Trên mạng xã hội Twitter, các hashtag như #pro-ana hiện cho ra hàng loạt kết quả, hầu hết chủ nhân tweet là các cô gái. Họ chia sẻ quyết tâm giảm cân hoặc tìm kiếm những người bạn "ủng hộ chứng biếng ăn" (pro-ana), theo Korea Herald.
Pro-ana là kết hợp của tiền tố "pro", nghĩa là ủng hộ, tán thành và "ana" là viết tắt của chứng biếng ăn (anorexia), một chứng rối loạn ăn uống nguy hiểm, người mắc thường tự bỏ đói bản thân vì nỗi ám ảnh tăng cân.
Ngày 20/1, một cô gái chia sẻ hình ảnh selfie, ghi: "Tôi cao có 1,58 m nhưng nặng tới 44,4 kg. Tôi sẽ giảm xuống còn 41,4 kg trong vòng một tuần hoặc tự tử".
Một tweet khác được đăng vào ngày 17/1 viết: "Tôi đang tìm kiếm bạn cùng giảm cân cho kỳ nghỉ ở trường. Tôi đã xem qua vài bài đăng trên cộng đồng pro-ana và giờ quyết định mở một tài khoản Twitter".
|
Nhiều cô gái chia sẻ ảnh chụp cổ vũ chứng biếng ăn để giảm cân. Ảnh:Twitter.
|
Trên YouTube, một số thiếu niên Hàn Quốc còn chia sẻ video mình cố gắng nôn mửa những thức ăn vừa nạp vào cơ thể để giảm cân.
Nhiều nhóm chat về pro-ana cũng xuất hiện trên ứng dụng KakaoTalk. Các thành viên trong nhóm cùng nhịn ăn hoặc chia sẻ hình ảnh của những người mẫu siêu gầy để tạo động lực.
Những năm gần đây, phong trào pro-ana đã trở thành xu hướng nên các không gian mạng tại nhiều nước. Không ít cô gái tuổi teen chia sẻ ảnh chụp thân hình gầy gò của mình và tìm kiếm "bạn cùng chán ăn" - những người coi chứng rối loạn ăn uống như một lựa chọn lối sống.
Ở Hàn Quốc, xu hướng này bắt đầu phổ biến trong giới trẻ với sự phát triển mạnh của mạng xã hội.
"Qua mạng xã hội, các cô gái ngày càng tiếp xúc nhiều nội dung truyền thông hướng đến ngoại hình. Khi xem thân hình gầy gò là lý tưởng, họ cho rằng việc cổ vũ chứng rối loạn ăn uống là một trong những phương pháp để tự phát triển bản thân", Ko Jung-kyung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Rối loạn Ăn uống và Sức khỏe Tâm thần của Đại học Inje, cho biết.
Theo Zing