Hơn 6 tháng lơ lững ngoài trái đất, Samantha đã thực hiện thành công các nghiên cứu về gen, sinh học, côn trùng, hoa quả dưới tác động của một chuyến bay vũ trụ dài ngày. Ở trạng thái không trọng lượng, nhiều lúc Samantha có cảm giác thú vị như mình là siêu nhân. Dù có đôi chút khác biệt so với ở trái đất nhưng cô  cho rằng cuộc sống trên vũ trụ không khác lạ như mọi người vẫn nghĩ. Ở nơi đó, cô có thể gọi điện thoại, trả lời email hoặc vào mạng xã hội... Từ trên không gian nhìn xuống, cô thấy quả đất như một chiếc tàu vũ trụ chở cả nhân loại. Nếu như không nghĩ các trạm không gian như một điểm đến tham quan thì thế hệ sau có thể sẽ đến đây cả phi hành đoàn để cùng nhau làm việc, quan tâm chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.

Samantha tốt nghiệp ngành Khoa học Hàng không ở Đại học Federico II (Ý) và lấy bằng Kỹ sư cơ khí Đại học Kỹ thuật Munich (Đức). Cô thông thạo nhiều thứ tiếng như Ý, Anh, Đức, Pháp và Nga. Cô cũng từng là trung úy phi công chiến đấu của Không quân Ý. Cô đã có hơn 500 giờ bay với nhiều loại máy bay quân sự trước khi tham gia Cơ quan Vũ trụ châu Âu năm 2009. Năm 2012, cô bắt đầu tham gia sứ mệnh của Cơ quan vũ trụ Ý trên trạm không gian châu Âu.

Theo cô, đa số các nhà du hành vũ trụ là nam nhưng điều đó không có nghĩa là phụ nữ không xứng đáng được công nhận hay phải từ bỏ ước mơ của mình. Chuyến  du hành vũ trụ đầu tiên này đã giúp cô thực hiện ước mơ của mình và khám phá thêm nhiều điều lý thú cho cuộc sống.

Thanh Huyền (Tổng hợp)