|
|
Tại cửa sông San Luis ở Tumaco (Colombia), các thành viên của tổ chức Raíces del Manglar nỗ lực khôi phục rừng ngập mặn bằng cách trồng cây giống và loại bỏ rác |
Gieo mầm thay đổi
Cô Magallanes chia sẻ: "Chúng tôi đến vào buổi sáng, thực hiện một nghi lễ, xin phép rừng ngập mặn để thu thập piangua. Chúng tôi phải mất 3-4 tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào mực thủy triều dâng, để tìm các loài sò trong rừng ngập mặn. Chúng tôi mang chúng trở về nhà, làm sạch để bán hoặc để làm một món ăn truyền thống".
Magallanes là thành viên của nhóm "Phụ nữ thu hoạch sò" ở Tumaco, những người đã tìm kiếm, bán và chế biến món ăn từ piangua. Những loài nhuyễn thể hình vỏ sò sống quanh rễ cây ngập mặn này là nguồn thu nhập quan trọng của người dân địa phương.
Tuy nhiên, nạn phá rừng ngập mặn khiến loài piangua gặp nguy hiểm. Người dân địa phương ước tính, việc thu hoạch piangua đã giảm 40% trong những năm gần đây.
Hầu hết việc thu gom piangua được thực hiện bởi phụ nữ, những người đã theo dõi và học cách thu hoạch, chế biến món ăn từ những phụ nữ khác trong gia đình và cộng đồng của họ. Họ cũng hiểu tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng ngập mặn để piangua có thể phát triển.
Hai tổ chức địa phương là Raíces del Manglar và Asopezconcha đang hỗ trợ trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và bảo tồn rừng ngập mặn. Hoạt động của họ dựa vào chương trình "Phụ nữ gieo mầm thay đổi" do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) chủ trì.
Gần 100 phụ nữ đã tham gia trồng 6.000 cây giống, giúp phục hồi 3ha rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn đóng vai trò như một bộ lọc tự nhiên để lọc nước, mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng nơi đây.
Bà Magnolia Ordonez thuộc Hiệp hội Raíces del Manglar bắt đầu thu gom piangua khi mới 7 tuổi. Đến nay, ở tuổi 53, bà vẫn là một phụ nữ thu gom sò, giúp bảo tồn rừng ngập mặn. Bà thu gom pingua không chỉ để cung cấp cho gia đình mà việc bán loài nhuyễn thể này còn như một phần của truyền thống văn hóa địa phương.
Ngoài các món súp truyền thống của Colombia từ empanadas đến tamales, ceviches và sancocho, nhuyễn thể piangua được sử dụng trong nhiều công thức nấu ăn khác. Bà Ordonez nói: "Đối với tôi, rừng ngập mặn tượng trưng cho sự kết nối: Đó cũng là gia đình của chúng tôi và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn làm sạch và bảo vệ nó".
Nỗ lực bảo vệ môi trường
Bà Ordonez và những người phụ nữ khác dành khoảng 18 giờ mỗi tuần để dọn vệ sinh, trồng cây tại rừng ngập mặn cũng như thu hoạch piangua. Một số nam giới đã tham gia Hiệp hội Raíces del Manglar để chèo thuyền vận chuyển và giúp phụ nữ đưa hàng về. Việc thu hoạch sò mang lại khoản thu nhập 1 triệu peso Colombia (tương đương khoảng 256 USD) cho mỗi phụ nữ mỗi tháng.
|
|
Cô Anabel Magallanes cầm một bức tranh thể hiện các cửa sông có nhiều rừng ngập mặn |
Tumaco đã chứng kiến tình trạng bất ổn do sự hiện diện của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của phụ nữ. Không nao núng trước những thách thức, bà Ordonez đã vận động những phụ nữ khác tham gia bảo tồn và thu hoạch piangua một cách bền vững.
Bà Ordonez cho biết: "Chúng tôi đã học được khả năng phục hồi từ rừng ngập mặn. Mỗi người có thể hiểu chu kỳ thu hoạch piangua, học được cách lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính và tầm quan trọng của việc hỗ trợ những phụ nữ khác thông qua chương trình "Phụ nữ gieo mầm thay đổi". Chương trình này đã mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng, nêu bật vai trò của chúng tôi trong cộng đồng".
|
|
Một cây ngập mặn mọc ở cửa sông San Luis |
Chương trình "Phụ nữ gieo mầm thay đổi" dự kiến sẽ hỗ trợ việc cung cấp công nghệ cải tiến để giảm thời gian chế biến piangua. Cô Magallanes nói: "Trở thành một phụ nữ thu hoạch sò không đồng nghĩa với nghèo đói mà ngược lại, có đời sống ấm no hơn. Do đó, mỗi người phụ nữ là một người bảo vệ rừng ngập mặn ở bờ biển Narino".
Bà Bibiana Aído, Đại diện UN Women tại Colombia, nhấn mạnh: "Phụ nữ, với sự đa dạng của họ, đã đóng một vai trò cơ bản trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khả năng lãnh đạo, kiến thức về các vùng lãnh thổ, khả năng thích ứng và khả năng phục hồi của họ là rất cần thiết để giải quyết những thách thức môi trường ở Colombia và trên thế giới.
Thông qua vận động chính sách và các chương trình, UN Women hỗ trợ sự lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ vào hành động và ra quyết định vì một tương lai bền vững cho tất cả mọi người".
Nhu Thụy/Nguồn: UN Women