Một buổi sáng của tháng trước, Zahra Joya, nữ nhà báo sống tại Kabul (Afghanistan), đi bộ từ nhà tới văn phòng như mọi ngày.

Nhưng chiều hôm đó, cô nhìn thấy nhiều người đàn ông cầm súng rảo bước trên đường, các chị em gái của cô phải đóng cửa kín mít, trốn trong nhà vì sợ hãi. Cuộc sống thường nhật của họ đã thay đổi mãi mãi.

phu nu afghanistan anh 1

Zahra Joya và gia đình phải bỏ lại cuộc sống bình thường sau lưng, lên chuyến bay giải cứu của chính phủ Anh để chạy trốn khỏi sự săn lùng từ Taliban. Ảnh:Linda Nylind.

"Nó giống như một cơn ác mộng. Không ai nghĩ rằng Taliban có thể nắm quyền kiểm soát thủ đô nhanh như thế, xóa sạch nỗ lực xây dựng suốt 2 thập kỷ qua", cô nói với Guardian.

Nhằm tránh sự truy lùng từ Taliban, Joya và gia đình phải rời quê hương, lên chuyến bay giải cứu của chính phủ Anh. Dù đang ở nơi an toàn, cô vẫn chưa hết bàng hoàng.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người tị nạn", cô nói.

Giả trai để được đi học

Từ nhỏ, Joya luôn biết mình sẽ thách thức và phá vỡ định kiến giới đối với phụ nữ nước này.

"Khi tôi ra đời, những người lớn tuổi trong gia đình cảm thấy xấu hổ vì tôi là con gái, không có bất kỳ giá trị nào. Song, tôi chưa bao giờ cảm thấy như vậy, luôn tin rằng tôi có thể trở nên đặc biệt", cô chia sẻ.

 
 
 

 

leftcenterrightdel
 Zahra Joya từng ăn mặc như con trai suốt 5 năm để được đi học. Ảnh: Guardian.

Trước đây, nơi cô sống không có trường học dành

cho nữ sinh. Vì thế, Joya phải ăn mặc như một cậu bé suốt 5 năm để được đi học. Cô phải đi bộ 2 giờ đồng hồ để tới lớp học hàng ngày.

Dù chịu nhiều vất vả, nữ nhà báo vẫn cảm thấy may mắn khi được bố mẹ ủng hộ. Họ mặc đồ nam cho Joya, gọi cô bằng cái tên Mohammad.

Khi trưởng thành, cô bắt đầu theo đuổi nghiệp báo chí, làm việc tại các hãng thông tấn tại địa phương và làm phóng viên điều tra cho các tờ báo ở Kabul trong gần một thập kỷ.

Cuộc sống với một phóng viên nữ ở Afghanistan chẳng hề dễ dàng, do Afghanistan vốn được coi như một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới với phụ nữ.

"Tôi thường là cô gái duy nhất ở tòa soạn. Khi tranh luận với đồng nghiệp và người khác, họ đều khuyên tôi nên về nhà và tự thấy xấu hổ vì nêu quan điểm, đặt câu hỏi. Nhưng tôi là một nhà báo, tôi có quyền ở đây".

Tháng 12/2020, Joya thành lập tờ Rukhshana bằng tiền túi, đồng thời đảm nhậm chức Phó giám đốc Truyền thông của chính quyền thành phố Kabul.

Chia sẻ với Guardian, cô cho biết mình luôn ấp ủ dự định thành lập hãng thông tấn nữ quyền đầu tiên ở Afghanistan, nơi các nhà báo, phóng viên nữ đưa tin về cuộc sống của cộng đồng mình.

"Tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ có tiếng nói, ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống", cô trải lòng.

"Tôi thực sự tin họ sẽ giết mình"

Giống như nhiều phụ nữ nước này, cô cũng cảm thấy lo sợ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.

Tuần trước, Taliban tuyên bố chỉ nam sinh mới được đi học khi các trường mở cửa trở lại. Ở Kabul, chính quyền cũng thông báo phụ nữ không được phép làm việc trong những lĩnh vực mà nam giới chiếm số đông.

"Những thành tựu, cống hiến mà phụ nữ chúng tôi phải đấu tranh vất vả để đạt được đã biến mất", cô kể.

 
 phu nu afghanistan anh 3
Hàng loạt biển quảng cáo có hình ảnh phụ nữ bị bôi đen ở Kabul. Ảnh:AFP
 

Vài tuần trước, hãng thông tấn Rukhshana vẫn miệt mài đưa tin, công khai chỉ trích các chiến binh Taliban và ghi lại những mất mát mà phụ nữ phải chịu: bị tấn công ở nơi công cộng, các nhà lãnh đạo, chuyên gia là nữ bị săn đuổi, ám sát.

Đa số phóng viên tại Rukhshana đều là những cô gái trẻ ở độ tuổi 22-23. Tất cả đều can đảm đối mặt với hiểm nguy, đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm vì công việc.

Nhưng dần dần, Joya và các phóng viên lại trở thành mục tiêu của Taliban, trong đó ba người phải đi trốn khi các địa phương thất thủ. Với Joya, nguy cơ gặp bất trắc lại càng tăng do công việc và chức vụ cô đang đảm nhận.

"Nếu ở lại Afghanistan, tôi thực sự tin họ sẽ giết mình. Dù không phải trong nay mai, nhưng rồi cũng sẽ mất mạng".

2 tuần trước khi được sơ tán khỏi Kabul, cô chỉ dám trốn trong nhà. Sau nhiều ngày tự giam mình trong căn phòng nhỏ, cô quyết định ra ngoài, ghi nhận tình hình ngoài đường.

 
phu nu afghanistan anh 4
Joya và những người phụ nữ trong gia đình đang tị nạn ở London (Anh). Ảnh:Linda Nylind.
 

"Tôi không biết mình phải mặc gì. Trong 28 năm cuộc đời, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải mặc áo choàng đen kín từ đầu tới chân như vậy. Tôi thấy cờ Taliban treo khắp nơi, không một bóng dáng phụ nữ. Cảm giác như cuộc sống mà tôi biết đã bị xóa sổ vậy", cô kể.

Vài ngày sau, cô nghe tin Taliban đã tới tìm cô. Vì thế, Joya và người thân vội vã chạy trốn để bảo toàn mạng sống.

"Khi nhận được thông báo sơ tán của chính phủ Anh, chúng tôi khóa chặt cửa nhà và chạy đi, bỏ lại tất cả sau lưng. Trên chuyến bay ấy, tôi chẳng thể nhìn thấy Kabul thân yêu lần cuối vì chỗ ngồi không có cửa sổ. Những gì tôi nhìn được chỉ là hàng loạt gương mặt hoảng sợ, tiếc nuối của những người cùng cảnh", Joya kể với Guardian.

Dù đang ở một nơi an toàn tại London (Anh), Joya vẫn tiếp tục công việc với Rukhshana, đưa tin về tình hình tại quê nhà.

Tuần qua, cô đưa tin về các vụ sát hạt nữ cảnh sát trên cả nước, các bà mẹ đơn thân mất quyền nuôi con dưới sự cai trị của Taliban.

Các phóng viên của cô ở Afghanistan đã được sơ tán hoặc đang ở ẩn như nhiều đồng nghiệp khác.

Dù đau đớn, sợ hãi, Joya khẳng định cô sẽ không bao giờ ngừng viết để lên tiếng cho phụ nữ Afghanistan.

"Taliban có thể dùng súng và những luật lệ hà khắc để vùi dập tinh thần phụ nữ Afghanistan, nhưng không thể khiến chúng tôi im lặng. Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh", cô nói.

Theo Zing