Bà Solang (ngồi ghế) vừa đón tuổi 108 với các con và các cháu nội, ngoại. Ảnh: China News.
Bà Solang Dolma sống ở làng Re Guo, một ngôi làng lớn phía đông nam Tây Tạng (giáp với tỉnh Tứ Xuyên). Dù có gần 50 năm cuộc đời làm nô lệ, từ năm 1980, bà đã bắt đầu có đất đai, nhà cửa, gia súc... Bà cũng là người đầu tiên sắm ôtô trên vùng cao nguyên khô cằn này.
"Một nửa đời tôi đã sống trong màu xám và không tìm thấy chút hy vọng sống nào", bà Solang kể.
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, các lãnh chúa Tây Tạng nắm quyền sở hữu của cải vật chất và cả con người xứ này. Ở tuổi 15, Dolma chứng kiến cha mẹ và anh em chết vì làm việc quá sức. Trước khi lâm chung, mẹ của bà nói rằng "Con không được chết". Nghe lời mẹ, bà chỉ biết làm việc quần quật.
Cuối cùng, trong những năm cải cách ở Trung Quốc, tầng lớp bóc lột đã được xóa bỏ, bà Solang được trả tự do. Năm 1961, bà sinh con khi đã 51 tuổi, nhưng không may cô bé bị liệt từ năm 6 tuổi. Chồng của bà lâm bệnh, mắt bà càng ngày càng mờ, không thể thấy đường.
Càng khổ, bà càng lao vào làm việc. Ở tuổi 55, bà bắt đầu học thêm các kỹ thuật ghép cây ăn quả và trồng rau. Người thấp bé, chỉ cao mét rưỡi, nhưng bà có thể làm việc cả ngày không ngừng nghỉ. Trồng trọt vài hecta xong, bà lại về chăm gia súc.
Sau khi có cái ăn cho gia đình, bà Solang đi bộ hàng trăm km, đến nhiều làng lân cận để học nghề mới. Bà học được kỹ thuật dệt chăn, dệt thảm, quần áo... rồi bỏ tiền ra mua máy may. Từ đó, trong làng vang lên tiếng máy lạch cạch cả ngày.
Con gái bà Solang (trái) thoát khỏi bại liệt, cùng mẹ truyền nghề thêu. Ảnh: China News.
Giờ đây, người dân cách cả nghìn km vẫn biết đến sản phẩm truyền thống của bà Solang. Vào những ngày lễ, dân làng thường đến nhà bà làm chiếu hoặc may quần áo mới. Riêng dệt may, bà thu được khoảng 100.000 tệ (khoảng 320 triệu đồng) mỗi năm.
Bên cạnh đó, máy móc nông nghiệp chất đầy nhà bà. Năm 2017, họ đã chi 540.000 tệ để xây dựng 19 ngôi nhà mới với diện tích 520 mét vuông mỗi căn. Ở đây chứa nông sản và còn là nơi để công nhân ngủ nghỉ, sinh hoạt, làm việc...
Theo chính quyền địa phương, bà Solang còn thường xuyên quyên góp tiền cho nhiều làng mua sách, hỗ trợ trẻ em học tập. Hàng năm, đến mùa đông, bà còn tặng áo bông cho những người khốn khó.
Theo vnexpress