leftcenterrightdel
 Ninh Lau từ nhỏ đã có niềm đam mê với búp bê. Ảnh: Ninh Lau

Khi còn là một đứa trẻ ở Hồng Kông (Trung Quốc), Ning Lau đã làm búp bê bằng khăn giấy và giấy. Giờ đây, cô cộng tác với nhiều công ty, tổ chức làm búp bê nổi tiếng cùng các sáng tạo được trưng bày khắp nơi…

Đam mê thời thơ ấu

Khi Ning Lau tốt nghiệp đại học và đi làm, cô bắt đầu tiết kiệm tiền nhưng không phải cho kỳ nghỉ trong tương lai hay mua nhà mà để… mua búp bê.

Lớn lên trong nghèo khó tại một khu nhà ở công tại Hồng Kông, Ning Lau nhớ mình từng say mê búp bê và phải tự làm búp bê bằng khăn giấy và giấy.

Sau 30 năm, cô không chỉ sưu tầm được hơn 500 con, gồm búp bê Lenci cổ điển quý hiếm, Bradley của những năm 1960, mà còn biến việc chế tạo búp bê thành công việc toàn thời gian của mình. “Tôi sưu tập, yêu thích và bây giờ thì làm búp bê. Tôi đang theo đuổi ước mơ của mình”, Lau cho hay.

Những tác phẩm sáng tạo của cô, được mô tả là những con búp bê châu Á giống Barbie, đã được trưng bày khắp nơi từ Nhật Bản đến Nga. Tại Hồng Kông, cô đã tạo ra những bộ quần áo phiên bản giới hạn cho các doanh nghiệp và tổ chức lớn, gồm tập đoàn thời trang I.T Group, khu phức hợp mua sắm Peak Galleria, Nhà hát Ballet Hồng Kông và Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC).

Gần đây nhất, Lau hợp tác với Bảo tàng văn hóa thị giác M+ của thành phố, nơi cô đã tạo ra 12 con búp bê lấy cảm hứng từ triển lãm “Madame Song: Nghệ thuật tiên phong và thời trang ở Trung Quốc”.

Lau từng học thời trang tại Đại học Bách khoa Hồng Kông với ý định theo đuổi sự nghiệp tiếp thị thời trang. Cô vươn lên trở thành Phó Chủ tịch tiếp thị và truyền thông tại Tập đoàn Lane Crawford Joyce, sau đó là Giám đốc tiếp thị và truyền thông khu vực tại Christian Dior.

Tuy nhiên, cô sớm cảm thấy mệt mỏi với lịch trình di chuyển bận rộn của công việc và quyết định thành lập công ty tiếp thị kỹ thuật số của riêng mình năm 2014. Khách hàng của cô gồm các thương hiệu tên tuổi như Nike, Chanel Beauty, Burberry và Johnson & Johnson.

Một buổi tối muộn tháng 4/2015, Lau tự nhiên làm con búp bê đầu tiên mà cô đặt tên là Lisa, bằng bông và vải mà cô có ở nhà để giảm bớt căng thẳng. Cô đã đăng một bức ảnh về búp bê này và đại diện các thương hiệu bắt đầu liên hệ với cô để bàn về việc hợp tác.

leftcenterrightdel
 Bộ sưu tập búp bê của Lau gồm một số búp bê Bradley cổ điển. Ảnh: Ninh Lau
leftcenterrightdel
 Lau hợp tác với Bảo tàng văn hóa thị giác M+ ở Hồng Kông, nơi cô đã tạo ra 12 con búp bê. Ảnh: Ninh Lau

Điểm khác biệt

Lau bắt đầu thực hiện một số dự án, tạo ra búp bê để trưng bày trên cửa sổ, bộ sưu tập nhỏ cho các thương hiệu… Một trong những lần hợp tác lớn đầu tiên của cô là với thương hiệu làm đẹp Nhật Bản Shu Uemura, nơi cô đã tạo ra một bộ búp bê trưng bày có đồ trang điểm từ bộ sưu tập Shu Uemura x Maison Kitsuné năm 2015.

Còn với phòng trưng bày thiết kế của HKTDC, Lau đã tạo ra bộ búp bê lấy cảm hứng từ các điểm tham quan nổi tiếng ở Hồng Kông và ẩm thực của thành phố. Một con búp bê mặc chiếc váy giống bánh bao tôm, trong khi con khác mặc chiếc áo có trang trí bằng cà ri cá viên.

Thời điểm đó, Lau vẫn đang điều hành công ty tiếp thị của mình nhưng đầu năm 2019 cô đóng cửa để tập trung hoàn toàn vào việc làm, kinh doanh búp bê và tổ chức các lớp học hàng tuần...

Kể từ những ngày đầu làm búp bê, Lau đã chuyển từ việc sử dụng các vật liệu tìm thấy xung quanh nhà sang làm việc với một nhà máy đồ chơi để sản xuất thân búp bê bằng nhựa. Nhưng cô vẫn vẽ các nét trên khuôn mặt của từng con búp bê, gắn tóc và mặc quần áo riêng cho chúng bằng tay.

leftcenterrightdel
 Lau có bộ sưu tập hơn 500 búp bê, bao gồm búp bê của chính cô cũng như búp bê Lenci cổ điển từ những năm 30 và búp bê Bradley từ những năm 60. Ảnh: Ninh Lau

Ngoài ra, cô cũng đến thăm các triển lãm búp bê và thủ công mỹ nghệ khắp thế giới để tìm nguồn cung cấp phụ kiện và nguyên liệu. Những con búp bê trong bộ sưu tập M+ gần đây của cô đang được bán với giá 614 USD/con.

Mặc dù, những con búp bê của cô có thể được so sánh với búp bê Barbie của Mattel, nhưng những sáng tạo của Lau hơi khác một chút. Cô cho biết, không phải tất cả chúng đều có nụ cười rạng rỡ và đôi mắt to đặc trưng của những con búp bê khác.

“Đôi khi tôi cảm thấy con búp bê giống như một người bạn vậy. Đó là điều gì đó có thật – chúng không phải là búp bê, chúng có sự sống. Vì thế không phải lúc nào chúng cũng hạnh phúc… chúng có những cảm xúc riêng”, Lau chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Lau đã ngẫu hứng làm con búp bê đầu tiên của mình, Lisa, vào tháng 4/2015 bằng vải vật liệu cô có ở nhà. Ảnh: Ninh Lau

Ngoài sản xuất búp bê, Lau còn điều hành một căn bếp riêng tên là Chopsticks Sisters cùng chị gái. Đầu năm nay, cô học ẩm thực Pháp tại Le Cordon Bleu ở Paris còn chị gái cô học làm bánh mì. Lấy cảm hứng từ thời gian ở đó, Lau đã tạo ra hai con búp bê trong bộ đồng phục Le Cordon Bleu mà cô hy vọng sẽ mở rộng thành một bộ sưu tập nhỏ.

Trong tương lai, Lau hy vọng có thể mời các nghệ sĩ búp bê từ khắp nơi trên thế giới tổ chức hội thảo tại Hồng Kông để những người đam mê búp bê có cơ hội học hỏi từ các chuyên gia, tham gia nhiều hoạt động hơn và tạo dựng một cộng đồng.

Cô nói: “Tôi rất may mắn khi có thể làm những việc mà tôi thực sự yêu thích, đam mê. Tôi thực sự yêu thích công việc của mình”.

Theo giaoducthoidai