|
|
Ngày càng nhiều phụ nữ gia nhập tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Ảnh: cottonbro/Pexels |
Trong nhiều thế kỷ, xã hội Trung Quốc cho rằng một người đàn ông tài giỏi sẽ muốn cưới một người vợ yếu đuối và dịu dàng hơn, rằng phụ nữ sẽ đứng sau để hỗ trợ cho sự thành công của chồng mình.
Phụ nữ được khuyến khích đạt được nỗ lực “lấy chồng giàu” hơn là theo đuổi sự nghiệp của bản thân. Những thành tựu cá nhân được coi là trái với lợi ích hôn nhân, gia đình và các mối quan hệ thân mật khác của họ, theo Sixth Tone.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, với trình độ học vấn ngày càng cao, cùng với sự độc lập về tài chính và thành công trong sự nghiệp, nhiều phụ nữ Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện tiếng nói và quyền lực của mình trong gia đình.
|
|
Nhiều phụ nữ đóng vai trò trụ cột tài chính trong gia đình, chi trả gần hết khoản chi phí sinh hoạt và đưa ra quyết định quan trọng. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels |
Trong một số trường hợp, điều này dẫn đến sự bình đẳng hơn về giới. Nhưng cùng với đó, khi nghiên cứu về những mối quan hệ do phụ nữ thống trị tại các thành phố Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, phó giáo sư Pei Xuxin phát hiện mô hình “phụ thuộc ngược”.
Ở mô hình này, phụ nữ chiếm ưu thế về tài chính trong gia đình sẽ khiến chồng của họ thực hiện những hy sinh cần thiết nhằm giữ vững cuộc hôn nhân.
Có tiếng nói trong gia đình
Những người tham gia nghiên cứu của phó giáo sư Pei Xuxin, tại Trường Xã hội học và Nhân chủng học của Đại học Sun Yat-sen, là phụ nữ tuổi 30-50 thuộc giới tân cổ điển Trung Quốc.
Một số người là trụ cột của gia đình. Tiền lương của họ được dùng để chi trả các khoản thế chấp, tiền mua xe, học phí cho con cái và mọi thứ cần thiết trong tổ ấm.
Một số khác phân chia trách nhiệm tài chính với chồng. Tuy nhiên, họ chi trả phần lớn sinh hoạt phí, còn đối phương đóng góp phần nhỏ hơn.
Đa số cảm thấy thoải mái khi tự mình đưa ra các quyết định lớn trong gia đình, bao gồm quyết định liên quan đến đầu tư, khoản mua sắm lớn và việc đi học của con cái họ.
|
|
Nhiều đàn ông vẫn kỳ vọng vợ vừa kiếm nhiều tiền, vừa chăm sóc gia đình. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels |
“Tôi thảo luận những vấn đề lớn với chồng mình. Nhưng anh ấy không bao giờ phản đối bất cứ điều gì. Chồng tôi cũng chịu trách nhiệm cho những đầu việc mà tôi không quan tâm. Anh luôn hỏi ý kiến tôi trước khi đưa ra quyết định”, Miu Miu, một nữ doanh nhân 38 tuổi điều hành một cửa hàng thời trang online, chia sẻ.
Yao Li (45 tuổi), chủ sở hữu của một công ty tư vấn, thẳng thắn cho biết miễn là không xin tiền chồng, “tất cả quyết định phụ thuộc vào tôi”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chồng của họ luôn sẵn sàng chấp nhận vai trò “yếu thế” trong cuộc hôn nhân.
Vợ chồng Miu Miu từng có những cuộc thảo luận nghiêm túc về chuyện ly hôn, một phần vì anh cảm thấy cô không dành đủ thời gian ở nhà chăm sóc con cái.
“Hầu hết đàn ông Trung Quốc đưa ra yêu cầu cho phụ nữ có sự nghiệp tương tự những người vợ nội trợ toàn thời gian. Trong một lần cãi nhau vài năm trước, anh ấy từng nói với tôi rằng ‘Em chưa từng làm bữa sáng cho anh. Em có còn là phụ nữ không vậy?’”, cô kể lại.
|
|
Những lời đề nghị ly dị không khiến những phụ nữ độc lập tài chính chịu khuất phục. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels |
Một điểm khác biệt giữa kiểu mối quan hệ này với cặp “chồng mạnh - vợ yếu” là phụ nữ không chịu khuất phục, ngay cả khi bị đề nghị ly hôn. Hoặc một số người thậm chí dùng lời đe dọa ly dị để khiến chồng phải thay đổi suy nghĩ.
