Các nữ lãnh đạo được khen ngợi đã xử lý dịch bệnh COVID-19 thành công, từ trái qua, từ trên xuống: Đức, Đài Loan, New Zealand, Iceland, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch - Ảnh: WOMENSENEWS
Bà Swanee Hunt, cựu đại sứ Mỹ tại Áo, chia sẻ góc nhìn về vấn đề này trên trang Womensenews, cho rằng chính sự khiêm nhường "biết mình biết ta", một phẩm chất dường như là bản năng của phụ nữ, đã là yếu tố đáng kể giúp họ có thể xử lý dịch bệnh hiệu quả hơn so với những người đàn ông luôn "ăn to nói lớn" khác ở cùng cương vị.
Những phụ nữ nổi bật trong cuộc chiến với COVID-19
Tại Đài Loan, người đứng đầu chính quyền - bà Thái Anh Văn - đã sớm có chiến lược hành động nhanh chóng, quyết liệt từ rất sớm để phòng chống dịch bệnh. Ngay từ trước khi vùng lãnh thổ này chính thức ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên, Đài Loan đã thành lập Trung tâm chỉ huy chống dịch bệnh trung ương.
Không chỉ đóng cửa biên giới, khẩn trương triển khai xét nghiệm virus corona, bà Thái Anh Văn còn chủ động tăng cường kho dự trữ thiết bị y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, yêu cầu triển khai hơn 100 biện pháp phòng dịch khác.
"Trái ngọt" cho tất cả những nỗ lực đó là Đài Loan đã kiểm soát được tỉ lệ người chết vì COVID-19, tới nay tỉ lệ này chỉ là 0,03 người trên 100.000 dân. Để so sánh, tỉ lệ này của Mỹ gấp 750% mức đó.
Ấn tượng hơn, là vai trò đặc biệt nổi bật của các nhà lãnh đạo nữ ở 4 nước thuộc bán đảo Scandinavia là Iceland, Phần Lan, Đan Mạch và Na Uy.
Diễn biến kiểm soát dịch bệnh tại những nước này hoàn toàn trái ngược với những gì đã diễn ra tại Thụy Điển, cùng ở Bắc Âu nhưng lại có một "chính phủ của đàn ông". Thực tế cho thấy số người chết vì COVID-19 ở Thụy Điển nhiều gấp hơn ba lần so với tổng số người bệnh chết ở 4 nước kia cộng lại.
Phụ nữ điều hành có xu hướng hòa mình, gắn kết và chia sẻ với các cử tri trong khi phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, đã điều hành đất nước trong bối cảnh lệnh phong tỏa phòng dịch kéo dài khi chính bản thân bà phải dành thời gian để động viên, giải thích tỉ mỉ cho hai con mình hiểu đây có thể sẽ là một năm khó khăn nhất chúng phải trải qua.
Có lẽ phần nào đó nhờ cách điều hành đất nước đầy cảm thông, chia sẻ của "người trong cuộc", New Zealand đã "chiến thắng dịch bệnh", không còn ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng.
Cũng trong diễn biến dịch căng thẳng, người phụ nữ "quyền lực nhất châu Âu" - bà Angela Merkel - đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân Đức khi chủ động và thẳng thắn chia sẻ những sự thật giản dị, dễ hiểu về dịch bệnh với họ, nỗ lực bảo vệ người dân.
Mặc dù có số người nhiễm bệnh rất cao nhưng tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở Đức lại thuộc nhóm thấp, khác Ý và Tây Ban Nha, tỉ lệ tử vong do COVID-19 rất cao.
Phụ nữ làm thế giới an toàn, nhân văn hơn
Những khác biệt liên quan tới giới tính của các nhà lãnh đạo, nguyên thủ đất nước trải qua nhiều thời đại, qua từng giai đoạn thử thách khắc nghiệt đã được các học giả có uy tín chỉ ra.
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Joseph Nye thời tổng thống B.Clinton và nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới Steven Pinker là hai trong số ấy. Cả hai đều khẳng định những nơi nào trên thế giới có phụ nữ làm lãnh đạo, nơi đó sẽ an toàn và nhân văn hơn. Đồng quan điểm với họ còn có nhiều quan chức quân đội, lãnh đạo của các công ty lớn khác nữa.
Nhiều chuyên gia đã đồng thuận chỉ ra một phương diện quan trọng giúp phụ nữ có thể điều hành tốt hơn, đó là họ rất khiêm nhường, hiểu rõ những hạn chế của bản thân, do đó thường sẽ không tự tin thái quá.
Khi một người không quá tự phụ về bản thân, họ có xu hướng tự biết mình, tự hiểu mình nhiều hơn. Họ cũng sẽ cởi mở trong học hỏi và luôn sẵn sàng để ngỏ trong việc tiếp nhận những quan điểm khác biệt với bản thân.
Theo tuoitre