích rèn luyện sức khỏe, chạy bộ đã giúp cô vượt qua khoảng thời gian khó khăn này: “Chạy bộ đã giúp tôi dũng cảm đối mặt với chẩn đoán của bố tôi, đồng thời đây cũng là một cách để tôi làm dịu cảm xúc mỗi khi thấy tức giận”.
Theo Jamieson, cứ ba người cao tuổi thì có một người có khả năng mắc Alzheimer, rất nhiều người trong chúng ta bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Vì vậy, cô muốn kêu gọi sự chú ý và tìm ra giải pháp cho bệnh Alzheimer: “Giờ đây tôi chạy để nâng cao nhận thức của mọi người và gây quỹ chống lại bệnh Alzheimer”. Đây là một việc làm ý nghĩa với bố Jamieson và cả cộng đồng.
Sự cố gắng không ngừng nghỉ
Năm 2005, Jamieson bắt đầu sự nghiệp chạy bộ của mình với cuộc thi marathon tại Chicago, với tổng quãng đường 26.2 dặm trong 4 giờ 2 phút. Nhiều năm sau đó, cô vẫn luôn phải vật lộn với thử thách tinh thần mỗi khi chạy.
Cô nói: “Khi chạy, cơn đau làm đầu tôi như chia thành hai thái cực, giống như một bên là thiên thần và một bên là ác quỷ, cả hai cùng tranh cãi để trả lời câu hỏi: Tại sao tôi lại cứ chạy?”. “Ác quỷ” thậm chí còn bảo cô hãy bắt một chiếc Uber về nhà. Jamieson vượt qua điều đó bằng việc tự nhủ với bản thân: “Hoàn thành đường chạy là một thành tựu tuyệt vời. Nếu tôi không cố gắng, tôi sẽ không bao giờ biết mình có thể vươn xa đến đâu”.
Để tập luyện cho cuộc thi marathon trên thế giới, cô thức dậy vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày, uống rất nhiều cà phê và bắt đầu chạy bộ 10 dặm. Ngoài ra, cô thường bơi và đạp xe sau khi chạy bộ. Cô nói: “Bơi lội và đạp xe là những bài tập tuyệt vời cho tim mạch. Khi trời quá lạnh và tôi không thể ra ngoài, tôi sẽ sử dụng xe đạp cố định tại nhà”.
Jill Jamieson đang tập luyện cho các cuộc thi chạy sắp tới
Chặng đường chinh phục các cung đường marathon của Jamieson gặp muôn vàn thử thách. Khi các cuộc thi diễn ra ở nơi lạnh giá như Nam Cực, nhiệt độ rơi xuống -6 độ C buộc Jamieson phải mặc nhiều lớp áo để chạy.
Trong một lần do thời tiết quá lạnh, cô đã bị ho suốt 3 tuần. Các mô phổi và mồ hôi trên mặt cô đông cứng lại. Tuy nhiên, Jamieson cho rằng chạy trong thời tiết nắng nóng còn khó khăn hơn.
Do chênh lệch về múi giờ, Jamieson đã tham gia một số cuộc thi marathon vào ban đêm. Chạy vào ban đêm đối với cô cũng không dễ dàng hơn chạy trong thời tiết lạnh giá hay nóng ẩm là mấy. Để thấy đường, cô phải đeo một chiếc đèn trên đầu để nhìn rõ hơn trong bóng tối.
Đối với Jamieson, thử thách là cơ hội giúp cô thích nghi với các yếu tố khác nhau, tìm hướng đi đúng và cảm thấy tự hào về bản thân vì đã dám tiến về phía trước.
Phó chủ tịch Tổ chức Sự kiện và Vận hành hiện trường của Hiệp hội Alzheimer, rất ngưỡng mộ tinh thần và sức nỗ lực hơn người của Jamieson: “Nỗ lực, tinh thần và niềm đam mê đáng kinh ngạc của Jill sẽ tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của những người đang đối mặt với bệnh Alzheimer”.