Vào năm 1938, khi mới chỉ 25 tuổi, bà Rapoport đã nộp luận án tiến sĩ về bệnh bạch hầu - căn bệnh truyền nhiễm gây ra số ca tử vong hàng đầu ở trẻ em ở Hoa Kỳ và Châu Âu - tại trường Đại học Hamburg.
Giáo sư hướng dẫn bà lúc đó đã đánh giá rất cao luận án này, nhưng như thế là chưa đủ. Dù nhà trường sẵn sàng trao bằng, nhưng vì mẹ là người Do Thái nên bà Rapoport đã bị Đức Quốc xã cấm tham gia buổi vấn đáp bảo vệ luận án.
Cùng năm đó, bà một mình di cư sang Mỹ mà không có một xu dính túi. Tại đất nước mới, bà đã nộp đơn vào 48 trường y khoa và được một trường chấp nhận, đó là Trường Cao đẳng Y tế Phụ nữ Pennsylvania ở Philadelphia.
“Tôi đã rất may mắn, và có lẽ là một chút kiên trì", bà Rapoport chia sẻ.
|
|
Không được tham gia bảo vệ luận án, bà Rapoport di cư sang Mỹ |
Với tư cách là bác sĩ y khoa, bà nhận được công việc đầu tiên tại một bệnh viện ở thành phố Cincinnati. Cũng tại nơi này, vào năm 1944, bà Rapoport đã gặp được chồng tương lai của mình - một bác sĩ người Áo gốc Do Thái tên Samuel Mitja Rapoport.
Sau khi kết hôn vào năm 1946, sự nghiệp của cả hai ngày càng thành công rực rỡ. Cụ ông Samuel được nhận bằng khen của Tổng thống Harry S.Truman về công trình nghiên cứu huyết học, trong khi bà Rapoport cũng nhanh chóng thăng tiến lên chức trưởng phòng khám đa khoa nhi của bệnh viện.
Tuy nhiên, vì lý do chính trị mà ông Samuel đã ở lại Zurich, Thuỵ Sĩ sau một hội nghị nhi khoa năm 1950. Bà Rapoport, lúc này đang mang thai đứa con thứ tư, cũng mang các con đến Châu Âu để đoàn tụ cùng chồng mình.
Cụ ông lúc này có kế hoạch tìm kiếm lại một vị trí ở trường đại học cũ của mình - Đại học Vienna - nhưng không thành công. Cuối cùng, cả gia đình quay về quê hương của cụ bà.
|
|
Lá thư vị giáo sư gửi cho bà cụ để giải thích về việc trường học từ chối cấp bằng |
Ở đó, ông Samuel có viện sinh hoá của riêng mình và vẫn hoạt động cho đến khi qua đời vào năm 2004, còn bà Rapoport làm việc tại Bệnh viện Charité ở Berlin. Họ tiếp tục sống một cuộc đời ổn định, những người con của họ cũng phát triển thành công trong sự nghiệp của riêng mình.
Chia sẻ về cuộc đời mình, bà Rapoport cho hay: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy cay đắng. Tôi đã vô cùng may mắn trong cuộc đời mình, mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp: Tôi được học cùng những giáo viên giỏi nhất ở Mỹ, tôi tìm được chồng mình và có các con".
Tưởng chừng như cuộc đời sẽ cứ thế tiếp diễn, bà Rapoport sẽ chẳng bao giờ có được tấm bằng tiến sĩ, nhưng may mắn thay, một đồng nghiệp của con trai bà đã kể lại chuyện này với Trưởng khoa Y của Đại học Hamburg, và cơ hội đã đến với bà lão vào năm 2015.
Ban đầu, bộ phận pháp lý của nhà trường thông báo rằng bà Rapoport chỉ có thể nhận được tấm bằng danh dự với 3 lý do: luận án gốc không thể tìm thấy, bà chưa bao giờ tham gia bảo vệ trước hội đồng, và dù sao thì bà cũng đã có bằng Y khoa ở Mỹ.
Cả Trưởng khoa Y - Tiến sĩ Koch-Gromus - và bà Rapoport đều không chấp nhận sự bất công này, thay vào đó, Trưởng khoa đã nghĩ ra một cách hợp pháp để bà có thể nhận được tấm bằng xứng đáng, đó là bà sẽ được hội đồng phỏng vấn theo hình thức trực tuyến.
|
|
Năm 2015, bà Rapoport đã nhận được tấm bằng sau 77 năm chờ đợi mòn mỏi |
Với kiến thức sâu rộng của mình, bà Rapoport đã xuất sắc hoàn thành bài phỏng vấn và trở thành người lớn tuổi nhất trên thế giới nhận được tấm bằng Tiến sĩ. Ngay cả Trưởng khoa cũng phải công nhận rằng cụ bà đã làm rất tốt, đặc biệt là ở lứa tuổi này.
Câu chuyện của bà Rapoport là câu chuyện về sự kiên trì, nó như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đứng lên bảo vệ lẽ phải và không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình. Ngoài ra, câu chuyện cũng cho thấy sức mạnh mà giáo dục trao cho con người, bất kể hoàn cảnh hay tuổi tác của họ.
Sông Thương/Nguồn: UPWorthy, The Wall Street Journal