Người bán dâm đợi khách trong nhà chứa Jessore ở Bangladesh. Ảnh: Allison Joyce.
Sau 5 năm trong nhà chứa, Laboni không còn mơ ước có ngày sẽ trốn thoát. Cô bị bán cho một tú bà năm 13 tuổi và nhiều khách hàng hứa giúp cô chạy trốn, nhưng không ai giữ lời. Thời gian trôi qua, khuôn mặt họ mờ đi theo năm tháng, Labonni không thế nhớ ai đến ai đi, hay mỗi ngày có bao nhiêu người.
"Ngày làm việc" của cô thường bắt đầu từ 9h, và cứ mỗi tiếng lại có một gã đàn ông bước vào. "Thỉnh thoảng tôi thức dậy, tự hỏi sao mình còn chưa chết", Labonni nói.
Cô gái 19 tuổi nay chẳng còn thiết sống. Labonni ngụ ở Mymensingh, một ngôi làng toàn nhà chứa ở miền trung Bangladesh với 700-1.000 phụ nữ và trẻ em gái làm việc trong ngành buôn bán tình dục.
Mỗi phòng trong nhà chứa có 5 phụ nữ, có những cô bé mới 12 tuổi. Họ ngủ trên những chiếc giường ngăn bằng tấm vải rách, nghe nhạc phát ra từ chiếc loa rè, uống rượu tự nấu đựng trong chai nhựa để quên đi nỗi đau. Khách mua dâm phải trả 400 taka (4,8 USD) cho một lần "vui vẻ", nhưng phần lớn số tiền này rơi vào tay chủ chứa.
Giống đa số thiếu nữ ở Mymensingh, Labonni bị cưỡng ép vào ngành mại dâm. Cô bị gia đình gả cho một người chồng vũ phu khi mới 12 tuổi. Một năm sau, cô bỏ trốn khỏi nhà chồng, bỏ lại con gái 6 tháng tuổi.
"Lúc ấy tôi không rõ mình đang đi đâu", cô nhớ lại. "Tôi cứ nghĩ mình sẽ tìm được việc trong xưởng may".
Một đứa trẻ đợi mẹ ngoài cửa phòng tại nhà thổ ở Mymensingh. Ảnh: Allison Joyce.
Một phụ nữ nhìn thấy Labonni đứng khóc ở ga tàu Dhaka đã cho cô thức ăn và chỗ ngủ. Hai ngày sau, Labonni bị bà ta bán vào nhà chứa với giá 175 USD và bị cấm rời đi.
Qua một đêm, cô trở thành chukri, hay còn gọi là gái mại dâm ký nợ. Labonni sẽ phải làm việc ở nhà chứa cho tới khi trả hết nợ.
"Bà chủ mua tôi nói rằng tôi phải làm việc trả nợ cho bà ta", Labonni nói. "Bà ta đã hối lộ cảnh sát để công nhận tôi đủ 18 tuổi, độ tuổi hợp pháp để được phép bán dâm. Bà ta nói tôi nợ bà ta hơn 1.145 USD rồi tịch thu điện thoại, nhốt tôi trong phòng ngủ và dọa đánh nếu tôi chạy trốn".
Sau vài tháng, Labonni từ bỏ việc trốn chạy. "Chúng luôn có cách tìm được ta", cô nói.
Những cô gái như Labonni mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các chủ chứa ở Bangladesh. 6 năm qua, cô làm việc liên tục để trả món nợ vô lý, kiếm được hơn 58.000 USD cho các chủ chứa, những người tận hưởng cuộc sống xa xỉ trên nước mắt của những nạn nhân như Labonni.
Cho tới năm ngoái, mọi khoản Labonni kiếm được đều thuộc về chủ chứa. Cô chỉ được cấp 46 USD một tháng để ăn uống, mua quần áo và đồ dùng cá nhân. Số tiền mà Labonni trả cao gấp 50 lần nợ gốc.
Chủ chứa nói cô đã trả hết nợ, nhưng Labonni vẫn chưa chuyển đi. Tinh thần cô kiệt quệ sau nhiều năm bị lạm dụng. "Tôi cảm thấy mình thật vô dụng. Con gái tôi thậm chí còn không biết tôi là mẹ nó", Labonni nói. Dù đã trả hết nợ, cô vẫn phải đưa một nửa thu nhập hàng tuần, khoảng 98 USD, cho chủ chứa để trả tiền nhà và tiền điện.
Ở cách phòng ngủ của Labonni 4 tầng, Frada, 33 tuổi, cho hay số lượng các thiếu nữ bị lừa bán đã tăng lên từ khi cô tới nhà chứa năm 1999. Frada biết rõ bởi cô là người mua. Sau 12 năm làm nô lệ tình dục, cô được một khách hàng tặng cho một cô gái và Frada chuyển từ người bị bóc lột sang người bóc lột. Khi cô gái kia chạy trốn, Frada mua người thứ hai là Moni với giá 172 USD.
"Tôi trả 34 USD mua thuốc lá biếu cảnh sát để họ thu xếp mọi giấy tờ", Frada nói, nhắc tới chứng chỉ bán dâm do chính phủ cấp, quy định người bán dâm phải đủ 18 tuổi trở lên và tự nguyện hành nghề.
"Giờ cảnh sát đòi nhiều tiền hơn, ít nhất 564 USD, vì thế các cô gái phải làm việc trả nợ cho tôi. Gái càng trẻ, tiền hối lộ càng cao". Frada kiếm được 234 USD mỗi tuần từ hai cô gái, nhưng mất hai phần ba để trả tiền bảo kê.
