leftcenterrightdel
 

Trong căn phòng tràn ngập mùi hương các loại thảo mộc, Doris Luo nằm úp mặt xuống giường khi một nhân viên xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai và lưng cho cô.

Bỗng một tiếng khóc lớn vang lên, phá vỡ sự im lặng bởi đứa con trai mới sinh của Luo tỉnh giấc. Lúc này, một bảo mẫu đến và giúp người phụ nữ 32 tuổi chuyển sang một tư thế thoải mái hơn khi cho con bú.

Sau 20 phút, bảo mẫu nhẹ nhàng đón đứa trẻ từ Luo và giúp cậu bé ợ hơi. Còn người mẹ thưởng thức bữa trà chiều của mình, Sixth Tone đưa tin.

leftcenterrightdel
Một y tá nói chuyện với sản phụ mới sinh tại một khách sạn phụ sản ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc,) năm 2018. Ảnh:Cheng Ying/VCG. 
 

Luo nằm trong số những vị khách của “khách sạn sản phụ” - mô hình khách sạn mới nổi và đang lan rộng khắp Trung Quốc.

Tại không gian sang trọng này, những người mẹ mới sinh sẽ được tận hưởng tháng ở cữ của mình một cách thoải mái nhất.

Từng chỉ dành cho giới siêu giàu

Tập tục ở cữ đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở xứ tỷ dân. Sau khi sinh con, các bà mẹ sẽ phải ở trong nhà cả tháng, tránh nhiệt độ lạnh hay bất kỳ hoạt động nào sử dụng đến sức lực. Điều này được cho là để hỗ trợ phục hồi thể chất một cách an toàn.

Truyền thống này đã ăn sâu vào xã hội Trung Quốc và mỗi địa phương sẽ có những quy tắc kiêng cữ sau sinh khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng có thể tồn tại nhiều hạn chế.

Các gia đình thường cấm những phụ nữ mới sinh ra khỏi nhà, uống nước lạnh hay tắm bằng bất cứ thứ gì khác ngoài nước đun sôi. Ở một số nơi, họ còn không được xem TV, dùng điện thoại thông minh hay máy sấy tóc để tránh xa mọi bức xạ.

leftcenterrightdel
 Theo tập tục ở cữ truyền thống, người mẹ mới sinh phải giữ ấm cơ thể liên tục bằng cách đội mũ và đi tất trong nhà. Ảnh:Al Seib/Los Angeles Times.
 

Căng thẳng thường leo thang trong giai đoạn này. Nhiều phụ huynh trẻ tuổi cảm thấy tức giận khi người thân bắt họ phải ở cữ quá mức hay đưa ra những lời khuyên nuôi dạy con đã lỗi thời.

Đó là lý do ngày càng nhiều bà mẹ trẻ chọn kiêng cữ sau sinh tại các khách sạn phụ sản - nơi họ có thể tận hưởng dịch vụ hậu sản, trị liệu spa và xa gia đình vài tuần.

Những khách sạn phụ sản đầu tiên xuất hiện từ những năm 2000, ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh. Họ nhắm mục tiêu vào nhóm khách hàng thuộc giới siêu giàu với mức chi phí 15.000 NDT/người/ngày (1.200 USD).

Hiện mô hình này đang được lan rộng trên toàn quốc và đa dạng mức giá, phù hợp túi tiền của nhiều người hơn.

leftcenterrightdel
 Từ mô hình chỉ dành cho giới siêu giàu, hiện khách sạn phụ sản ngày càng đa dạng với mức giá phù hợp hơn. Ảnh:Cheng Ying/VCG.
 

Năm 2022, Luo đăng ký phòng tại một khách sạn phụ sản ở thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây). Cô trả 40.000 NDT cho 26 ngày lưu trú và cho biết khoản tiền này đáng giá từng đồng.

“Cuộc sống tại đây thật tuyệt vời đối với một người mẹ mới sinh con. Nếu ở nhà, người thân sẽ liên tục nhắc nhở tôi phải đội mũ và đi tất dài trong thời gian ở cữ. Nhưng tại khách sạn, ngoài việc cho con bú, tất cả những gì bạn phải làm là ăn đủ 6 bữa và ngủ. Bạn cũng có thể chơi điện thoại tùy thích”, cô kể lại.

Phát triển mạnh mẽ

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Intelligence Research Group, thị trường khách sạn phụ sản của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần chỉ trong 6 năm 2013-2019, từ 1,7 nghìn tỷ NDT lên 17,9 nghìn tỷ NDT. Đến năm 2030, con số được dự đoán sẽ vượt qua 30 nghìn tỷ NDT.

Những người trong ngành đặc biệt lạc quan về tiềm năng mở rộng mô hình này sang các thành phố nhỏ hơn ở Trung Quốc. Meng Qiuping, cố vấn đầu tư tại một chuỗi khách sạn phụ sản với hơn 600 chi nhánh ở Trung Quốc, nói rằng 90% khách sạn mới mà công ty cô đã mở trong vài năm qua đều nằm tại các tỉnh, thành cấp thấp hơn.

Có 2 lợi thế chính khi nhắm mục tiêu vào các thành phố nhỏ. Đầu tiên là chi phí sẽ thấp hơn. Việc mở một cơ sở chất lượng cao ở một siêu đô thị như Thượng Hải hoặc Bắc Kinh đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn, khiến việc thu lợi nhuận trở nên khó khăn.

leftcenterrightdel
 Một bà mẹ ăn trưa trong phòng tại một khách sạn phụ sản ở Thượng Hải. Ảnh:Aly Song/Reuters/Newscom.
 

