Bác sĩ nhi Amani Ballour
Cứu người trong mưa bom
Bác sĩ Amani Ballour là một tấm gương sáng về sự đồng cảm, giàu tình tình nhân ái, biết san sẻ nỗi đau của người dân Syria trong chiến tranh, xung đột. Không muốn lập gia đình sớm ở tuổi 13 như chị gái, Amani Ballour quyết tâm theo học y. Cô tốt nghiệp Đại học Damascus, chuyên ngành y khoa năm 2012. Cô mơ ước trở thành bác sĩ nhi khoa trong tình hình bất ổn ở Syria. "Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định trở về Đông Ghouta. Tôi đã tận mắt chứng kiến những cuộc không kích khiến nhà cửa, trường học thành đống gạch vụn, nhiều dân thường thiệt mạng và những người sống sót phải đối mặt với nạn đói", Amani Ballour kể lại.
Tận mắt chứng kiến những người dân thường thiệt mạng, bị thương trong chiến tranh, cô tham gia làm tình nguyện viên giúp đỡ mọi người. Kể từ năm 2013, cô Ballour đã không ngừng hỗ trợ với số lượng nạn nhân nhiều vô kể. Ở tuổi 28, cô đã quyết định thành lập một bệnh viện ngầm dưới lòng đất ở Đông Ghouta, một khu vực ở ngoại ô Damascus với 100 y, bác sĩ. "Cuộc nội chiến đã biến Đông Ghouta thành một thị trấn ma. Đôi khi, bạn không thể nhìn thấy bất cứ ai trên đường phố. Tất cả mọi người tìm nơi trú ẩn dưới lòng đất. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định đưa bệnh viện xuống hầm hoạt động", Amani Ballour nói.
Trong suốt 5 năm từ 2013 đến 2018, Ballour và các cộng sự đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống dưới lòng đất trong vòng vây của phiến quân. Đó là không gian tối tăm, không có không khí nên được đặt tên là "The Cave" (hang động) hay "Al Alf" trong tiếng Arab. Bệnh viện dưới lòng đất trở thành "ngọn hải đăng của hy vọng và an toàn" cho nhiều thường dân bị bao vây. Ở đó, bác sĩ Ballour đã mạo hiểm sự an toàn và an ninh của chính mình để giúp đỡ người dân. Cô và đội ngũ y, bác sĩ đã hành động ngày này qua ngày khác để cứu mạng sống của rất nhiều người, bao gồm cả trẻ em phải chịu tác động của vũ khí hóa học
Bác sĩ Amani Ballour ôm một em bé bị thương
Tại "The Cave", cô Ballour chuyên tâm giúp đỡ các bệnh nhi sống sót sau các cuộc không kích. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy những đứa trẻ trong đống đổ nát và sau đó đưa đến bệnh viện của cô. Trong nhiều trường hợp, Ballour không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt cụt chân, tay bệnh nhân. "Nhiều đứa trẻ chưa đủ lớn để hiểu chuyện gì đang xảy ra nên hỏi tôi rằng, tại sao lại cắt đứt tay hoặc chân của mình. Những lúc đó, tôi bật khóc mà không biết cách trả lời thế nào", Ballour nói.
Thức ăn cho nhân viên bệnh viện cũng khan hiếm nên Ballour và các đồng nghiệp trồng rau, bao gồm xà lách, cà chua và ngô trong mảnh đất gần bệnh viện. Ballour và các bác sĩ đã mở rộng "The Cave" bằng cách đào đường hầm nối bệnh viện với Damascus, giúp việc cung cấp vật tư y tế, thực phẩm cho bệnh viện dễ dàng hơn.
Mong ngóng ngày trở lại bệnh viện
Ước mơ của cô Ballour là Syria sẽ trở thành một nơi mà tất cả trẻ em được sống tự do, an toàn. sống trong một đất nước tự do, tất cả đều là của riêng họ. Cô Ballour chia sẻ, rất nhiều trẻ em mà cô đã điều trị đã nói với cô rằng các em muốn trở thành bác sĩ khi lớn lên. Đó là động lực lớn với Ballour và các đồng nghiệp.
Năm 2018, những cuộc không kích nhằm vào Đông Ghouta diễn ra ngày càng ác liệt. Ngay cả đường hầm ngầm cũng không còn an toàn. Bên cạnh các cuộc không kích và đối mặt với nạn đói, cư dân của Đông Ghouta phải chịu đựng hai cuộc tấn công hóa học lớn khác.
Đến tháng 3/2018, khi sự an toàn của bệnh viện bị đe dọa nghiêm trọng, Ballour và các đồng nghiệp quyết định rời đi. "Tôi đã rất buồn khi từ bỏ nơi đây. Chúng tôi đã ở đó hơn 5 năm và làm rất tốt sứ mệnh của người bác sĩ. Khi nhìn bệnh nhân sơ tán khỏi bệnh viện, cảm giác như ai đó đã đánh cắp linh hồn mình", Ballour nói.
Bác sĩ Amani Ballour nhận giải thưởng Raoul Wallenberg
Ballour di tản đến miền Bắc Syria, nơi cô đã phải trải qua những tháng đầu trong tâm trạng hết sức tồi tệ. Cuối cùng, cô kết hôn và chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống cùng chồng. Thổ Nhĩ Kỳ có số lượng người tị nạn Syria lớn nhất với 3,6 triệu người. Bệnh viện "The Cave" đã đóng cửa và hiện vẫn để trống, chưa được sử dụng vào việc gì. "Sau tất cả những gì xảy ra, với lương tâm của một bác sĩ, tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ trở lại Đông Ghouta và làm việc tại The Cave một lần nữa", Ballour nói.
Mới đây, Tổ chức nhân quyền của Hội đồng châu Âu đã trao cho cô Amani Ballour Giải thưởng Raoul Wallenberg vì sự dũng cảm cứu hàng trăm người dân trong cuộc chiến ở Syria. Câu chuyện về Ballour cùng hơn 100 đồng nghiệp và bệnh viện dưới lòng đất trong vùng chiến tranh cũng được ghi lại trong bộ phim tài liệu có tên là "The Cave" (Hang động) của đạo diễn Feras Fayyad. Bộ phim vinh dự được đề cử giải Oscar 2020. Bộ phim đã theo chân bác sĩ Ballour trong suốt quá trình cô điều hành một bệnh viện dưới lòng đất trong bối cảnh điều kiện bị bao vây, thiếu lương thực, nguồn tiếp tế và gần khu vực bắn phá trên không của Syria và Nga.
Cùng đạo diễn Feras Fayyad tại lễ trao giải thưởng Oscar 2020
Tháng 2/2020, đến Mỹ để dự lễ trao giải thưởng Oscar, cô Ballour đã đi nhiều nơi để nâng cao nhận thức về bạo lực đang diễn ra ở Syria và để gây quỹ cho Quỹ Al Amal của mình để ủng hộ các chương trình giáo dục và hỗ trợ cho các nữ nhân viên y tế hoạt động ở các khu vực xung đột. Ngoài ra, cô Ballour hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ vượt qua khó khăn của nạn tảo hôn, chiến tranh, xung đột để thực hiện những hoài bão của mình.
Nguyên Bách – CTV (Nguồn: Pri, ABCNews)