Bà Katherine Johnson thời trẻ

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác nhận việc bà Katherine Johnson với lời chia sẻ đầy tiếc thương trên Twitter: "Chúng tôi cảm phục cuộc đời đầy cống hiến của bà và tôn vinh kiến thức xuất sắc của bà đã giúp phá vỡ các rào cản về chủng tộc và xã hội".

Sinh năm 1918 ở tiểu bang West Virginia, Katherine từ nhỏ đã được nhận định là đứa trẻ thông minh với đầu óc đặc biệt nhạy với các con số và hình dạng. Bằng chứng là bà được nhận vào học trường cấp 3 khi chỉ mới 10 tuổi và tốt nghiệp đại học ở tuổi 18. Vài năm sau đó, bà trở thành giáo viên đồng thời dành nhiều thời gian chăm lo gia đình và các con.

Khi đó, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không tổ chức tuyển dụng phụ nữ gốc Phi sau khi lệnh hành pháp ngăn chặn phân biệt chủng tộc trong ngành công nghiệp quốc phòng được áp dụng. Katherine nộp đơn và được nhận vào làm. Với khối óc thông minh vượt trội, Katherine nhận trách nhiệm kiểm tra các thuật toán phức tạp trước khi chúng được triển khai lên tàu vũ trụ.

Bà Katherine Johnson khi về già

Vì tệ phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ nên bà phải ngồi làm việc trong phòng dành cho "máy tính da màu", không được dùng chung nhà vệ sinh và căng-tin với nhân viên người da trắng. Tuy nhiên, Katherine lên tiếng và không chịu dùng nhà vệ sinh riêng cho người da màu cách phòng bà khá xa. Ngoài ra, bà đấu tranh vì phụ nữ không được phép tham gia các cuộc họp với kỹ sư. Cuối cùng, đàn ông đã phải chấp nhận cho người phụ nữ 3 con này tham dự "cuộc họp của họ" và chấp nhận thành tích tuyệt vời trong công việc của bà.

Katherine từng làm việc trong Dự án Mercury, chương trình đưa người vào không gian đầu tiên trên thế giới diễn ra từ năm 1958-1963. Nhờ khả năng tính toán của mình, bà có được danh tiếng là một trong những nhà toán học chính xác nhất tại NASA. Katherine Johnson đã soạn những tài liệu khoa học cơ bản cho các chuyến bay vào vũ trụ. Bà đã tạo ra một phương trình tinh vi nhằm giải quyết vấn đề an toàn cho lớp vỏ của phi thuyền. Bà tính toán quỹ đạo và đường trở về dự phòng khẩn cấp cho một số chuyến bay được tiến hành trong Dự án Mercury. Năm 1961, bà đã tính toán quỹ đạo bay cho nhà du hành vũ trụ Alan Shepard - người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ.

Tổng thống John F Kenedy tham quan Trạm Hàng không Cape Canaveral, nơi đỏi hỏi tính toán siêu chính xác mà bà Katherine Johnson tham dự, đảm bảo các phi hành gia trở về Trái đất an toàn.

Tháng 2/1962, chính John Glenn, chỉ huy trưởng con tàu vũ trụ trong chương trình thám hiểm vũ trụ Mercury-Atlas 6 đã yêu cầu gọi Katherine Johnson đến thẩm tra số liệu do chiếc máy tính IBM-7090 tính toán, đơn giản vì ông ta tin vào năng lực của bà hơn là vào máy tính. Chỉ sau khi bà "bật đèn xanh", John Glenn mới yên tâm cất cánh và là người Mỹ đầu tiên bay 3 vòng quanh trái đất.

Sau này, Katherine Johnson còn tính toán quỹ đạo bay cho Apollo 11. Trong kỳ tích của Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đặt những bước chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng ngày 21/07/1969 có đóng góp rất lớn của người phụ nữ thông minh như Katherine Johnson. Nếu không phải nhờ vào tính toán của người phụ nữ này, rất nhiều nhiệm vụ của NASA sẽ thất bại. Bà miệt mài làm việc cho đến khi nghỉ hưu năm 1986.

Tổng thống Barack Obama tặng Huân chương Tự do cho Katherine Johnson

"Katherine Johnson là một phụ nữ đi tiên phong phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa các chủng tộc, giới tính và cho giới trẻ thấy rằng, ai cũng có thể tỏa sáng trong toán học, các ngành khoa học tự nhiên và có thể với tới các vì sao" - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói khi ông trao tặng bà Huân chương tự do, một trong hai huân chương dân sự cao quý nhất nước Mỹ ngày 24/11/2015. NASA quyết định lấy tên bà Katherine Johnson đặt tên cho tòa nhà Điện toán để vinh danh và ghi nhớ những đóng góp lớn lao của bà về du hành vũ trụ ngày 5/5/2016, .

Hai quyển sách "Rise of the rocket girls" của Nathalie Holt và "Hidden Figures" của Margot Lee Shetterly về "những nữ máy tính da màu" và Katherine Johnson được công bố năm 2016. Một bộ phim Hollywood có tựa đề Hidden Figures (Những người thầm lặng) dựa vào hai tác phẩm trên đã ra mắt khán giả. Hidden Figures được đánh giá là một trong mười bộ phim hay nhất năm 2016.

Tháng 6/2019, NASA đã chính thức đổi tên con đường đi qua trụ sở chính là Hidden Figures nhằm tri ân các nhà khoa học nữ Katherine Johnson, Dorothy Vaughan và Mary Jackson đã cống hiến vì sự phát triển của tổ chức này.

Nguồn: NASA, Daily Mail