Bà Sharon Peacock là người đầu tiên trong gia đình bà được học đại học. Rời trường phổ thông năm 16 tuổi để đi làm tại một cửa hàng, 1 năm sau đó, bà bắt đầu học ngành y tá nha khoa, rồi học tiếp y tá trước khi quyết định theo đuổi sự nghiệp y học. Vừa làm việc bán thời gian, bà vừa theo học một trường cao đẳng kỹ thuật và học thêm các lớp buổi tối để nhận đủ các chứng chỉ cần thiết và trở thành sinh viên trường y ở độ tuổi lớn hơn nhiều so với các bạn cùng khóa.
Với nỗ lực không ngừng, bà Sharon Peacock đã phấn đấu trở thành một nhà vi sinh vật học, Giáo sư nổi tiếng về Y tế Công cộng và Vi sinh tại Khoa Y tại Đại học Cambridge. Tháng 3/2020, bà Peacock đã chủ trì việc thành lập Hiệp hội nghiên cứu hệ gene học của Anh để ứng phó dịch COVID-19 có tên COVID-19 Genomics UK Consortium (COG-UK).
Với việc thành lập COG-UK, bà Peacock và các đồng nghiệp trên cả nước đã nỗ lực giải trình tự các hệ gene virus SARS-CoV-2 nhanh nhất để sơ đồ hóa tình hình lây lan cũng như sự tiến hóa của chủng virus này qua sự xuất hiện các biến thể.
Khi nói về COG-UK, bà Peacock tới giờ vẫn còn rất ngạc nhiên khi nhớ lại bà và các đồng nghiệp đã có thể xúc tiến chương trình đó thần tốc như vậy. Nhất là vào thời điểm nhiều người vẫn còn ngờ vực không biết liệu virus SARS-CoV-2 có biến đổi nhiều hay không.
Đóng góp của COG-UK đã đưa Vương quốc Anh trở thành quốc gia có năng lực phân tích trình tự gene của virus SARS-CoV-2 hàng đầu thế giới. Khoảng 1/3 trong số tất cả các giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 được gửi cho cơ sở dữ liệu GISAID quốc tế là do Anh cung cấp. GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 được các nhà khoa học trên toàn cầu cập nhật liên tục. Đây là nguồn dữ liệu mở để giới khoa học các nước cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2.
Lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, hiện biến thể Delta đã lây lan tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và là biến thể đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Bà Sharon Peacock nói: "Nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này chính là biến thể Delta. Biến thể Alpha từng càn quét thế giới và bây giờ Delta còn trội hơn thế. Đó là vấn đề đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp vì biến thể này rất dễ lây truyền bởi có thể tránh một phần phản ứng miễn dịch".
Theo bà Peacock, biến thể Alpha được phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với chủng gốc nhưng biến thể Delta còn có khả năng lây nhiễm cao hơn với số lượng virus cao hơn nhiều. Tại Anh, hơn 58% bệnh nhân nhập viện do biến thể Delta là những người chưa được tiêm chủng. Tại Mỹ, biến thể Delta chiếm khoảng 83% các ca mắc mới. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn hiệu quả với các biến thể, giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng, phải nhập viện hoặc tử vong.
Bà Peacock cho biết cần một sự phối hợp quốc tế trong trò chơi "mèo đuổi chuột" với COVID-19. "Khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 không kéo dài mãi mãi. Chúng ta đã phải điều chỉnh vaccine để đối phó với những tiến hóa của virus nhằm giảm khả năng lây lan và tăng cường phản ứng miễn dịch của cộng đồng. Những mũi tiêm tăng cường – giống như những gì xảy ra với cúm mùa – sẽ là cần thiết trong tương lai để đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Tôi hy vọng với những bài học trong đại dịch hiện tại, chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn để phát hiện và ngăn chặn thảm họa sau này", bà Peacock giải thích.
Từ khi thành lập đến nay, với sự giúp đỡ của đội ngũ cố vấn khoa học chính phủ Anh, COG-UK đã giải trình tự 346.713 bộ gen của virus, đóng góp cho tổng số 709.000 bộ gen trong nỗ lực toàn cầu.
Nhu Thụy (Theo Reuters, Guardian)