Khi ấy, Amna* cần khám phụ khoa do nghi ngờ mình mắc bệnh lậu, căn bệnh phổ biến lây nhiễm qua đường tình dục. Lo sợ gia đình phát hiện, cô quyết định bí mật đến một trung tâm y tế ở thành phố Rawalpindi (thuộc tỉnh Punjab, miền đông Pakistan). Mỗi lần nghĩ về trải nghiệm điều trị tại đây, người phụ nữ vẫn cảm thấy “chấn động tâm lý”.

“Y tá và nhân viên ở đó đùa cợt về cơ thể tôi, về cả những người họ nghĩ tôi từng có quan hệ thể xác. Tôi thấy vô cùng xấu hổ, tội lỗi khi phải hứng chịu sự xúc phạm như vậy. Tôi bị đặt vào tình thế thậm chí không thể lên tiếng phản bác”, Amna chia sẻ. “Trong khi đó, người bác sĩ phụ trách không hề can ngăn mà ngược lại, còn tỏ ra thích thú”.

Tổn thương bởi định kiến

Amna không phải trường hợp duy nhất. Tại Pakistan, nhiều phụ nữ chưa kết hôn đến khám chữa một số bệnh lý nhạy cảm như STI (những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục), phải hứng chịu lối hành xử kỳ thị cùng lời lẽ lăng mạ từ đội ngũ nhân viên, bác sĩ điều trị. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, định kiến bảo thủ tồn tại từ lâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, vốn hãy còn âm thầm tiếp diễn cả trong một số cơ sở y tế chuyên nghiệp. Về lâu dài, không ít hệ lụy nguy hiểm có khả năng phát sinh, khi sức khỏe và quyền lợi phụ nữ không ngừng bị tổn hại. 

Trong xã hội Pakistan, quan hệ tình dục tiền hôn nhân được xem như hành vi phạm pháp, với mức án phạt có thể lên tới 5 năm tù. Bộ luật thiếu công bằng “tấn công” trực tiếp phụ nữ thuộc tầng lớp lao động nghèo lẫn các nạn nhân của xâm hại tình dục. Ngay cả nếu không chịu sức ép từ luật pháp, quan hệ thể xác trước khi kết hôn luôn khiến phụ nữ Pakistan bị đánh giá là vô đạo đức.    

Mặt khác, tư tưởng định kiến biến sức khỏe sinh lý thành đề tài thảo luận cấm đoán, kìm hãm hoạt động giáo dục sức khỏe giới tính và sinh sản ở quốc gia Nam Á. “Sau quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy 80% thanh niên Pakistan hiện không ý thức rõ về STI. "Gốc rễ" vấn đề bắt nguồn từ việc thiếu hụt các chương trình giáo dục giới tính thiết thực. Đồng thời, vẫn đang tồn tại lối tư duy, hành xử kỳ thị nhắm vào phụ nữ. Không ai muốn nghiêm túc trò chuyện về chủ đề sức khỏe sinh sản”, nhà nghiên cứu y sinh và sức khỏe sinh sản Saher A. Khan nhận định. 

Một nghiên cứu xã hội học gần đây tiến hành tại thành phố Rawalpindi cho thấy: gần 60% trên tổng số 150 phụ nữ Pakistan tham gia phỏng vấn có kiến thức mơ hồ liên quan đến STI. Mặc dù, 1/3 trong nhóm này thừa nhận từng bị lây nhiễm STI.

Hậu quả khó lường

Đối với những bệnh nhân nữ độc thân mắc STI ở Pakistan, áp lực kỳ thị cùng định kiến giới buộc họ phải giữ im lặng, kéo theo tổn thương lâu dài lên sức khỏe tâm sinh lý. Nhiều người thiếu nhận thức đầy đủ về an toàn tình dục cũng như biện pháp phòng tránh bệnh truyền nhiễm. Thêm vào đó, giá thành dịch vụ tư vấn – khám chữa bệnh khá cao, phương tiện di chuyển hạn chế và nỗi sợ bị gia đình, cộng đồng ruồng bỏ dễ đẩy phụ nữ vào tình cảnh bất lực. Vài trường hợp chọn cách giấu bệnh, khiến viêm nhiễm trầm trọng hơn, dẫn đến hậu quả nguy hiểm như ung thư cổ tử cung hoặc vô sinh. 

Đông đảo phụ nữ bản địa biểu tình trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8.03.2022 tại Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan. (Ảnh: AFP)
Đông đảo phụ nữ bản địa biểu tình trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022 tại Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan - Ảnh: AFP

 

“Luôn có một thứ gánh nặng đạo đức phụ nữ phải mang theo. Rằng nếu chẳng may họ gặp trục trặc về sức khỏe sinh sản, lỗi hoàn toàn thuộc về họ, hay họ sẽ làm cả gia đình thất vọng”, Aisha Ijaz, giám đốc điều hành dự án của Aahung – một tổ chức phi lợi nhuận ở Pakistan chuyên bảo trợ quyền lợi sức khỏe sinh sản, bày tỏ.   

