Vài tháng sau đợt phong tỏa do COVID-19, Dimakatso, 25 tuổi, phải ngủ với một người đàn ông lớn tuổi đã có gia đình để lấy 1.000 rand (hơn 50 USD).

Đó là lần đầu tiên cô quan hệ tình dục vì tiền. Người mẹ trẻ cho biết cô buộc làm vậy vì phải nuôi hai đứa con, 5 tuổi và 8 tuổi. Đại dịch khiến cô thất nghiệp, và mẹ cô - người kiếm tiền nhiều nhất trong gia đình - cũng mất việc.

“Biết rằng điều đó cực kỳ nguy hiểm nhưng tôi không muốn các con tôi phải chết đói", Dimakatso nói trong tuyệt vọng.

Dimakatso không phải là trường hợp duy nhất. Theo báo cáo mới nhất của UN Aids (chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV và AIDS), cuộc khảo sát thực hiện trên 2.812 phụ nữ Nam Phi dương tính với HIV hoặc sống ở những khu vực có nguy cơ cao cho thấy, kể từ khi  đại dịch bùng phát vào năm 2020, đã có thêm 15% phụ nữ báo cáo hoạt động mại dâm hoặc giao dịch tình dục để duy trì sinh kế.

 

Dimakatso là một bà mẹ trẻ đến từ Soshanguve, Pretoria. Ảnh: Tshepiso Mabula/The Guardian
Dimakatso buộc phải quan hệ tình dục để đổi lấy tiền nhằm sống sót trong đại dịch - Ảnh: Tshepiso Mabula/The Guardian

 

Bà Anne Githuku-Shongwe - giám đốc khu vực của UNAids - cho biết, các giao dịch tình dục đã trở nên phổ biến ở một số quốc gia châu Phi cận Sahara. “Ở các quốc gia đang xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng nhân đạo, việc mua bán trẻ em gái và bạo lực là chuyện bình thường. Không ai bảo vệ họ, không có gì an toàn", bà nói.

Các ca nhiễm HIV và mang thai ở thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ (từ 15 - 24 tuổi) đang gia tăng ở Nam Phi. Theo báo cáo, năm 2021, ước tính toàn cầu có khoảng 250.000 người mới nhiễm HIV, 82% trong số đó là ở châu Phi cận Sahara.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng giao dịch tình dục hay hiện tượng sugar daddy là một phần nguyên nhân. Deevia Bhana - giáo sư về giới tính và tình dục trẻ em tại Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi - cho biết: “Việc quan hệ tình dục sớm làm tăng nguy cơ nhiễm HIV".

Ở Soshanguve, một thị trấn cách Pretoria nơi Dimakatso sống khoảng 20 dặm, những người phụ nữ sẽ ngủ lại nhà đàn ông và sau đó được trả ít nhất 1.000 rand. “Trong cộng đồng của tôi, chúng tôi sống bằng AmaVuso, đó là tiền sau tình dục… Chúng tôi buộc phải làm để nuôi con", cô nói.

Dimakatso nhiễm HIV từ bạn trai cũ. Anh ta đã không nói cho cô biết mình mắc bệnh. Cô được phát hiện nhiễm bệnh khi mang thai đứa con đầu lòng. Sau đó, cô dùng thuốc kháng virus. Dimakatso cho biết cô luôn sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không phải tất cả những phụ nữ khác đều làm như vậy.

Bà Githuku-Shongwe nói rằng sự bất bình đẳng đã thúc đẩy các giao dịch tình dục gia tăng và phụ nữ luôn bị đánh giá thấp hơn nam giới.

“Các gia đình đang quyết định cho con gái của họ bước vào các giao dịch tình dục. Áp lực kinh tế càng cao thì nguy cơ con gái họ phải giao dịch tình dục càng tăng, đó có thể là kết hôn chính thức hay một mối quan hệ đem lại tiền cho họ", bà nói.

Dimakatso nhận thức được những rủi ro nhưng vì cần tiền, cô đành chấp nhận. Mẹ cô không biết con gái mình đang làm gì, cho đến khi phát hiện ra sự thật đau đớn này. “Thật đau lòng khi con bé phải làm điều này. Nếu tôi biết, tôi sẽ ngăn cản. Những kẻ này sẽ giết các cô gái. Ở Nam Phi, tỉ lệ bạo lực giới rất cao. Vì là người trả tiền, nên đàn ông sẽ giết hoặc đòi được sở hữu các cô gái”.

 

Dimakatso và mẹ cô, Johanna. Ảnh: Tshepiso Mabula/The Guardian
Dimakatso và mẹ - Ảnh: Tshepiso Mabula/The Guardian

 

Bà Githuku-Shongwe cho rằng, cần đảm bảo rằng các cô gái có thể kiếm được việc làm sau khi học xong. Đồng thời, cần giáo dục họ về nguy cơ nhiễm HIV và cách phòng ngừa, để họ biết tự bảo vệ mình như sử dụng bao cao su.

Tình hình ở Nam Phi vẫn rất ảm đạm khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 34,5%, tỷ lệ này đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 15-24 (lên đến gần 64%). Phụ nữ và trẻ em gái Nam vẫn buộc phải dùng mọi cách để có thể sống sót. 

Theo phụ nữ TPHCM