leftcenterrightdel
 Bà Maathai bên một ruộng rau

Tiến sĩ Wangari Muta Maathai (1/4/1940 - 25/9/2011) là một người bảo vệ môi trường và nhà hoạt động chính trị người Kenya. Bà là người phụ nữ đầu tiên ở khu vực Đông và Trung Phi đạt học vị tiến sĩ. Bà từng là thành viên của Nghị viện Kenya và trợ lý của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nước này. Bà đã thành lập Phong trào "Vành đai Xanh" vào năm 1977 với mục đích trồng rừng bảo vệ môi trường. Năm 2004, bà trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên được trao Giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình.

leftcenterrightdel
 Chân dung bà Wangari Muta Maathai

 

Bà Maathai sinh ra tại một ngôi làng thuộc cao nguyên trung bộ của Kenya. Khi bà học xong cấp 3, Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho châu Phi một chương trình giáo dục mang tên "Airlift Africa" và Maathai là 1 trong 300 người Kenya được chọn để tham gia học tại các trường đại học ở Mỹ năm 1960. Bà đã học tại Cao đẳng Mount St. Scholastica (nay là Cao đẳng Benedictine) ở quận Atchison, bang Kansas, Mỹ, với chuyên ngành sinh học. Sau đó, bà tiếp tục được tài trợ học bổng thạc sĩ sinh học tại Đại học Pittsburgh và tốt nghiệp năm 1966. Năm 1971, Maathai trở thành người phụ nữ đầu tiên ở khu vực Đông và Trung Phi đạt học vị tiến sĩ với bằng chuyên ngành giải phẫu thú y.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Maathai phát biểu trong một buổi họp của Liên hợp quốc

Trong suốt thời gian công tác, Tiến sĩ Maathai luôn tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ. Bà là thành viên của nhiều tổ chức nhân quyền và môi trường như: Hội Chữ thập đỏ Kenya, Hiệp hội Phụ nữ Đại học Kenya, Trung tâm Môi trường thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc… Năm 1977, bà phát động phong trào "Vành đai xanh" (Green Belt Movement - GBM), một phong trào nhằm nhấn mạnh và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc trồng cây. Phụ nữ ở Kenya được khuyến khích tham gia trồng và ươm cây, đặc biệt là các giống cây bản địa. Kể từ khi phong trào được phát động đến nay, hơn 51 triệu cây xanh đã được trồng trên khắp châu Phi, hơn 30.000 phụ nữ được đào tạo về lâm nghiệp, chế biến, nuôi trồng, giúp họ kiếm thêm thu nhập, đồng thời bảo tồn đất đai và tài nguyên của mình. Những thành công của GBM trong việc bảo tồn rừng, giáo dục và trao quyền kinh tế cho phụ nữ đã khiến phong trào được thế giới ca ngợi và đem về cho Tiến sĩ Maathai giải Nobel Hoà bình năm 2004.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Wangari Muta Maathai nhận giải Nobel Hoà bình năm 2004
leftcenterrightdel
 Maathai và ông Barack Obama (khi ấy còn là Thượng nghị sĩ Mỹ) tại Nairobi (Kenya) năm 2006

Tiến sĩ Wangari Muta Maathai đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Bà qua đời năm 2011, để lại niềm tiếc thương cho nhiều người.

Thiên Ánh (Tổng hợp)