Nu Nu Aye và con gái tại trung tâm bảo vệ phụ nữ bị bạo hành của một tổ chức phi chính phủ ở thành phố Dawei, Myanmar, ngày 14/5. Ảnh: Reuters.
Ôm trên tay đứa con gái một tuổi trong một ngôi làng ở miền nam Myanmar, Nu Nu Aye cho biết trong một buổi gặp do già làng sắp xếp, người chồng tuyên bố anh ta sẽ đánh cô bất cứ khi nào "cần thiết". "Sự hành hạ của anh ta trở nên tồi tệ hơn sau đó", Aye nói. Cuối cùng, người chồng tìm cách siết cổ cô khi đang ngủ.
Cuộc Khảo sát Sức khỏe và Dân số do Mỹ tài trợ cho thấy ở Myanmar, có ít nhất 20% phụ nữ bị chồng bạo hành. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết con số này có thể thấp hơn thực tế, vì nhiều trường hợp bị bạo hành không được báo cáo. Không có một điều luật cụ thể nào chống lại bạo lực gia đình ở quốc gia này.
Những phụ nữ như Nu Nu Aye thường phải dựa vào sự can thiệp của các chức sắc địa phương để giải quyết mâu thuẫn với chồng, những người đa phần coi hành vi bạo lực của bản thân là "chuyện gia đình".
Các nhà hoạt động hy vọng dự luật Phòng chống và Bảo vệ Phụ nữ khỏi Các hành vi bạo lực được chính phủ do bà Aung San Suu Kyi dẫn dắt sẽ giúp bảo vệ phụ nữ khỏi các hành vi bạo hành, bao gồm cả bạo hành gia đình.
Tuy nhiên, dự luật được đề xuất vào năm 2013 này vẫn đang đình trệ ở giai đoạn soạn thảo, các điều khoản của dự luật vẫn còn gây tranh cãi về các vấn đề như liệu có nên cấm hiếp dâm hôn nhân, hành vi quan hệ tình dục vợ chồng nhưng không nhận được sự đồng thuận từ người còn lại.
Sự chậm trễ của dự luật khiến các nhà hoạt động ngày càng thất vọng với tiến độ cải cách chậm chạp ở Myanmar. "Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu cho luật này và vẫn đang tiếp tục chờ thêm", Nang Phyu Phyu Lin, một nhà hoạt động, cho biết.
Bộ Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar hiện từ chối trả lời các câu hỏi phỏng vấn.
Là một xã hội bảo thủ và đa phần thống trị bởi nam giới, Myanmar đã sống dưới sự cai trị của quân đội trong nửa thế kỷ cho đến khi bầu ra chính phủ dân sự hoàn toàn đầu tiên vào năm 2015. Ngoại trừ Suu Kyi, phụ nữ ở quốc gia này hầu như không có vai trò lãnh đạo. Myanmar không có phụ nữ nào khác trong nội các và chỉ 10% các nghị sĩ được bầu vào năm 2015 là nữ.
Đàn ông Myanmar vẫn hay truyền tai nhau một câu nói nửa đùa, nửa thật: "Nếu đánh vợ đến gãy xương, sẽ được vợ yêu suốt đời".
Bộ luật Hình sự Myanmar có những điều khoản rất mơ hồ và hiếm khi được sử dụng để truy tố các vụ bạo lực gia đình. Định nghĩa của bộ luật về vấn đề hiếp dâm rất hạn hẹp và không bao gồm hiếp dâm hôn nhân. "Chẳng có sự bảo vệ nào cho phụ nữ trong xã hội Myanmar", một người phụ nữ 28 tuổi giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết.
"Tôi không biết gọi ai để được giúp đỡ", người này nói thêm, cho biết mỗi khi cãi nhau với chồng về việc dùng ma túy, cô buộc phải dùng dao làm bếp để tự bảo vệ bản thân và con trai bé bỏng.
Các nhà hoạt động cho biết việc thực thi luật pháp đặc biệt yếu ở các vùng nông thôn còn bảo thủ, lạc hậu, nơi phụ nữ thường bị coi như tài sản của chồng. Naw Htoo Htoo, giám đốc tại một tổ chức bảo vệ nhân quyền có tên Karen Human Rights Defender, cho biết trong số 27 trường hợp bạo lực gia đình được báo cáo cho cảnh sát ở phía đông nam bang Karen gần đây, chỉ có một trường hợp được đưa ra tòa xét xử.
Các trường hợp khác được giải quyết bởi già làng, thường áp đặt rất ít hoặc thậm chí không có hình phạt đối với kẻ bạo hành. Htoo nói thêm các trường hợp được báo cáo chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số vụ bạo hành gia đình.
Tại Dawei, một thị trấn ven biển phía nam, Kyu Kyu Win, 31 tuổi, nhớ lại cách người chồng cáo buộc cô tán tỉnh những gã đàn ông khác rồi túm tóc cô, kéo xuống đất. "Nếu còn phải chung sống với hắn ta thêm một lần nào nữa, tôi sẽ tự sát", Win cho biết.
Ngay khi cô vừa kể câu chuyện, người anh trai lập tức ngắt lời. "Tôi không tin. Sao mọi người cứ nói mãi về nữ quyền? Thế còn quyền của đàn ông thì sao?"
Hle Hle Saw, nạn nhân của bạo hành gia đình, cùng con trai tại ngôi làng ở vùng Ayeyarwady, Myanmar, ngày 7/8. Ảnh: Reuters.
Nu Nu Hlaing, tổng thư ký Hiệp hội Phụ nữ Tavoyan, người điều hành một trong 9 ngôi nhà tình thương trong thị trấn, cho biết cảnh sát địa phương thường phớt lờ hoặc loại bỏ các khiếu nại về bạo hành gia đình. Cảnh sát tại thành phố Dawei từ chối bình luận khi được phóng viên hỏi về vấn đề này.
Trong quá trình các quan chức chính phủ và các nhà hoạt động vì nữ quyền thảo luận về dự luật Phòng chống Bạo lực đối với phụ nữ, cả nam giới và nữ giới đều tranh cãi về vấn đề liệu hiếp dâm hôn nhân có bị quy là hành vi phạm tội hay không.
"Có người nói đây là nghĩa vụ của chúng tôi sau khi kết hôn, bất luận chúng tôi có thích hay không", Pansy Tun Thein, một nhà hoạt động trong ủy ban soạn thảo dự luật cho biết. May Sabe Phyu, giám đốc Mạng lưới bình đẳng giới, một thành viên khác của ủy ban, cho biết một số đàn ông còn đặt câu hỏi có vấn đề gì khi một người chồng đánh vợ anh ta.
Ba nhà hoạt động cho biết dự thảo luật đã được văn phòng Tổng chưởng lý phê duyệt và có khả năng sẽ thông qua, nhưng thời gian tranh luận tại quốc hội chưa được ấn định. Văn phòng Tổng chưởng lý Myanmar từ chối bình luận về vấn đề này.
Họ nói thêm theo dự thảo luật hiện tại, hiếp dâm hôn nhân cuối cùng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, dự luật này cũng bao gồm sự đảm bảo về các dịch vụ cho những nạn nhân của bạo lực gia đình, như nhận được hỗ trợ pháp lý, y tế và tiếp cận nơi ở an toàn.
Trong khi đó, Nu Nu Aye và con gái vẫn đang ở nhờ trong ngôi nhà của hai người phụ nữ lớn tuổi. "Cô ấy có thể ở lại đến khi nào muốn. Chúng tôi có thiện cảm sâu sắc với cô ấy vì chúng tôi đều là phụ nữ", Po Kyi nói.
Theo
vnexpress