Đối với Mary Zhu (32 tuổi), giáo viên dạy piano tại Thượng Hải (Trung Quốc), mèo là mối quan tâm lớn nhất của cô lúc này. Hiện tại, cô sống một mình trong căn hộ nhỏ cùng hai chú mèo, trải qua những ngày tháng bình lặng, hạnh phúc.

"Tôi từng ao ước được nuôi mèo sau khi kết hôn. Nhưng khi đã có hai chú mèo ở bên cạnh, tôi cảm thấy việc lấy chồng không còn quan trọng nữa", Zhu nói.

Dù bị xem là khác thường so với quan niệm xã hội, Mary Zhu cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Khi không có tiết dạy, cô thường đi dạo, gặp gỡ bạn bè hoặc ở nhà cùng mèo cưng.

Vài năm trở lại đây, lối sống "không yêu đương, không kết hôn" của Zhu đang trở thành xu hướng được đông đảo người trẻ xứ Trung ủng hộ.

Dù đi ngược lại quan niệm xã hội, giáo viên dạy piano Mary Zhu (32 tuổi) vẫn hài lòng với cuộc sống độc thân của mình. Ảnh: Handout.

"Không yêu đương, không kết hôn"


Theo trang China Statistical Yearbook 2019, tính đến tháng 12/2018, Trung Quốc có khoảng 120 triệu người trên 15 tuổi chưa kết hôn.

Ngoài ra, số liệu mới nhất của Bộ Dân chính Trung Quốc cũng cho thấy, tỷ lệ kết hôn có xu hướng giảm từ năm 2013. Năm ngoái, khoảng 9,2 triệu cặp vợ chồng ở đất nước tỷ dân đăng ký kết hôn, giảm 8,5% so với năm 2018.

Sự phổ biến của xu hướng "không yêu đương, không kết hôn" tại nước này đã thúc đẩy ngành công nghiệp "dành cho một người", với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ nhắm tới khách hàng độc thân. Điển hình là các suất ăn đơn, phòng karaoke đơn, hoạt động dùng bữa cùng gấu bông...

Một số người Trung Quốc độc thân cho biết lý do đằng sau quyết định "cô đơn lẻ bóng" của họ là quyết tâm tập trung phát triển chính mình.

Năm 2013, Zhang Jiaqi - giám đốc marketing tại một nhà hàng ở Bắc Kinh - chia tay người bạn trai 2 năm rưỡi của mình khi anh sang Nhật Bản làm việc. Kể từ đó, cô vẫn luôn lẻ bóng.

Zhang chia sẻ rằng khi ấy, cô gần như đánh mất bản chính mình.

"Bạn trai cũ của tôi nói chia tay là một quyết định khó khăn. Thế nhưng, anh ấy muốn được tự do theo đuổi đam mê, điều mà tôi không thể cho. Dù rất đau khổ, tôi nhận ra rằng mình không thể tiếp tục sống như một 'vật trang trí' của đàn ông được", nữ giám đốc trải lòng.

Không yêu đương hay không kết hôn, phụ nữ Trung Quốc hiện đại chọn cách tập trung phát triển bản thân. Ảnh: Trip Savvy.

Sau đổ vỡ tình cảm, Zhang cố gắng thay đổi bằng cách làm việc hết mình, dành thời gian cho bạn bè, hình thành thói quen đi thăm bảo tàng, vẽ tranh và nuôi mèo để bình ổn tâm trạng.

Dù vẫn tin vào tình yêu, song Zhang cho rằng giá trị của bản thân quan trọng hơn sự lãng mạn nhất thời. Cô muốn tập trung hoàn thiện chính mình trước khi chăm lo cho người khác.

Còn với Mary Zhu, cô chia sẻ dự định "kết hôn khi gặp được người phù hợp". Nữ giáo viên cũng nói thêm: "Hôn nhân không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ... Nó đòi hỏi bạn phải ít nhiều hy sinh sự tự do của mình".

Thực tế, sự gia tăng tỷ lệ độc thân và độ tuổi kết hôn trung bình tại Trung Quốc là tình trạng đang diễn ra tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kết quả khảo sát đăng trên The Korea Herald năm 2015 cho thấy, 90% nam giới và 77% nữ giới Hàn Quốc trong độ tuổi 25-29 chưa kết hôn. Đối với người trong độ tuổi 30-34, con số đó là 56% và với nhóm 40-45 tuổi là 33%.

Chuẩn bị tinh thần cho người thân


Theo Hou Hongbin, nhà hoạt động nữ quyền người Quảng Châu (Trung Quốc), chính sách dân số và quan niệm "trọng nam khinh nữ" là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tỷ lệ kết hôn tại đất nước tỷ dân. Bên cạnh đó, một lý do khác chính là sự độc lập, tự chủ của phụ nữ hiện đại.

"Thời xưa, không phụ nữ nào dám khẳng định: 'Tôi không muốn lấy chồng'. Giờ đây, câu nói trên đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều dù không phải cô gái nào cũng 'nói là làm'", Hou giải thích.

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc quyết tâm chuẩn bị tài chính để sống cuộc đời "độc thân vui vẻ". Ảnh: AFP.

Ngày nay, nhiều cô gái đã quyết tâm tiết kiệm tiền để mua nhà cửa, xe cộ chuẩn bị cho cuộc sống "độc thân vui vẻ". Song bên cạnh vấn đề tài chính, họ cần sẵn sàng đối diện với áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội khi lựa chọn đi ngược lại số đông.

Viola Zeng, người Thâm Quyến (Trung Quốc), đã làm công tác tư tưởng cho cha mẹ suốt nhiều năm qua để thuyết phục họ ủng hộ lựa chọn "không kết hôn" của mình.

Cô đã lấy cuộc hôn nhân đổ vỡ của bạn bè làm ví dụ chứng minh rằng "sống một mình sẽ tốt hơn lấy nhầm người".

"Dù bạn độc thân, đã kết hôn hay đang yêu, chúng ta nên có quyền lựa chọn điều khiến bản thân hạnh phúc", cô nói.

Theo vnexpress