Nữ sinh viên Youwakim trên “cánh đồng” của cô 


Là sinh viên ngành kinh tế học, nhưng nơi Joy Youwakim thích tới nhất chính là bãi rác khép kín ở phía đông nam thành phố, cạnh một sân bay. Tại đó, ở lớp mùn đất phía trên đống rác là những loại rau củ cô tự tay chăm bón và nghiên cứu về tính khả thi của việc nhân rộng quy mô sản xuất nông nghiệp trên bề mặt các bãi rác.

Với công việc của mình, Joy Youwakim mong muốn thiết lập một mô hình kinh tế dành cho các hoạt động nông nghiệp bền vững. 

Hồi còn là sinh viên năm hai Đại học Texas, cô đã dành cả mùa hè làm việc tại Ủy ban Chất lượng môi trường Texas. Tại đó, một người chịu trách nhiệm quản lý các bãi rác cho cô xem bức ảnh chụp một bãi rác ở địa phương. Lúc đó, cô rất bất ngờ: "Trông nó giống như một quả đồi. Tại sao chúng ta không trồng gì trên đó?".

Tại Mỹ, những cộng đồng sinh sống xung quanh các bãi rác là những người rất nghèo. Vùng Del Valle - nơi có bãi rác của thành phố Austin - cũng được xếp vào diện khan hiếm lương thực, rau củ tươi. Youwakim muốn hồi sinh một bãi rác để đáp ứng phần nào nhu cầu lương thực của người dân sở tại.

Cô đã phải mất hơn một năm với cơ quan quản lý để có được những giấy tờ cần thiết, cho phép triển khai dự án nông nghiệp thí điểm trên khu vực bãi rác rộng hơn 1,3 km2 ở phía đông nam thành phố Austin.

Bãi rác rưởi đầy hóa chất độc hại được Youwakim che phủ bằng một lớp lót làm từ chất liệu hỗn hợp giữa đất và sợi thủy tinh, tạo thành màng chắn với các loại khí thải độc hại từ lớp rác thải phía dưới.

Mặt trên của lớp lót được phủ một lớp đất và cỏ. Cô đã tính toán để lớp đất và cỏ phủ đủ dày, để phần rễ của cây trồng không xuyên qua lớp lót nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện dinh dưỡng cho cây. 

Nhưng làm thế nào để cô có thể thuyết phục người dân xung quanh rằng những nông sản được trồng trên bãi rác đó là an toàn với sức khỏe họ?

Mùa hè năm ngoái, Youwakim đã có giấy phép trồng trọt và tháng 9-2017, cô bắt đầu gieo trồng với những giống cây như dưa vàng, củ cải đỏ, dưa leo và hành lá. Cách đây vài tháng, cô đã thu hoạch vụ mùa đầu tiên, sau đó đưa những nông sản này tới kiểm định chất lượng tại Cơ quan Kiểm định an toàn thực phẩm để chứng minh đó là những sản phẩm an toàn.

Có lẽ tới thời điểm này, Youwakim là người duy nhất có ý tưởng thay đổi mục đích sử dụng của một bãi rác theo cách đó. Sau khi có kết quả kiểm định an toàn thực phẩm cho những nông sản trồng trên bề mặt bãi rác, cô đã tìm thấy một cơ hội.

Youwakim là 1 trong số 5 thí sinh lọt vào chung kết chương trình học bổng Feeding Better Futures của Công ty General Mills, với mục tiêu tôn vinh những người trẻ trong độ tuổi 13-21 có những dự án, việc làm sáng tạo về nông nghiệp bền vững và phân bổ lương thực.

Trong số 5 người này, người chiến thắng sẽ được nhận 50.000 USD để tiếp tục phát triển dự án và có cơ hội chia sẻ ý tưởng tại Aspen Ideas Festival, sự kiện đẳng cấp thường niên tại Mỹ quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu để cùng bàn bạc, trao đổi về các ý tưởng làm thay đổi cuộc sống và thời đại. 

Bốn người còn lại sẽ được nhận 10.000 USD từ Công ty General Mills. Kết quả chính thức của chương trình sẽ được công bố trong tháng 6.

Riêng với Youwakim, cô đã nghĩ ra cách tốt nhất để tiếp tục nhân rộng quy mô công việc của mình. Cô muốn đến nhiều thành phố khác tại Mỹ để thuyết phục họ về khả năng trồng cây lương thực trên bãi rác. Cô tin rằng cách đó sẽ mở ra hướng giải quyết hiệu quả vấn đề an ninh lương thực cho một địa phương.

Theo Tuổi trẻ