Nỗi đau tận cùng

Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng D.S (34 tuổi, yêu cầu viết tắt tên) vẫn nhớ cảnh những người họ hàng nữ ghìm cô xuống rồi một người lạ mặc đồ đen cầm kéo bước tới, cơ thể cô cứng đờ và nỗi đau ập đến. Năm đó, cô 11 tuổi.

Cũng như rất nhiều phụ nữ khác ở Ai Cập, D.S đã phải sống với những hậu quả về tâm lý và thể chất từ ngày hôm đó, ngày cô thực hiện hủ tục cắt âm vật - tập tục được gọi là “cắt xẻo” mà nhiều phụ nữ trên thế giới phải trải qua. 

“Tôi có cảm giác mình không hoàn thiện và tôi sẽ không bao giờ hạnh phúc vì điều này. Đó là một cảm giác khủng khiếp" - D.S nói.

Các tổ chức y tế, các nhà hoạt động vì phụ nữ trên toàn cầu cho biết, mục tiêu của họ là đến năm 2030, hủ tục này sẽ bị xóa bỏ nhằm bảo vệ các thế hệ trẻ em gái tiếp theo. Liên hiệp quốc đã chỉ định ngày 6/2 hàng năm là Ngày quốc tế không khoan nhượng đối với việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM).

Phổ biến ở các vùng của châu Phi, Trung Đông và châu Á, việc "cắt xẻo" đã được thực hiện trong các cộng đồng thuộc các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Nafissatou Diop - một quan chức của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc - cho biết: “Đó là một chuẩn mực xã hội cố hữu và thực sự bắt nguồn sâu xa từ văn hóa và đôi khi là tín ngưỡng. Vì vậy, để thay đổi và xóa bỏ hủ tục này, mọi người cần phải tin rằng điều này không đe dọa đến nền văn hóa của họ”.

Ước tính, ít nhất 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu đang sống với hậu quả của hủ tục này. Việc "cắt xẻo" gây chảy máu, nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Về lâu dài, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, các vấn đề về kinh nguyệt, đau đớn và các biến chứng khi sinh nở. Nó cũng gây trầm cảm, tự ti và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

 

Hành trình những phụ nữ trải qua FGM là suốt đời
Những phụ nữ trải qua hủ tục phải chịu đựng nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần suốt đời

Tự đi tìm nơi chữa bệnh 

Khi thế giới lên án hủ tục này thì ở nhiều nơi, một số phụ nữ trưởng thành đã ẩn danh, âm thầm tìm kiếm thông tin trên mạng để chữa bệnh cho mình. Hầu hết họ bày tỏ cảm giác đau khổ. Một số người đã tìm được phương pháp điều trị. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, rất ít phụ nữ được tiếp cận với các phương pháp điều trị vì quá khan hiếm, hoặc quá tốn kém.

Christina Pallitto - nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu về FGM tại Tổ chức Y tế thế giới - cho biết: “Có rất nhiều lỗ hổng trong việc điều trị ở nhiều quốc gia, nơi FGM được thực hiện rộng rãi. Rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không hề được đào tạo”.

D.S đã tìm đến một phòng khám tư nhân ở Ai Cập và chọn phẫu thuật “tái tạo” để loại bỏ mô sẹo mà vết cắt để lại. Sau 1 năm phẫu thuật, cô không còn cảm thấy đau nữa, nhưng hành trình của cô chưa kết thúc. “Tôi cảm thấy mình chưa hoàn toàn vượt qua chấn thương. Tôi muốn theo đuổi liệu pháp tâm lý vì những ám ảnh ngày bé, nhưng tôi không đủ khả năng chi trả nữa".

Tiến sĩ Reham Awwad - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và là người đồng sáng lập phòng khám - cho biết, những lần khám đầu tiên, bệnh nhân bao giờ cũng rất xúc động. “Các bệnh nhân thường khóc, họ không chỉ đau đớn thể xác mà còn bày tỏ sự thất vọng và tức giận, điều mà họ chịu đựng một mình, không dám nói với bất kỳ ai" - cô nói.

Tiến sĩ Jasmine Abdulcadir - bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Đại học Geneva, người điều trị cho những phụ nữ đã trải qua FGM chủ yếu đến từ Đông và Tây Phi - cho biết, sau khi được điều trị, nhiều người cảm thấy như được “tái sinh”.

D.S cho biêt cô vẫn chưa nói với gia đình về ca phẫu thuật của mình. Tuy nhiên, cô quyết tâm một ngày nào đó sẽ nói. Đặc biệt D.S muốn nói với chị gái của mình, người cũng đã bị "cắt xẻo" cùng ngày với cô. Ngoài ra, D.S cho biết sẽ đấu tranh chống lại hủ tục này. Cô đe dọa sẽ gọi cảnh sát nếu biết một số người thân đang cân nhắc việc thực hiện FGM cho con gái của họ. “Tôi không muốn bất cứ ai khác bị hành hạ như tôi. Những gì tôi trải qua đã đủ rồi” - cô nói.

Theo phụ nữ TPHCM