Siddharth Kara, cố vấn cho Liên Hợp Quốc và chính phủ Mỹ về nô lệ, cho hay buôn bán nô lệ tình dục tạo ra một nửa tổng lợi nhuận trong hoạt động buôn người trên toàn cầu, dù số nạn nhân chỉ chiếm 5%.
"Lợi tức đầu tư từ buôn bán tình dục là 1.000%, cao hơn nhiều so với những nghề bóc lột khác trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ. Lợi nhuận khổng lồ này tạo ra nhờ mua đi bán lại nạn nhân, thực tế một nạn nhân có thể bị bán tới 20 lần một ngày, đem lại hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn USD tiền lãi".
Mại dâm được hợp pháp hóa ở Bangladesh năm 2000, sau cuộc biểu tình phản đối cảnh sát giam giữ 100 cô gái hành nghề mại dâm và kêu gọi quyền bình đẳng và tự do cho phụ nữ. Những cô gái bán dâm được trả tự do, tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới, nhưng không được pháp luật bảo vệ.
Kể từ đó, ngành khai thác tình dục phát triển mạnh tại đất nước mà phụ nữ thường xuyên bị áp bức theo nhiều cách. 20% số phụ nữ Bangladesh kết hôn trước năm 15 tuổi và chỉ 25% học hết cấp hai. Quyền được lựa chọn là thứ xa xỉ với phụ nữ Bangladesh.
Tuy mại dâm được hợp pháp hóa, việc buôn bán người và cưỡng ép lao động thì không. Việc thi hành luật lỏng lẻo khiến phụ nữ là con mồi dễ săn lùng của những kẻ buôn người. Ước tính có 10.000 phụ nữ và trẻ em gái làm việc trong ngành mại dâm ở Bangladesh, nhưng chưa tới 10% trong số đó tự nguyện bán dâm. Phóng sự điều tra của The Observer phát hiện hàng trăm cô gái bị người lạ, người nhà hoặc chồng bán vào các nhà chứa mà không được họ đồng ý.
Hồi tháng 4, tờ Dhaka Tribune cho biết hơn 6.000 người bị bắt vì liên quan tới hoạt động buôn người ở Bangladesh từ năm 2013, nhưng chỉ 25 người bị kết án. Năm ngoái, chỉ 8 kẻ buôn người bị kết án.
Ngoài những cô gái bán dâm tại nhà hoặc trên đường phố, hơn 5.000 phụ nữ và trẻ em gái hành nghề tại 11 khu vực nhà chứa trên toàn quốc. Một số nhà chứa có tuổi đời hàng trăm năm, có đăng ký với chính quyền địa phương và được cảnh sát theo dõi.
"Cảnh sát Bangladesh biết rõ mọi việc đang diễn ra trong nhà chứa", Azharul Islam, quản lý chương trình của tổ chức phi chính phủ Quyền lợi Jesssore, chuyên hỗ trợ trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục và quay về với gia đình. "Các chủ chứa đều liên quan tới băng nhóm, cũng như quan chức chính phủ và lực lượng thực thi pháp luật".
Các quan chức tham nhũng kiếm lời bằng cách nhận hối lộ và làm ngơ trước việc bóc lột tình dục. Hơn 20 cô gái trong 4 nhà chứa đã cho phóng viên The Observer xem giấy chứng nhận đủ tuổi hành nghề, dù một cô thừa nhận mới 13 tuổi.
Nhiều nạn nhân trong các nhà thổ đã phải tìm tới cái chết, đến mức hai nhà chứa ở miền trung là Kandapara và Daulatdia phải xây nghĩa địa riêng. "Ở đây cứ một tháng lại có một người chết", Shilpi, 57 tuổi, người từng bị bán cho nhà chứa Daulatdia năm 1977, nói. "Trước đây không nhiều như thế".
Nghĩa trang chôn người bán dâm ở Tangail, miền trung Bangladesh. Ảnh: Allison Joyce.
Shilpi thường lau chùi thi thể trước khi dẫn đám ma cô đưa người xấu số đi chôn. Bà không rõ có bao nhiêu người chôn ở đó. Đếm tới 100 là bà lại quên.
"Chúng tôi từng buộc đá vào cổ họ rồi ném xuống ao, nhưng thỉnh thoảng xác lại nổi lên, vì vậy cuối cùng chúng tôi phải xây nghĩa địa", Shilpi nói.
Tại Mymensingh không có nghĩa địa. Thi thể được đưa về vùng nông thôn lúc trời tối, chôn vội trong những ngôi mộ không tên. Những người quản lý nghĩa trang công cộng cấm chôn cất người hành nghề mại dâm tại khu vực của họ.
"Ở đây, chúng tôi bị coi là những phụ nữ xấu xa, đáng xấu hổ. Nếu một người tự sát, người ta sẽ bảo đó là cách nhanh nhất đưa cô ta xuống địa ngục", Shilpi nói.
Labonni từng cố tự tử vài lần. "Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ thử lại", cô nói, ngồi trên sàn nhà bằng bê tông. Ngày nào Labonni cũng rạch vào người mình.
Labonni không nghĩ rằng có ai đó sẽ giúp được mình. "Cả đời tôi, người ta lúc nào cũng bảo tôi hãy quan hệ tình dục để kiếm tiền cho họ. Tôi sẽ phải kiếm bao nhiêu để kiếp người này được tự do?"
Hình thức giải thoát duy nhất với Labonni lúc này là gọi video hàng ngày cho con gái đang sống cùng chị gái cô ở Dhaka. "Tôi rất đau lòng vì không thể nuôi nấng con bé trong môi trường này nhưng tôi biết con bé rất vui", Labonni nói. "Một ngày, khi con bé đủ lớn, tôi sẽ kể cho nó nghe sự thật tôi là mẹ nó".
Theo
vnexpress