Ở trường hợp của Miu Miu, cô kiên nhẫn chờ đợi chồng kết thúc những lời phàn nàn. Giờ anh sẵn sàng dành nhiều thời gian ở nhà với con cái hơn để vợ có thêm thời gian kinh doanh.
Cần được tin tưởng và hỗ trợ từ bạn đời
Không có gì ngạc nhiên khi những phụ nữ có thu nhập cao có kỳ vọng lớn đối với người bạn đời của mình. Phó giáo sư Xuxin cho biết tất cả người tham gia nghiên cứu đều bày tỏ mong muốn một mối quan hệ lãng mạn và nồng nhiệt.
Họ phàn nàn về lối cư xử kém lãng mạn và tinh tế trong quá khứ và cả hiện tại của chồng mình. Cụ thể, những người đàn ông này không có hành động tặng quà bất ngờ, hay trò chuyện ngọt ngào, tán tỉnh vợ.
Nhưng đồng thời, không ai coi sự lãng mạn là yếu tố cần thiết cho các mối quan hệ và gia đình. Hơn 1/3 người tham gia khảo sát khẳng định không ai có thể thay thế được chồng mình với tư cách là cha của những đứa con của họ.
Qua nghiên cứu, phó giáo sư Xuxin cũng phát hiện rằng những phụ nữ thành công và có thu nhập cao coi trọng nhất là sự tin tưởng, an toàn và gia đình.
Nói cách khác, dù thỉnh thoảng buông lời đe dọa, họ vẫn nỗ lực để duy trì hôn nhân và gia đình, miễn là chồng đáp ứng yêu cầu của họ.
|
|
Nhiều phụ nữ muốn được người bạn đời ủng hộ, tôn trọng và tạo cảm giác an toàn. Ảnh: Pexels |
Bella (45 tuổi) là doanh nhân điều hành công việc kinh doanh cùng chồng. Vợ chồng cô có 2 đứa con. Sau khi phát hiện chồng ngoại tình với người yêu cũ, cô cân nhắc kỹ các lựa chọn trước khi đưa ra tối hậu thư.
“Nếu anh muốn ở lại gia đình này, anh phải cam kết 3 điều. Một, anh gọi điện cho cô ta trước mặt tôi và nói rằng sẽ không bao giờ liên lạc lại với người phụ nữ đó nữa. Hai, anh không bao giờ có thể mua cổ phiếu đầu cơ. Và ba, anh không được có những quỹ riêng nữa”, Bella kể lại lời mình đã nói với chồng.
Dù miễn cưỡng, chồng cô cũng đồng ý với những điều khoản trên. Bella cho biết cô có những lý do quyết định ở lại trong cuộc hôn nhân này.
“Chúng tôi đồng sở hữu công ty, và nguồn tiền nằm trong sổ sách. Làm cách nào để phân chia số tiền đó? Nếu ly hôn, chẳng phải công việc kinh doanh cũng gặp trở ngại sao? Tình yêu và niềm đam mê sẽ dần phai, nhưng còn rất nhiều thứ khác để cân nhắc khi bạn ở tuổi trung niên”, cô chia sẻ.
Cuối cùng, phó giáo sư Xuxin cho biết điều mà những phụ nữ tham gia nghiên cứu mong muốn nhất ở người bạn đời là sự tôn trọng, chấp nhận và hỗ trợ đối với không gian cá nhân của họ, quyền đàm phán và đưa ra ý kiến cá nhân, cũng như nơi an toàn để bày tỏ sự thân mật.
Nguồn lực tài chính có thể dễ dàng giúp mong muốn này của họ trở nên khả thi. Tuy nhiên, những phụ nữ này muốn tạo ra con đường phù hợp để thế hệ sau có thể noi theo, theo phó giáo sư Xuxin.
Theo Zingnews