“Nhà cải cách trong văn xuôi đương đại”
Han Kang là tác giả người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học và là người phụ nữ thứ 18 trong số 117 giải Nobel được trao kể từ năm 1901. Giải thưởng có giá trị tiền mặt là 11 triệu kronor Thụy Điển (1 triệu USD).
Giải Nobel này không chỉ là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà mà còn là niềm tự hào lớn đối với nền văn học Hàn Quốc. Phong cách viết thể nghiệm, giàu chất thơ của bà đã đóng góp lớn cho văn xuôi đương đại.
Anders Olsson - Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn học - cho biết Han Kang là nhà văn Hàn Quốc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học. Ông đánh giá cao sự đồng cảm của Han đối với cuộc sống mong manh của các nhân vật, thường là phụ nữ, trong tác phẩm của bà. Ông cho biết tác phẩm của Han "phản ánh những sang chấn lịch sử và trong mỗi tác phẩm đều phơi bày sự mong manh của đời người. Bà có nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa người sống với người chết và theo phong cách thơ ca, bà đã trở thành một nhà cải cách trong văn xuôi đương đại".
|
|
Nhà văn Han Kang là tác giả người Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học |
Anna-Karin Palm - Thành viên Ủy ban Nobel Văn học - nhận xét: "Văn phong mạnh mẽ, trữ tình của Han gần như đóng vai trò là sự an ủi trước bạo lực lịch sử. Bản thân văn xuôi rất dịu dàng, chính xác của bà ấy gần như trở thành một lực lượng đối trọng với sự ồn ào tàn bạo của quyền lực".
Nhà văn Han Kang sinh năm 1970 tại thành phố Gwangju của Hàn Quốc, sau đó chuyển đến Seoul cùng gia đình khi mới 9 tuổi. Han Kang tiết lộ rằng mẹ bà từng có ý định phá thai khi mang bầu bà nhưng cuối cùng đã thay đổi quyết định khi cảm nhận được sự sống từ bên trong bụng mẹ. Han chia sẻ rằng chính điều này khiến bà nhận thức sâu sắc về sự ngắn ngủi và mong manh của cuộc sống. "Khi mẹ mang thai tôi, bà yếu ớt và phải uống nhiều thuốc. Ở khoảnh khắc mẹ cảm nhận cử động của tôi, bà quyết định từ bỏ việc phá thai. Tôi nghĩ đời người thật ngắn ngủi và tôi đến với trần gian nhờ sự may mắn", Han kể.
Bà xuất thân từ gia đình có nền tảng văn học, cha bà là tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung Won. Han yêu thích sách từ nhỏ và cho biết cảm thấy an toàn khi có sách bảo vệ. Nữ nhà văn từng chia sẻ với báo The Guardian rằng: "Khi tôi còn bé, cha tôi luôn chất đầy sách ở mọi ngóc ngách trong nhà. Với tôi, sách là thực thể nửa sống và không ngừng mở rộng ranh giới. Dù phải chuyển chỗ khắp nơi, tôi cảm thấy an toàn khi có sách bên cạnh. Trước khi có bạn, tôi luôn dành cả buổi chiều đọc các tác phẩm văn học".
Ngoài ra, bà được truyền cảm hứng bởi sách của các tác giả Hàn Quốc như Kang So Cheon hay Ma Hae Song. Ngoài ra, bà yêu thích văn học Nga, tìm tòi các tác phẩm của nhà văn Fyodor Dostoyevsky. Các nhân vật của bà thường là phụ nữ, chịu nhiều tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.
Bên cạnh việc viết lách, bà còn cống hiến hết mình cho nghệ thuật và âm nhạc, điều này được phản ánh trong toàn bộ tác phẩm văn học của bà. Han Kang bắt đầu sự nghiệp văn chương khi bà xuất bản 5 bài thơ trên tạp chí Văn học & Xã hội vào năm 1993, lúc bà mới 23 tuổi. Chỉ 1 năm sau, bà đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Văn học Mùa Xuân Seoul Shinmun với truyện ngắn "The Scarlet Anchor". Tiểu thuyết đầu tay của bà, "A Love of Yeosu", ra mắt năm 1995 và đã tạo được tiếng vang lớn trong giới phê bình nhờ bố cục chặt chẽ và nội dung sâu sắc.