Lợi ích thứ hai là quy mô thị trường. Các cặp vợ chồng ở những thành phố nhỏ có xu hướng sinh nhiều con hơn so với những thành phố hạng nhất. Ví dụ, ở Thượng Hải, chỉ có 24% trẻ sơ sinh là con thứ hai, nhưng trên khắp Trung Quốc nói chung, tỷ lệ này là hơn 55%.

“Các cặp vợ chồng thành thị thường muốn dồn mọi nguồn lực vào đứa con duy nhất. Nhưng ở các thành phố nhỏ và thị trấn, những cặp vợ chồng có thu nhập ổn định sẵn sàng sinh 2, hoặc thậm chí 3 con”, Meng cho biết.

Dù các khách sạn phụ sản chỉ mới bắt đầu lan rộng đến những đô thị nhỏ, nhà cố vấn đầu tư cho biết nhiều gia đình đã quen với khái niệm này nhờ mạng xã hội và người nổi tiếng.

Hiện đại hóa tập tục ở cữ

Đối với nhiều gia đình, các khách sạn phụ sản không đại diện cho sự phá vỡ tập tục kiêng cữ sau sinh truyền thống, mà là sự hiện đại hóa chúng. Điều này thu hút nhiều cặp vợ chồng trẻ có mong muốn nhận được chăm sóc hiện đại, chuyên khoa trong khi vẫn thực hiện tập tục kiêng cữ.

Trung tâm chăm sóc sau sinh Tượng Sơn, nằm ở huyện Tượng Sơn (tỉnh Chiết Giang), đã thực hiện phương pháp tiếp cận này. Cơ sở khai trương vào năm 2018 và trực thuộc một bệnh viện phụ sản tư nhân ở địa phương, có 80 nhân viên hỗ trợ tại chỗ, bao gồm bác sĩ nhi khoa, y tá, bảo mẫu, cố vấn tâm lý và huấn luyện viên yoga.

“Phụ nữ hiện đại đang theo đuổi phương pháp khoa học hơn để vừa chăm sóc em bé, vừa phục hồi sức khỏe hoàn toàn trong tháng đầu tiên sau khi sinh con”, Wu Jiani, giám đốc trung tâm, nói với Sixth Tone.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các khách sạn phụ sản cung cấp đa dạng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của mẹ và bé. Ảnh:Cheng Ying/VCG.
 

Trung tâm cũng rất chú trọng đến chế độ ăn của khách hàng. Theo truyền thống, các bà mẹ mới sinh nên ăn nhiều cháo thịt, đầy chất béo khi ở cữ để giúp tạo ra nguồn sữa giàu chất dinh dưỡng cho con.

Tuy nhiên, trung tâm áp dụng thực đơn 4 bước với sự tư vấn của các chuyên gia tại bệnh viện phụ sản địa phương, tin rằng cách thay đổi này sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp các bà mẹ hồi phục sức khỏe.

“Ở tuần đầu tiên, chúng tôi phục vụ các món nhẹ để giúp các bà mẹ xả sản dịch. Bắt đầu từ tuần thứ 3, chúng tôi mới sử dụng các nguyên liệu giàu chất đạm để sản phụ nhận nhiều dưỡng chất hơn”, bà Wu nói.

Giữa các bữa ăn, trung tâm cung cấp loạt các hoạt động cho mẹ và trẻ sơ sinh, chẳng hạn như các buổi giãn cơ, bơi lội và mát xa. Các lớp học này được thiết kế nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh, đồng thời giúp các bà mẹ phát triển mối quan hệ gắn bó sâu sắc hơn với con cái.

Nơi ẩn náu an toàn

Nếu là 10 năm trước, trung tâm có lẽ sẽ rất khó để thu hút khách hàng ở một huyện tỉnh lẻ như Tượng Sơn. Nhưng phong trào nữ quyền đã mang lại những thay đổi sâu sắc trong xã hội vài năm qua.

Chẳng hạn, hiện nhiều nữ diễn viên, nghệ sĩ thường chia sẻ về nỗi đau của họ sau khi sinh con. Hơn nữa, ít phụ nữ cảm thấy họ cần phải tuân theo lý tưởng “làm mẹ thì phải hy sinh tất cả vì con” vốn tồn tại lâu đời ở Trung Quốc.

leftcenterrightdel
 Khách sạn phụ sản giúp những người mẹ sau sinh tránh khỏi căng thẳng với người thân. Ảnh minh họa:Sara Naomi Lewkowicz/New York Times
 

Ma Lin (50 tuổi), y tá hộ sinh có kinh nghiệm hơn 20 năm, nói với Sixth Tone về dự định mở một khách sạn phụ sản ở quê hương Quán Vân, một huyện có 800.000 dân ở tỉnh Giang Tô. Cô coi mô hình kinh doanh này là một cách để cung cấp nơi ẩn náu rất cần thiết cho các phụ nữ mới sinh.

Ma từng chứng kiến nhiều tranh cãi giữa những bà mẹ và người thân, họ hàng trong thời gian họ ở cữ. Một lần, cô chứng kiến một người mẹ trẻ khóc hàng giờ sau khi gia đình nhà chồng nhất quyết dùng dây trói chặt chân đứa con gái sơ sinh. Họ nói rằng làm như vậy để giúp đôi chân của đứa trẻ trở nên thẳng hơn khi lớn lên.

“Cô gái không đủ sức để tranh cãi với cả gia đình. Ngay cả khi tôi đứng lên bảo vệ cô ấy, những người thân lớn tuổi vẫn muốn làm theo tập tục cũ”, bà kể lại.

Trong tương lai, khi trở thành bà nội, Ma cho biết cô sẽ chi trả để con dâu được ở cữ tại khách sạn phụ sản, bất kể chi phí là bao nhiêu.

“Tôi muốn con dâu của mình trải qua giai đoạn kiêng cữ sau sinh hạnh phúc nhất”, cô chia sẻ.

Theo zingnews