Những người đủ khả năng đặt chân đến trung tâm y tế khám chữa bệnh phải đối diện sự phán xét, đôi khi bị từ chối điều trị. “Không ít người vẫn giữ cái nhìn thiên lệch: vì chưa lập gia đình, phụ nữ không có quyền quan hệ tình dục và do đó, chưa cần đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, Ijaz nói. “Tệ hơn, một số bác sĩ sẵn sàng tỏ thái độ kỳ thị trước bệnh nhân”.

Đây là điều từng xảy đến với Anushay, 32 tuổi, người gần đây phải điều trị bệnh Chlamydia (bệnh dễ lây nhiễm thuộc nhóm STI) trong một bệnh viện tư tại thành phố Peshawar, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, miền bắc Pakistan. “Khi khám, vị bác sĩ liên tục nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu. Bà ấy thậm chí không trả lời những thắc mắc của tôi về căn bệnh”, cô tiết lộ.

Một bệnh nhân khác phải mất 2 năm, thay đổi hai bác sĩ phụ khoa và ba bác sĩ da liễu, để nhận được chẩn đoán chính xác cho bệnh sùi mào gà. Myrah, 28 tuổi, nghi ngờ tiến trình khám chữa bệnh có phần sơ sài, chỉ mang tính thủ tục cô trải qua đã gây ra sự chậm trễ này. “Ban đầu, có lẽ họ nghĩ vì chưa kết hôn, tôi không có khả năng nhiễm STI”.

Cải thiện vấn đề từ giáo dục

Lũ lụt thảm khốc tại Pakistan mới đây làm dấy lên quan ngại tương tự xoay quanh việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ. Trong số 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 8.2 triệu là phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, những người đang rất cần hỗ trợ sản phẩm chăm sóc sức khỏe phụ khoa. “Nhiều phụ nữ ở trại cứu trợ không thể tiếp cận sản phẩm thiết yếu như băng vệ sinh, đồ lót sạch trong kỳ kinh nguyệt”, nữ sinh viên và nhà hoạt động xã hội Bushra Mahnoor chia sẻ. Trước thực trạng bất cập, Mahnoor cùng người bạn đồng trang lứa Anum Khalid quyết định tổ chức chiến dịch gây quỹ Mahwari Justice, nhằm cung ứng sản phẩm vệ sinh phụ nữ đến các khu trại dành cho nạn nhân lũ lụt.   

Khalid, người đứng sau dự án Mahwari Justice, bày tỏ: “Trong bối cảnh thiên tai, nhu cầu về sản phẩm vệ sinh phụ nữ cũng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men”. (Ảnh: MahwariJustice)
Khalid, người đứng sau dự án Mahwari Justice, bày tỏ: “Trong bối cảnh thiên tai, nhu cầu về sản phẩm vệ sinh phụ nữ cũng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men” - Ảnh: MahwariJustice

 

Theo một cuộc khảo sát của Unicef, 49% nữ giới Pakistan không được giáo dục kiến thức về sức khỏe phụ khoa trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên của họ. Sana Lokhandwala, nhà sáng lập Her Pakistan – tổ chức xã hội có trụ sở tại Karachi chuyên thúc đẩy hoạt động giáo dục nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe kinh nguyệt, cho biết: “Ở vài cộng đồng dân cư, một số em nữ buộc phải thôi học, bị cách ly khỏi gia đình trong giai đoạn kinh nguyệt. Khi thiên tai xảy đến, các em rơi vào hoàn cảnh còn tồi tệ hơn do thiếu hụt sản phẩm vệ sinh”.

Để xây dựng giải pháp thích đáng giúp xóa bỏ dần định kiến giới, cũng như cải thiện tổng quan hoạt động chăm sóc sức khỏe phụ khoa, theo các chuyên gia, Pakistan trước hết cần một hệ thống giáo dục giới tính toàn diện hơn.

“Chúng tôi cần những chương trình giáo dục bổ ích, thiết thực ở trường học. Chúng tôi cũng cần sự chung tay phối hợp của các bậc phụ huynh trong việc thúc đẩy thế hệ trẻ nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe”, Ijaz, giám đốc của tổ chức Aahung, nhấn mạnh. “Song song đó, Pakistan rất cần cải tổ hệ thống y tế – chăm sóc sức khỏe nói chung vốn đang thiếu trước hụt sau hiện nay.

(*) Tên các bệnh nhân đề cập trong bài viết đã được thay đổi nhằm bảo vệ quyền riêng tư.

Theo phụ nữ TPHCM