Hàng ngàn người dân Bangladesh đã tới chia buồn tại đám tang cô gái dũng cảm Nusrat - Ảnh: BBC
Đài BBC ngày 18-4 đăng tin nữ sinh Nusrat Jahan Rafi đã bị tẩm dầu lửa lên người và thiêu sống ngay tại trường của cô ở Bangladesh. Chưa đầy hai tuần trước, Rafi đã nộp đơn tố cáo thầy hiệu trưởng có hành vi quấy rối tình dục cô.
Năm ngày sau khi bị thiêu, Nusrat qua đời. Cái chết phẫn uất, tức tưởi và cả lòng dũng cảm tố cáo của cô gái đã thực sự là "quả bom" với dư luận Bangladesh vốn lâu nay còn tỏ ra thờ ơ trước nạn quấy rối tình dục.
Nusrat chỉ mới 19 tuổi, là người ở Feni, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Dhaka khoảng 160km về phía nam. Cô theo học tại một trường Hồi giáo.
Ngày 27-3, cô cho biết thầy hiệu trưởng đã gọi cô vào phòng và liên tục sờ soạng thân thể cô. Trước khi mọi việc tồi tệ hơn, Nusrat đã bỏ chạy ra ngoài.
Nạn nhân Nusrat - Ảnh: BBC/Gia đình cung cấp
Nhiều phụ nữ tại Bangladesh thường chọn cách im lặng chịu đựng sau các sự việc như vậy, nhưng Nusrat thì không. Với sự hỗ trợ của gia đình, cô đã tới đồn cảnh sát tố cáo sự việc ngay sau khi xảy ra.
Tuy nhiên tại đồn cảnh sát, khi Nusrat trình bày sự việc, một cảnh sát tại đây đã dùng chính điện thoại của anh này để ghi lại hình ảnh Nusrat trong lúc cô kể lại nỗi tủi nhục của mình. Nạn nhân đã phải che mặt trong đoạn video đó.
Trong đoạn video được rò rỉ cho truyền thông địa phương sau đó, người ta còn nghe thấy viên cảnh sát nói đó là "chuyện không lớn" và yêu cầu cô bỏ tay che mặt ra.
Sau khi bị Nusrat tố cáo, cảnh sát đã bắt hiệu trưởng. Nhưng rồi mọi sự lại tệ hơn với cô. Một nhóm người đã tụ tập trên đường yêu cầu thả ông hiệu trưởng và buộc tội Nusrat. Khi đó gia đình cô cho biết họ lo lắng cho sự an toàn của cô.
Tuy nhiên ngày 6-4, 11 ngày sau vụ cáo buộc tấn công tình dục, Nusrat tới trường dự kỳ thi cuối cùng. Lúc đó người anh trai của cô, anh Mahmudul Hasan Noman, cho biết anh bị ngăn cản, không cho vào trường.
Người anh sau đó vô cùng đau khổ, day dứt vì cho rằng nếu anh vào được trong trường, em gái anh chắc đã không chết.
Các cuộc biểu tình ủng hộ Nusrat tại thị trấn Feni, quê nhà của cô và tại thủ đô Dhaka của Bangladesh - Ảnh: BBC
Theo nội dung tường trình của chính Nusrat về sự việc, một bạn học nữ đã đưa cô lên trên mái trường học, nói một trong mấy người bạn của cô đang bị đánh ở đó.
Khi Nusrat tới nơi, cô thấy một nhóm khoảng 4 hay 5 người bịt mặt, bao vây cô, đe dọa cô phải từ bỏ vụ kiện ông hiệu trưởng, nếu không sẽ thiêu sống cô. Khi Nusrat không chịu làm theo, họ đốt lửa thiêu sống cô.
Theo trưởng cảnh sát điều tra, ông Banaj Kumar Majumder, những kẻ sát nhân đã muốn "dàn dựng vụ việc giống như một vụ tự sát". Tuy nhiên âm mưu của chúng thất bại khi Nusrat được giải cứu sau khi nhóm hung thủ bỏ chạy khỏi hiện trường. Nusrat đã có thể trăng trối lại sự việc trước khi qua đời.
Ông Banaj Kumar Majumder cho biết: "Một trong những kẻ sát nhân đã dùng hai tay nắm đầu cô ấy chúc xuống, do đó dầu lửa đã không bị tẩm vào đầu, đó là lý do vì sao đầu cô ấy không bị bỏng".
Tuy nhiên khi Nusrat được đưa tới viện, các bác sĩ xác định cô đã bị bỏng 80% cơ thể và qua đời sau đó. Ngay trên đường đưa tới viện cấp cứu, lo sợ mình không qua khỏi, Nusrat đã ghi âm lại phần tường trình của cô về vụ việc vào điện thoại di động của người anh trai.
"Ông thầy giáo đã sờ vào người tôi, tôi sẽ chiến đấu chống lại tội này cho tới hơi thở cuối cùng", người ta có thể nghe những lời này của cô trong băng ghi âm. Nusrat cũng tố cáo một số kẻ tấn công cô là học sinh cùng trường Hồi giáo.
Tin tức về cái chết của Nusrat đã xuất hiện khắp nơi trên truyền thông Bangladesh. Ngày 11-4, khi cô gái dũng cảm qua đời, hàng ngàn người dân đã tới dự đám tang cô tại thị trấn Feni.
Kể từ sau vụ việc, cảnh sát đã bắt 15 người, 7 đối tượng trong đó bị cáo buộc có liên quan tới vụ tẩm dầu thiêu cô gái. Trong đó có 2 nam sinh đã tổ chức biểu tình ủng hộ ông hiệu trưởng bị tố cáo quấy rối Nusrat.
Ông hiệu trưởng vẫn đang bị giam. Viên cảnh sát đã dùng điện thoại ghi hình khi Nusrat tới tố cáo cũng đã bị bãi chức và thuyên chuyển tới một đơn vị khác.
Thủ tướng Bangladesh, bà Hasina, đã gặp gia đình Nusrat ở thủ đô Dhaka và cam kết sẽ trừng phạt thích đáng mọi đối tượng liên quan vụ việc.
Cái chết của Nusrat đã thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình lớn và hàng ngàn người đã sử dụng nền tảng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm giận dữ về vụ việc của cô gái cũng như cách đối xử với những nạn nhân bị tấn công tình dục ở Bangladesh.
Theo
Tuổi Trẻ