Trong video có tiêu đề "Vlog khiến bạn muốn dọn dẹp", Kim Sang-mi giới thiệu cách vệ sinh cửa sổ bằng đũa với khăn sạch. Cô cũng hướng dẫn người xem cách khử trùng nhà cửa bằng hỗn hợp rượu soju cùng vài lát chanh. Vài phút sau, Kim bất ngờ chuyển hướng, chia sẻ về việc làm mẹ và phụ nữ. "Kể cả khi bạn là vợ hay mẹ của ai đó, đừng từ bỏ hạnh phúc của bản thân". Đoạn video thu hút hơn 4,7 triệu lượt xem.


                                                                                                                  Hình ảnh trong một video của Kim Sang-mi. Ảnh: Haegreendal/Kim Sang-mi.

Kim lấy tên trên mạng xã hội là Haegreendal. Ở tuổi 34, cùng với nhiều chị em Hàn Quốc khác, nữ họa sĩ đem tới một thể loại video mới với mục đích chia sẻ niềm vui từ việc giữ cho căn nhà sạch sẽ, gọn gàng.

Video của Kim giống như sự kết hợp giữa tư tưởng tìm hạnh phúc trong những điều nhỏ bé của người Đan Mạch với phương pháp dọn dẹp của Marie Kondo ("thánh nữ dọn nhà" của Nhật Bản), giữa chủ nghĩa tối giản với sự nhẹ nhàng, ưa yên tĩnh. Với gần hai triệu người đăng ký theo dõi, kênh của Kim là một trong những kênh nổi tiếng nhất về sản xuất loại video này.

Các kênh như Haegreendal hầu như đều theo một công thức chung với các khung hình nghệ thuật với nhạc nền êm ả, màu sắc nhẹ nhàng và những lời ghi chú đầy tình cảm bên cạnh hình ảnh chồng quần áo sạch sẽ gấp gọn, chậu cây được tưới nước hay mớ rau đã nhặt.

Video sử dụng khá ít lời thoại. Phần lớn người sản xuất nội dung kiểu này đều dùng nghệ danh và giấu mặt để bảo vệ sự riêng tư. "Tôi muốn thể hiện hành động hơn là khuôn mặt của mình", Lee Dah-yeon 30 tuổi, làm video dưới cái tên Ondo, cho biết. Cô hiện có hơn một triệu người đăng ký. "Tôi không muốn trở nên nổi tiếng. Tôi chỉ muốn chia sẻ cuộc sống bình thường, hàng ngày của mình", Lee nói thêm.


                                                                                                            Kim không bao giờ lộ mặt trong các video của mình. Ảnh: Haegreendal/Kim Sang-mi.

Những video chia sẻ niềm vui ở nhà xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19. Đến năm 2020, chúng càng trở nên thịnh hành.

Bak Hae-ri của kênh Sueddu từng viết một cuốn sách về cuộc sống của một người thích ở nhà mang tên 23, và giờ tôi sống một mình. Trong các video, Bak nay 27 tuổi hướng dẫn người xem nấu các bữa ăn cho một người và cách tận hưởng thời gian ở một mình như vẽ tranh, dọn dẹp, sắp xếp lại tủ quần áo.

Bak đặc biệt thu hút phụ nữ thuộc thế hệ sampo, tức là những người trẻ tuổi từ chối ba "nghĩa vụ" của cuộc sống trưởng thành ở xã hội Hàn Quốc bao gồm yêu đương, kết hôn và có con để độc lập, tự do về tài chính.

Sức hấp dẫn của thể loại video mới này vượt ra khỏi Hàn Quốc. Ở Atlanta (Mỹ), Ebony Okeke biết đến kênh Haegreendal sau khi kết hôn cách đây hai năm. Được truyền cảm hứng, cô gái da màu bắt đầu đăng tải những video tự làm ở nhà lên mạng.

"Tôi không tin vào việc đảo ngược vai trò giới hay chỉ dạy người khác thế này, thế kia", Okeke 23 tuổi nói. "Tôi nghĩ rằng dù lựa chọn sự nghiệp hay cuộc sống nội trợ, người phụ nữ vẫn đáng được trân trọng".

Amy Lee làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng sức khỏe ở New York tìm thấy kênh của Bak nhờ mạng xã hội đề xuất. Cô nhanh chóng bị hấp dẫn khi thấy những hoạt động đời thường như nấu ăn, dọn dẹp lại trở thành một hình thức trị liệu nghệ thuật. "Chúng giúp tôi coi trọng cuộc sống thường ngày hơn", Lee 25 tuổi bày tỏ.

Kyung Lim, nhà thiết kế tự do ở Cambridge (Anh) lại cảm thấy đồng cảm với triết lý sống "ít là nhiều" của Bak. "Tôi hâm mộ lối sống tối giản của cô ấy. Như vậy thật tự do", Lim 38 tuổi chia sẻ.

Yoon Soo-yeon, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Sonoma ở California đã dành nhiều năm nghiên cứu gia đình và bình đẳng giới ở Hàn Quốc. Bà cho biết những video về niềm vui khi ở nhà có thể củng cố vai trò giới truyền thống, khắc sâu quan điểm của đàn ông trong xã hội phụ hệ rằng phụ nữ phải lo nấu nướng, coi sóc nhà cửa.

Tuy nhiên, bà Yoon cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc có sự chênh lệch lớn về lương giữa hai giới nên dù thế nào, phụ nữ vẫn sẽ bị mặc định làm việc nội trợ vì lương thấp hơn chồng. Theo số liệu năm 2019, mỗi ngày, thời gian dành cho việc nhà của phụ nữ ở những gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm nhiều hơn trung bình 2 tiếng 13 phút so với đàn ông.

"Bình đẳng giới ở Hàn Quốc đã được cải thiện từ thập niên 1970. Phụ nữ đã có vị trí tốt hơn nhưng vẫn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế", Yoon đánh giá.

Trong khi đó, những người sáng tạo nội dung khẳng định họ chỉ đơn giản tận hưởng những điều bình thường của cuộc sống nội trợ, từ làm đồ ăn ngon đến dọn sạch một ngôi nhà.

"Tôi muốn phá vỡ quan niệm dọn dẹp và nấu nướng ở nhà chỉ dành cho những phụ nữ thụ động", Park Hyo-ju 25 tuổi từ kênh Nyangsoop cho biết. Park đăng tải các video từ ngôi nhà nhỏ ở nông thôn Hàn Quốc, nướng bánh dâu tây, vẽ tranh màu sáp và chơi với con mèo tên Taco.


                                                                                                                  Cuộc sống thôn quê trong các video của Park Hyo-ju. Ảnh: Nyangsoop.

"Tôi làm điều này vì tôi thích nấu nướng, dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa", Sue Yun 34 tuổi nói. Sue là quản lý ở hãng hàng không Korean Air, đang xin nghỉ ba năm để chăm sóc con gái. Thời gian ở nhà, cô lập nên kênh Hamimommy. Qua các video của Sue, người xem sẽ biết cách dùng bã cafe để làm sạch chảo hoặc biến áo len cũ thành túi cho trẻ con.

Chồng Sue không thường xuất hiện trong video song Sue tiết lộ anh đứng sau hậu trường, chăm sóc con gái họ khi cô bận quay phim và biên tập video.

"Tôi làm những điều này không phải do người khác áp đặt lên phụ nữ. Đây là lựa chọn của tôi", Sue nhấn mạnh.

Theo vnexpress