leftcenterrightdel
 Yuna Kato cùng bạn bè trong câu lạc bộ sản xuất một chiếc máy bay hạng nhẹ chạy bằng sức người

Thành kiến vô thức

Người thân của Kato cũng cố ngăn cô lựa chọn lĩnh vực STEM vì quan niệm rằng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này quá bận rộn và đòi hỏi trách nhiệm công việc cao, khiến họ khó cân bằng cuộc sống cá nhân, bao gồm cả hẹn hò và tìm đối tượng kết hôn. "Bà và mẹ tôi thường nói với tôi rằng, có những công việc khác ngoài kia có thể phù hợp hơn với trách nhiệm nuôi dạy con cái", cô nói.

Theo thống kê, tính riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Nhật Bản được dự đoán sẽ thiếu khoảng 790.000 lao động vào năm 2030, chủ yếu là do thiếu nữ giới. Các chuyên gia cảnh báo rằng, Nhật Bản có thể bị tụt dốc trong khả năng đổi mới, năng suất và cạnh tranh, những yếu tố từng đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Việc phụ nữ tham gia hạn chế các lĩnh vực STEM có thể làm suy yếu những thế mạnh này và cản trở sự phát triển của đất nước.

Nhật Bản đứng cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia giàu có về bình đẳng giới trong lĩnh vực kỹ thuật, với tỷ lệ 16% sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật, chế tạo và xây dựng là nữ. Điều này trái ngược với thành tích ấn tượng của nữ sinh Nhật Bản trong môn Toán và Khoa học, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nhật Bản đang tích cực giải quyết vấn đề này thông qua thúc đẩy giáo dục STEM cho phụ nữ và tính toàn diện trong lực lượng lao động để thu hẹp khoảng cách giới và tận dụng tiềm năng con người.

Bắt đầu từ năm học 2024, khoảng 12 trường đại học ở Nhật Bản, bao gồm Đại học Công nghệ Tokyo nơi Kato theo học, sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ để đưa ra chỉ tiêu sinh viên nữ trong lĩnh vực STEM. Động thái này thể hiện sự thay đổi đáng kể ở một quốc gia mà khoảng cách giới tính trong giáo dục và việc làm luôn tồn tại. Một cuộc điều tra vào năm 2018 cho thấy, một trường y ở Tokyo đã cố tình hạ điểm đầu vào của thí sính nữ để ưu tiên thí sinh nam. Hành động được cho là dựa trên giả định rằng, phụ nữ sẽ ưu tiên gia đình hơn sự nghiệp sau khi có con.

Trong nỗ lực thay đổi, Chính phủ Nhật Bản đã sản xuất một video dài hơn 9 phút để làm nổi bật "thành kiến vô thức" có thể ngăn phụ nữ và trẻ em gái theo đuổi sự nghiệp STEM như thế nào. Video đưa ra các tình huống mà giáo viên và người lớn vô tình duy trì định kiến giới. Trong một tình huống, lời khen của giáo viên về khả năng toán học của một học sinh nữ góp phần thể hiện quan niệm rằng trẻ em gái giỏi Toán là điều ít xảy ra. Một tình huống khác cho thấy việc người mẹ không khuyến khích con gái theo đuổi ngành kỹ thuật với lý do "đó là lĩnh vực của nam giới".

Cục Bình đẳng giới của nước này có kế hoạch tổ chức hơn 100 hội thảo và sự kiện về STEM trong mùa hè này, chủ yếu hướng tới các học sinh nữ.

Đưa quan điểm của phụ nữ vào quá trình phát triển sản phẩm

Ngày càng có nhiều tổ chức giáo dục và công ty ở Nhật Bản, như Mitsubishi Heavy Industries và Toyota, thu hút tài năng nữ trong các lĩnh vực STEM thông qua tài trợ học bổng cho nữ sinh.

Minoru Taniura thuộc bộ phận nhân sự của Mitsubishi Heavy Industries, cho biết, sự thiếu hụt nữ kỹ sư là điều không bình thường, đặc biệt khi phụ nữ chiếm một nửa dân số. Taniura nhấn mạnh rằng việc duy trì cân bằng giới tính trong ngành kỹ thuật là điều cần thiết để cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. "Nếu không có sự đa dạng trong tổng thể, chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau trong việc cung cấp những gì khách hàng đang tìm kiếm".

Các công ty như Panasonic cũng nhận ra giá trị của việc đưa quan điểm của phụ nữ vào quá trình phát triển sản phẩm. Ví dụ, kỹ sư cao cấp Kyoko Ida đã giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra một chiếc máy làm bánh mì đáp ứng nhu cầu của đa số người dùng là nữ giới. Điều này nhấn mạnh cách các nhóm có thể đóng góp vào các sản phẩm phục vụ tốt hơn cho người dùng.

Kim Ngọc/Nguồn: Reuters