Bernadetta Matison (17 tuổi), từng là cô dâu trẻ con. Kết hôn ở tuổi 15, em có con cùng năm đó. “Cháu nghỉ học vì mang thai. Cháu nhận thấy kết hôn ở tuổi quá nhỏ là không tốt”, em tâm sự. Hôn nhân trẻ em và các bà mẹ nhí vẫn là nguyên nhân chính khiến trẻ bỏ học tại Malawi. Rất nhiều em gái thất học khó có cơ hội kiếm sống, vì thế sớm trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực giới. Thống kê gần đây cho thấy, chỉ có 45% em gái đi học lớp 8 tại Malawi. Năm 2012, cứ trong 2 người lại có một em gái kết hôn trước 18 tuổi. Đây là một trong những quốc gia có tỉ lệ tảo hôn lớn nhất thế giới.

Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UNWomen) tại nước này đã phối hợp với các trưởng làng, lãnh đạo bộ tộc, khu dân cư như bà Kachindamoto để chống lại các hủ tục cho phép tảo hôn. “Tôi không muốn những cuộc hôn nhân kiểu này. Các em phải trở lại trường học. Ở tuổi này, các em không thể có con, ở nhà làm nội trợ”, bà Kachindamoto nói. Các nỗ lực của UNWomen cùng với đối tác còn gồm cả vận động, đào tạo nghị sĩ, phối hợp các nhà lãnh đạo địa phương, thúc đẩy xã hội dân sự. Kết quả là Luật Hôn nhân gia đình của Malawi đã được quốc hội thông qua vào tháng 2 và thực thi tháng 4/2015. Yêu cầu tối thiểu cho tuổi kết hôn được nâng lên là 18 tuổi.

Những nỗ lực của trưởng làng Kachindamoto ban đầu vấp phải sự phản đối của nhiều người, nhất là các gia đình chuẩn bị tổ chức kết hôn đặt nặng yếu tố của hồi môn. Tuy nhiên, bà vẫn đến vận động từng nhà, trao đổi với các nhóm làm mẹ, các thành viên ủy ban phát triển làng xã…Vị trưởng làng còn cứng rắn đình chỉ chức vụ của nhiều người do chấp thuận tảo hôn. “Tôi nói chuyện với cha mẹ các em, tôi quả quyết với họ, nếu họ cho con gái tới trường, con họ sẽ có mọi thứ trong tương lai”, bà cho biết.

Khánh Ly