|
|
Dịch vụ "yonigeya" giúp mọi người biến mất không dấu tích ở Nhật Bản. Ảnh:BBC. |
Tại thị trấn nhỏ Chiba, chỉ cách Tokyo hơn 50 km, Naoki Iwabuchi làm việc trong một văn phòng không có gì nổi bật.
Mặc bộ vest đen lịch sự, anh nói bằng một giọng trầm, đều đều, trình bày một cách chi tiết cách thức mình kinh doanh dịch vụ "yonigeya" hay "chuyển người trong đêm" - về cơ bản liên quan đến việc giúp mọi người biến mất.
Vào năm 2021, khoảng 80.000 người được báo cáo mất tích ở Nhật Bản, theo Statista. Phần lớn "jouhatsu-sha" (những người bốc hơi) chọn cách biến mất vì nợ nần, muốn thoát khỏi bạo lực gia đình hoặc chỉ để bắt đầu lại cuộc đời ở một nơi khác, theo bộ phim tài liệu của South China Morning Post phát hành hôm 19/3.
Công việc kinh doanh của Iwabuchi là một trong nhiều hoạt động giúp mọi người, đặc biệt là phụ nữ bị lạm dụng và nạn nhân bị đeo bám, biến mất khỏi cộng đồng và đến một nơi an toàn.
Công việc đầy nguy hiểm
Đó là công việc đầy rủi ro và nguy hiểm. Iwabuchi luôn mang bên mình một "chiếc cặp tự vệ" màu đen kín đáo, khi mở ra sẽ thành một tấm khiên với một lớp áo giáp bên trong.
Anh cũng luôn mang theo một thiết bị giống như dùi cui, có thể thu gọn, thứ được anh giới thiệu là sử dụng để bảo vệ.
"Di chuyển ban đêm rất bất ổn. Tôi không thể chắc một ngày trôi qua mà không gặp rắc rối", Iwabuchi nói với SCMP, nói thêm rằng anh luôn suy nghĩ "điều tồi tệ nhất" sẽ xảy đến.
Anh bắt đầu công việc đặc biệt của mình cách đây 16 năm, sau khi phát hiện ra rằng ngày càng có nhiều phụ nữ phải đối mặt với bạo hành gia đình nhưng không thể chạy trốn. Iwabuchi quyết định can thiệp để giúp họ biến mất.
|
|
Nhiều người "bốc hơi" sẽ phải sống dưới thân phận khác, chịu đời sống bấp bênh. |
Khoảng 90% khách hàng của anh là phụ nữ và 10% là nam giới. Hiện nay, số người tìm cách biến mất nhiều gấp 3 lần so với trước đại dịch Covid-19, anh nói thêm.
Theo báo cáo của The Los Angeles Times vào năm 2003, dịch vụ "yonigeya" có thể có giá 2.000-20.000 USD cho một lần thực hiện, tùy thuộc vào mức độ rủi ro và phức tạp của từng trường hợp.
Trong một số trường hợp, những người muốn trốn sẽ phải giả làm nhân viên lau dọn hoặc người buôn bán chiếu tatami thoát khỏi tầm ngắm.
Theo một báo cáo năm 2020 của BBC, một khi đã "bốc hơi", những người này có thể dễ dàng đổi danh tính và ẩn náu ở Nhật Bản.
Nhà xã hội học Hiroki Nakamori nói với BBC rằng vì quyền riêng tư được đánh giá cao ở Nhật Bản, những người mất tích có thể rút tiền từ máy ATM mà không bị phát hiện.
"Cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi người mất tích liên quan tới tội phạm hay tai nạn. Khi có người mất tích, điều gia đình họ có thể làm là chi thật nhiều tiền thuê thám tử tư. Hoặc chờ đợi. Thế thôi", Hiroki Nakamori nói.
Trốn khỏi áp lực xã hội
Lý do khiến một người Nhật Bản muốn tự nguyện "bốc hơi" rất khác nhau, nhưng nhiều trường hợp liên quan đến chuẩn mực văn hóa, vai trò giới tính và kỳ vọng xã hội mà họ khó lòng làm được.
Nhiều người biến mất sau khi trượt kỳ thi công chức, mất việc làm hay phá sản. Nó liên quan đến văn hóa tại Nhật Bản, mong muốn mọi người đều làm việc nhiều giờ, thậm chí làm đến chết vì kiệt sức.
|
|
Nhiều người Nhật chọn biến mất để trốn tránh áp lực xã hội. Ảnh:Japan Insider. |
Câu chuyện "bốc hơi" của gia đình Kazuko Yamamoto (đổi tên vì mục đích riêng tư) diễn ra cách đây gần 40 năm. "Đó là buổi sáng ngày 17/1/1982, khi tôi đang học năm cuối đại học", Kazuko kể với The Perspective.
"Chúng tôi chất khá nhiều đồ đạc lên chiếc ôtô, nói với hàng xóm rằng cả nhà sẽ cùng tôi chuyển đến một căn hộ chung cư gần trường đại học, rồi rời đi", Kazuko nhớ lại, kể từ đó cả nhà cô đã không trở lại.
Takenosuke Matsuura, một sinh viên Nhật Bản đang sống ở Thụy Điển, cho biết: "Có một cảm giác xấu hổ mạnh mẽ liên quan đến việc không đạt được những kỳ vọng cao của xã hội. Một số người nhận ra họ không thể làm được, cuối cùng quyết định từ bỏ cuộc sống cũ thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ".
Lý do khiến gia đình Kazuko biến mất trùng khớp khuôn mẫu này. Vào thời điểm đó, cha dượng của cô điều hành một công ty kiến trúc thành công.
Sau đó, ông bất ngờ mắc nợ khoảng 100 triệu yen khi đứng ra bảo lãnh cho khoản vay một người họ hàng. Vỡ nợ, cả nhà phải biến mất không dấu vết.
Nhưng ở ẩn là chuyện không dễ dàng, chủ nợ đã cho người đến trường đại học ở Kazuko để tìm tung tích của cha dượng cô.
"May mắn thay, các giáo viên tốt bụng đã nói dối họ, bảo rằng tôi không biết gia đình mình đang ở đâu, bản thân tôi cũng gặp khó khăn", cô kể.
Trong khi nhiều người biến mất dưới vỏ bọc "jouhatsu" sẽ không bao giờ được tìm thấy và phải sống trong điều kiện bấp bênh, gia đình Kazuko may mắn hơn.
“Chúng tôi vẫn có thể sống bình thường sau khi biến mất”, cô nói.
Cuối cùng, khi cha dượng của cô bị chính quyền phát hiện, ông đã bị xử phạt và mất quyền bầu cử trong hai năm. Nhưng một điều tích cực là gia đình cô chỉ biến mất khỏi hàng xóm, bạn bè cùng họ hàng không thân thiết lắm. Cuối cùng cha dượng của cô đã trả được nợ.
“Đối với một số người quen trước đây, gia đình tôi đã bốc hơi. Nhưng những người chúng tôi đã gặp và kết giao sau khi lẩn trốn không biết chuyện. Đối với họ, chúng tôi chỉ là một gia đình bình thường chuyển tới làm hàng xóm".
Theo zingnews