Nhân kỷ niệm 30 năm Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật được thông qua, cuối tháng 7, nữ phi công đã thực hiện chuyến bay xuyên quốc gia để nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật. Đồng hành cùng cô là thượng nghị sĩ Tom Harkin của bang Iowa, người bảo trợ của đạo luật. Cô đã chở ông trên chiếc máy bay màu vàng của mình, nhưng không phải bằng tay mà bằng hai chân.

"Bay là hình thức cao nhất của tự do, trao quyền, độc lập", Cox, 37 tuổi, nói.

Jessica Cox lái máy bay nhân kỷ niệm 30 năm Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật được thông qua hôm 24/7. Ảnh: Rightfooted Foundation International.

Trong hành trình tìm kiếm sự độc lập đó, cô không ngừng suy nghĩ về những khó khăn chồng chất với mình. Khi chào đời ở bang Arizona năm 1983, Cox không có tay, dù anh chị cô có hình hài trọn vẹn như bao người bình thường khác.

Cox dùng chân và ngón chân để làm mọi việc: lái xe, giành đai đen Taekwondo, lướt sóng, lặn biển, nhảy dù, gõ máy tính với tốc độ 25 từ/phút và cả học lái máy bay.

"Tôi đã trải qua cả thời thơ ấu trên những chuyến bay thương mại và rất sợ hãi khi ngồi trên những chiếc máy bay lớn. Sau đó tôi có cơ hội được bay trên một chiếc máy bay nhỏ, tất nhiên tôi cũng sợ hãi. Nhưng trong chuyến bay đầu tiên đó, tôi đã tự hứa rằng mình phải làm bất cứ điều gì để trở thành một phi công".

Cox đã vượt qua mọi thách thức theo cách của riêng mình, bao gồm tìm người hướng dẫn và xin giấy phép bay của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

"Họ nói miễn tôi có thể vượt qua tất cả các yêu cầu của một phi công thể thao và chứng minh mình có thể điều khiển máy bay an toàn, họ hoàn toàn ủng hộ", Cox kể.

Năm 2008, Cox trở thành phi công đầu tiên và duy nhất trên thế giới không có tay được FAA cấp chứng nhận lái máy bay thể thao.

"Tôi đã học trong 3 năm, lái 3 loại máy bay khác nhau, qua 3 người hướng dẫn và 80 giờ bay trên bầu trời của 3 bang. Sau đó, tôi được chứng nhận là một phi công", cô cho biết.

Jessica Cox trước chiếc máy bay riêng được tặng tại sân bay Ryan, bang Arizona, tháng 8/2019. Ảnh: Arizona Daily Star.

Sau hơn 10 năm lái máy bay, năm ngoái, Cox sở hữu chiếc máy bay riêng đầu tiên trong đời, một chiếc Ercoupe 1946 màu vàng một động cơ. Tim Treat, một phi công ở Nevada và người mến mộ Cox đã tặng món quà này cho quỹ của cô.

Kể từ khi tốt nghiệp đại học Arizona năm 2005, Cox trở thành một diễn giả toàn thời gian tập trung vào các vấn đề về người khuyết tật tại những nước nghèo. Từ năm 2013, cô là đại diện của Humanity & Inclusion, một tổ chức nhân đạo về trẻ khuyết tật, tại những quốc gia như Ethiopia, Philippines và Nepal.

Cox đã kết hôn với Patrick Chamberlain, một huấn luyện viên Taekwondo và hiện sống tại thành phố Tucson, bang Arizona. Cô cho hay mình vẫn còn nhiều việc để làm cả ở Mỹ và khắp thế giới để mang lại quyền bình đẳng và cơ hội cho những người khuyết tật.

"Chúng ta cần cho thế giới ngoài kia biết rằng người khuyết tật có thể làm những điều vĩ đại. Bất kỳ ai cũng có thể làm được những điều vĩ đại. Họ chỉ cần có sự ủng hộ đúng lúc để thành công, đó là ý nghĩa của chuyến đi này", Cox nói sau chuyến bay xuyên Mỹ tháng trước.

Theo vnexpress