Tên tuổi của nữ nhà văn được chú ý khi nhận nhiều giải thưởng danh giá như: giải Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc (1999), giải Nghệ sĩ trẻ Ngày nay (2000), giải Văn học Yisang (2005), giải Văn học Dongri (2010).
|
|
Han Kang (phải) đoạt giải Booker Quốc tế năm 2016 |
Giấc mơ chinh phục ngôn ngữ
Trong sự nghiệp văn chương, Han Kang luôn nuôi ước mơ hiểu rõ bản chất của ngôn từ. "Tôi đã nuôi dưỡng những cảm xúc khó tả với ngôn ngữ, một công cụ văn chương khó kiểm soát và có khả năng mang lại cảm giác đau đớn cho con người", bà tâm sự.
Bà mắc chứng đau nửa đầu từ tuổi thiếu niên và gây khó khăn trong lúc sáng tác. Tuy vậy, Han biết ơn khi cho rằng những cơn đau nhắc bản thân nhớ mình là con người và cần phải sống khiêm tốn. Bà nói: "Nếu tôi khỏe mạnh hoàn toàn, có lẽ tôi đã không trở thành nhà văn". Từ những trải nghiệm trong cuộc sống, bà mang chất liệu đó vào các trang sách.
Các tác phẩm của bà bao gồm: The Vegetarian, The White Book, Human Acts và Greek Lessons. Các tiểu thuyết, truyện vừa, tập truyện ngắn… của nữ nhà văn đã khai thác nhiều chủ đề về chế độ gia trưởng, bạo lực, đau buồn và nhân sinh. Tác phẩm văn xuôi đáng chú ý nhất của bà là tiểu thuyết "Người ăn chay" (The Vegetarian), được viết từ năm 2007. Tác phẩm này viết về nhân vật Yeong Hye, người quyết định từ chối ăn thịt và dần đi vào con đường tuyệt thực. Sau khi liên tục gặp những cơn ác mộng kinh hoàng về sự tàn ác của con người, Yeong Hye đã chống lại các chuẩn mực xã hội, từ bỏ ăn thịt và khiến gia đình lo lắng rằng cô bị bệnh tâm thần.
|
|
Han Kang và tác phẩm "The Vegetarian" |
"The Vegetarian" nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm văn học Hàn Quốc được chú ý nhất trên thế giới, đặc biệt sau khi giành giải Booker Quốc tế vào năm 2016. Đây là cuốn sách đầu tiên của bà được dịch sang tiếng Anh.
"Greek Lessons" - cuốn sách mới nhất của nhà văn - kể về nhân vật nữ chính mất đi giọng nói nhưng tìm thấy niềm an ủi khi tham gia lớp học của một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp cổ, người cũng mất đi thị lực. Mâu thuẫn trong Greek Lesson vẫn hiện hữu nhưng theo cách tĩnh lặng. Han nói: "Đôi khi, nỗi đau khiến con người tách mình ra khỏi thế giới đang sống. Lúc ấy, ta muốn tìm đến một góc tối và chìm vào sự im lặng. Ngôn ngữ trở nên vô dụng vào khoảnh khắc đó".
|
|
Han Kang duy trì lối sống kín đáo và khiêm tốn |
Dù đã đạt nhiều thành công lớn, song Han Kang vẫn duy trì lối sống kín đáo và khiêm tốn. Sau khi nhận giải Booker, bà nhanh chóng trở lại với cuộc sống thường ngày và hiện giữ vai trò giáo sư chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul. Đối với Han Kang, giải Nobel Văn học không chỉ là niềm tự hào của bà mà còn là nguồn cảm hứng lớn cho những nhà văn trẻ, những người luôn tìm kiếm và theo đuổi sự đổi mới trong văn học.
NGỰ BÌNH (Theo NYT, Guardian, korea.net)