Đội “máy tính nữ” của Trung tâm thí nghiệm JPL (1953)

1.
 Năm 1953, các “nữ máy tính” vẫn còn mặc váy trùm đầu gối, áo cài kín cổ, tóc chải tinh tươm, không phấn son gì sất. Đó là 28 cô gái của Trung tâm nghiên cứu tên lửa Mỹ JPL ở California - tiền thân của NASA. Ngày đó, người ta gọi các cô là “Computresses - nữ máy tính”.

Ai cũng biết đến Neil Armstrong, Buzz Aldrin, John Glenn là những tên tuổi lớn thời sơ khai của NASA. Họ thiết kế tên lửa, chỉ huy các chuyến bay, điều khiển tàu vũ trụ và được vinh danh. Nhưng ai biết đến những tài năng toán học ẩn mình trong hậu phòng để tính toán cho cánh đàn ông lên vũ trụ như Macie Roberts, Sue Finley, Margarett Hamilton và Katherine Johnson?
 
Trong thời kỳ chưa có IBM, Apple, họ chuyên thực hiện các phép tính không thể thiếu được, cực kỳ phức tạp và tốn nhiều công sức, nhiều khi chỉ với giấy bút và máy tính đơn giản. Trong nhiều thập niên ở Mỹ không ai nói đến họ, đến “những át chủ bài trong tính toán”.

Katherine Johnson
 
Trong số những cô gái đó, Katherine Johnson là một tài năng ngoại lệ. Ngay từ bé, cô đã cực kỳ giỏi toán. Cô biết đọc, biết viết và biết tính trước khi đi học. Khi gần 6 tuổi, cô bé được nhận thẳng vào lớp 2. Tại quê nhà, trẻ em da màu bị cấm học trung học. Vậy là gia đình cô phải chuyển đến một nơi khác cách xa hơn 200 cây số để Katherine học tiếp được trung học.
 
Katherine giỏi đến mức năm 15 tuổi, cô được nhận vào đại học và năm 18 tuổi lấy bằng cử nhân. Đầu thập niên 50, lúc đầu làm cô giáo nhưng nơi thực sự hấp dẫn cô là NACA - tiền thân của NASA ngày nay. Hồi đó, NACA đang tuyển người cho bộ phận tính toán.
 
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, ngành công nghiệp hàng không Mỹ phát triển thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và cần rất nhiều chất xám. Tuy vậy, công việc vẫn được phân chia rõ ràng: Nam giới là các kỹ sư sáng láng, còn trong bộ phận nghiên cứu là các “nữ máy tính” làm việc âm thầm, lương thấp hơn nhiều. Đã thế còn phải gánh chịu trách nhiệm... làm đẹp cho cơ quan nữa!

                                                             Katherine Johnson

Katherine Johnson đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí của NACA. Và năm 1953, bà được nhận vào làm việc trong trung tâm thí nghiệm Langley tại Hampton.
 
Vì tệ phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ, nên bà phải ngồi làm việc trong phòng dành cho “máy tính da màu”, không được dùng chung nhà vệ sinh và căng-tin với nhân viên người da trắng. Tuy nhiên, Katherine đã không chịu dùng nhà vệ sinh riêng cho người da màu cách phòng bà khá xa. Chỉ tính toán thôi, đối với bà là chưa đủ mà còn phải biết lên tiếng.
 
“Các nữ đồng nghiệp của tôi làm những gì người ta nói với họ và không đặt một câu hỏi nào cả. Tôi thì khác. Tôi muốn biết nhiều hơn”, Katherine kể. Khi biết phụ nữ không được phép tham gia các cuộc họp với kỹ sư, bà nói: “Có luật nào cấm tôi tham dự cuộc họp không?”
 
2. Cuối cùng, cánh đàn ông đã phải (trong tuyệt vọng) chấp nhận cho người phụ nữ 3 con này tham dự “cuộc họp của họ” và chấp nhận thành tích tuyệt vời trong công việc của bà.

Katherine Johnson đã soạn những tài liệu khoa học cơ bản cho các chuyến bay vào vũ trụ. Năm 1961, bà đã tính toán quỹ đạo bay cho nhà du hành vũ trụ Alan Shepard - người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ.
 
Dần dần, máy tính điện tử đảm nhận công việc tính toán song vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên máy tính, người ta vẫn bán tín, bán nghi. Máy tính thế hệ đầu tiên là của hiếm, rất đắt và lại rất nhanh bị nóng. Vì thế “máy tính nữ” vẫn tiếp tục được ưa chuộng, để lập trình cho máy tính và kiểm tra hoạt động của máy.

Tháng 2/1962, chính John Glenn, chỉ huy trưởng con tàu vũ trụ trong chương trình thám hiểm vũ trụ Mercury-Atlas 6 đã yêu cầu gọi Katherine Johnson đến thẩm tra số liệu do chiếc máy tính IBM-7090 tính toán, đơn giản vì ông ta tin vào năng lực của bà hơn là vào máy tính. Chỉ sau khi bà “bật đèn xanh”, John Glenn mới yên tâm cất cánh và là người Mỹ đầu tiên bay 3 vòng quanh trái đất.
 
Sau này, Katherine Johnson còn tính toán quỹ đạo bay cho Apollo 11. Trong kỳ tích của Neil Armstrong ngày 21/07/1969 là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng có đóng góp rất lớn của những người phụ nữ thông minh, bị rơi vào lãng quên trong một thời gian rất dài như Katherine Johnson. Trong thời kỳ sơ khai của khoa học vũ trụ có nhiều điều còn chưa được thử nghiệm, vì thế nhiều khi bà phải dùng đến trực giác của mình. Một nhà du hành vũ trụ nổi tiếng đã nói về trực giác siêu phàm của bà: “Bất cứ lúc nào tôi cũng tin vào trực giác của Katherine”. Cho đến khi nghỉ hưu năm 1986, bà còn tham gia vào giai đoạn đầu tiên của chương trình tàu con thoi.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng huân chương cho bà Katherine Johnson
ngày 24/11/2015
 
3. “Katherine Johnson là một phụ nữ đi tiên phong phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa các chủng tộc, giới tính và cho giới trẻ thấy rằng, ai cũng có thể tỏa sáng trong toán học, các ngành khoa học tự nhiên và có thể với tới các vì sao” - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói ngày 24/11/2015 khi ông trao tặng bà Huân chương tự do, một trong hai huân chương dân sự cao quý nhất nước Mỹ.

Hai quyển sách “Rise of the rocket girls” của Nathalie Holt và “Hidden Figures” của Margot Lee Shetterly về “những nữ máy tính da màu” và Katherine Johnson được công bố năm 2016. Năm 2017, một bộ phim Hollywood dựa vào hai tác phẩm trên ra mắt khán giả. Ngày 5/5/2016, tên bà đã được đặt cho một trung tâm tính toán của NASA.
 
Tuy vậy, Katherine Johnson, nay đã có 4 chắt và ngồi xe lăn, không cảm thấy mình là một nữ anh hùng và cũng chẳng phải là một nữ chiến sĩ đấu tranh cho nữ quyền. “Tôi không có thời gian để nghĩ về việc đó”, bà nói khi đến Nhà Trắng nhận huân chương. Bà chỉ đơn giản sống theo tiền đề của người cha đã đặt ra cho 4 đứa con của ông: “Các con không giỏi hơn một ai trong thành phố này và không một ai giỏi hơn các con cả!”

 

 Trọng Hùng (Tổng hợp)