Nữ phi hành gia Ý sẽ chỉ huy Trạm vũ trụ quốc tế
Cập nhật lúc 22:23, Thứ hai, 31/05/2021 (GMT+7)
Trong sứ mệnh bay vào không gian năm 2022, nữ phi hành gia Ý Samantha Cristoforetti (44 tuổi) sẽ trở thành người châu Âu đầu tiên nắm quyền chỉ huy Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, nữ phi hành gia Samantha Cristoforetti sẽ lên ISS cùng với các phi hành gia thuộc Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) Kjell Lindgren và Bob Hines trên tàu vũ trụ SpaceX Crew được phóng từ trạm Florida vào năm 2022. Việc bổ nhiệm Samantha đã được sự đồng thuận của Ban điều hành phi hành đoàn đa phương (MCOP), bao gồm 5 đối tác quốc tế: ESA, NASA, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA)
Nữ phi hành gia Ý Samantha Cristoforetti
Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher, cho biết: "Trải nghiệm mới sẽ đưa Samantha trở thành nữ phi hành gia châu Âu đầu tiên nắm quyền chỉ huy ISS. Việc cô Samantha được bổ nhiệm vai trò chỉ huy Trạm vũ trụ quốc tế là nguồn cảm hứng cho cả thế hệ hiện đang nộp đơn xin gia nhập đoàn phi hành gia của ESA. Tôi nóng lòng được gặp những ứng viên cuối cùng và nhân cơ hội này một lần nữa tôi khuyến khích phụ nữ nộp đơn ứng cử".
Phát biểu sau khi được giao trọng trách chỉ huy ISS, cô Samantha nói: "Đại diện cho châu Âu để trở lại ISS là vinh dự lớn với tôi. Tôi sẽ khiêm tốn học hỏi và mong muốn chia sẻ kinh nghiêm đã trải nghiệm trong không gian để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo đội Crew-4".
Đây sẽ là sứ mệnh không gian thứ hai của nữ phi hành gia này lên ISS. Cô Samantha lần đầu tiên lên không gian trong một nhiệm vụ kéo dài 199 ngày năm 2014 - lập kỷ lục ở lâu nhất trên quỹ đạo đối với một phụ nữ.
Cô Samantha Cristoforetti trong không gian
Cristoforetti là nữ phi hành gia hiếm hoi trên thế giới. Cô là người phụ nữ Ý đầu tiên bay vào vũ trụ. Nữ phi hành gia từng thuộc lực lượng không quân Italy. Cô được nhận vào Học viện Không quân Mỹ và tốt nghiệp năm 2005. Sau đó, Cristoforetti tham gia chương trình Đào tạo Phi công Phản lực của Euro-NATO tại căn cứ Không quân Sheppard (Mỹ). Cô đã từng là nữ phi công máy bay chiến đấu. Năm 2009, cô được chọn làm phi hành gia ESA và chính thức gia nhập tổ chức này vào tháng 9.
Ngày 23/11/2014, Cristoforetti trở thành một trong 3 phi hành gia trên con tàu vũ trụ bay vào không gian từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan. Ngày 11/6/2015, cô trở về Trái Đất, trải qua 199 ngày lơ lửng trong vũ trụ. Cô là phi hành gia châu Âu sống ngoài không gian với thời gian không bị gián đoạn dài nhất, phá kỷ lục cũ 193 ngày do nam đồng nghiệp người Hà Lan André Kuipers (thuộc ESA) lập.
199 ngày sống trên Trạm ISS, nữ phi hành gia đã thực hiện thành công thí nghiệm do Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) đề ra. Đó là phân tích sinh thiết học, nghiên cứu về sinh lý cơ thể, sử dụng máy in 3D chế tạo các bộ phận thay thế cho Trạm vũ trụ Quốc tế... Cuộc du hành ngoài không gian của Cristoforetti trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cô gái khám phá khoa học.
Việc khó khăn nhất của Samantha và các nữ phi hành gia nói chung, chính là cân bằng giữa sự nghiệp với nuôi dạy con cái, chăm sóc vun vén cho gia đình nhỏ. Thế nhưng, cô vẫn không ngừng nỗ lực khẳng định bản thân. Ngoài tiếng mẹ đẻ, cô còn thông thạo 4 ngoại ngữ khác là tiếng Anh, Pháp, Đức và Nga. Năm 2016, cô học thêm tiếng Trung.
Nhu Thụy (Nguồn: Euro News, ESA)