Nhắc tới thương hiệu Pepsi, người ta lại nghĩ ngay tới cuộc "đại chiến xuyên thế kỷ" giữa Pepsi và Coca - hai tập đoàn nắm giữ vị trí lớn nhất trong ngành đồ uống không cồn. Dù xuất hiện sau, Pepsi vẫn luôn không ngừng rượt đuổi và chiếm vị thế ngang tài ngang sức với đàn anh đi trước. Thương hiệu này gần như có mặt ở mọi vùng lãnh thổ, từ nhà hàng, siêu thị, quán xá đến các sân vận động.
Đằng sau sự thành công của Pepsi nói riêng và tập đoàn PepsiCo nói chung hiện nay không thể không nhắc đến Indra Nooyi, một nhà lãnh đạo kinh doanh và nhà tư tưởng chiến lược, người được xem là một trong những CEO hàng đầu trên thế giới vì đã lãnh đạo tập đoàn khổng lồ toàn cầu PepsiCo trong 12 năm. Bà là người phụ nữ da màu đầu tiên, đồng thời cũng là người nhập cư đầu tiên đứng đầu một công ty nằm trong danh sách Fortune 50.
Ngoài vai trò trong giới kinh doanh, Nooyi còn là một nhà từ thiện lớn. Khoản đóng góp của bà cho trường cũ là Trường Quản lý Yale đưa bà trở thành nhà tài trợ là cựu sinh viên lớn nhất của trường và là người phụ nữ đầu tiên được trao ghế Chủ tịch tại một trường kinh doanh hàng đầu.
Từ cô gái nhập cư đến người phụ nữ bản lĩnh trên thương trường
Indra Nooyi sinh ra ở Madras (nay là Chennai), Ấn Độ, vào ngày 28/10/1955. Bà lớn lên trong một gia đình 3 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ và chị gái. Cha bà việc tại ngân hàng và mẹ bà là một người nội trợ.
Là một học sinh xuất sắc ở trường trung học, Nooyi đã phát triển những sở thích được coi là khác thường đối với các cô gái vào thời điểm đó. Ngoài việc đạt được thành tích cao trong các môn Vật lý, Hóa học và Toán học, Nooyi còn đam mê bộ môn thể thao bóng gậy (cricket) và từng chơi guitar cho một ban nhạc rock nữ tại trường.
Vào năm 1976, bà đã hoàn thành chương trình học và nhận được tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Học viện Quản lý Calcutta danh tiếng của Ấn Độ.
Sau khi tốt nghiệp, Nooyi bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một chiến lược gia kinh doanh. Công việc đầu tiên của bà là tại một công ty dệt may của Anh, sau đó, bà chuyển sang vai trò giám đốc sản phẩm tại Johnson & Johnson ở Mumbai. Tại đây, Nooyi được giao nhiệm vụ tiếp thị sản phẩm băng vệ sinh đến thị trường Ấn Độ. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì Ấn Độ vốn cấm quảng cáo trực tiếp cho những sản phẩm như vậy.
Không chịu khuất phục, Nooyi đã nảy ra một ý tưởng sáng tạo, đó là thay vì giới thiệu đến tất cả mọi người, bà sẽ tiếp thị trực tiếp sản phẩm đến các nữ sinh viên đại học và cao đẳng.
Chính lần trải nghiệm này đã khiến Nooyi nhận ra rằng bà chưa có đủ khả năng để dấn thân vào giới kinh doanh, do đó bà đã quyết định theo đuổi con đường học vấn cao hơn. Bà nộp đơn vào Trường Quản lý Yale (trực thuộc Đại học Yale) sau khi tình cờ đọc được thông tin về trường trên một cuốn tạp chí và được chấp nhận.
Điều khiến bà bất ngờ nhất trên con đường theo đuổi tri thức là sự thấu hiểu và chấp nhận của cha mẹ. Ngay khi biết tin con gái được nhận vào trường, cha mẹ đã ủng hộ việc bà đi nước ngoài - một điều vốn chẳng mấy phổ biến với phụ nữ thời bấy giờ. Nooyi đến Connecticut (Mỹ) vào năm 1978 với quyết tâm thành công, bà xem danh tính một người phụ nữ nhập cư của mình là "động lực nội tại lớn nhất".
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1980, bà làm việc tại Tập đoàn Tư vấn Boston với tư cách là nhà tư vấn chiến lược trong 6 năm. Nooyi kết hôn với nhà tư vấn Raj K Nooyi vào năm 1981, hai người có với nhau 2 con gái.
Nữ tướng quyền lực của PepsiCo
Kể từ khi tốt nghiệp trường Quản lý Yale, Nooyi đã làm việc cho nhiều công ty với nhiều chức vụ khác nhau. Bà từng làm cố vấn nội bộ tại công ty viễn thông Motorola, lãnh đạo chiến lược tại công ty máy móc Thụy Sĩ ABB.
Nổi tiếng là một nhà tư tưởng chiến lược dài hạn và một người khéo léo trong giao tiếp, chỉ 14 năm sau khi tốt nghiệp, Nooyi đã đồng thời được tán thành để đảm nhiệm vị trí cấp điều hành tại hai công ty hàng đầu toàn cầu: PepsiCo và General Electric. Cuối cùng, bà đã chọn PepsiCo vì tin rằng bản thân có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn tại đây.
Năm 1994, ở tuổi 38, Nooyi bắt đầu làm việc tại Pepsi và trở nên nổi tiếng trong giới kinh doanh. Không giống như nhiều người tiền nhiệm, bà không đặt sự chú ý vào lĩnh vực bán hàng đầu tiên, thay vào đó tập trung ngay từ đầu vào việc lập kế hoạch dài hạn. Trong thời gian làm việc tại Pepsi, bà đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược toàn cầu, bao gồm cả việc mua lại và bán bớt các công ty con.
Bà là người thông qua kế hoạch bán "Yum! Brands" (bao gồm các nhà hàng KFC, Taco Bell và Pizza Hut) vào năm 1997 và cả kế hoạch mua lại một số thương hiệu như Tropicana vào năm 1998, Quaker Oats hay Gatorade vào năm 2001. Những thương vụ mua lại này đã củng cố lợi nhuận và thắt chặt sự tập trung của PepsiCo vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là chuyên về đồ uống, đồ ăn nhẹ.
Năm 2001, Nooyi được thăng chức Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính. Cũng trong giai đoạn này, bà đã thúc đẩy PepsiCo điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về ăn uống lành mạnh hơn. Ngoài ra, bà cũng định hướng PepsiCo trở thành một doanh nghiệp thân thiện hơn với môi trường bằng cách đặt ra thuật ngữ "Hiệu suất có Mục đích".
Được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2006, Nooyi đã lãnh đạo Pepsi suốt 12 năm. Trong thời gian đó, lợi nhuận ròng hàng năm của công ty đã tăng hơn gấp đôi từ 2,7 tỷ USD (khoảng 63 nghìn tỷ đồng) lên 6,5 tỷ USD (khoảng 152 nghìn tỷ đồng). Những chiến lược bà đề ra ban đầu cũng đạt được thành công vượt trội, điển hình là việc Pepsi đã cung cấp nhiều lựa chọn ít calo hơn và cắt giảm lượng khí thải carbon của công ty thông qua bao bì gọn gàng hơn và sử dụng năng lượng tái tạo.
Tiếp tục cống hiến sau khi rời Pepsi
Sau khi nghỉ việc tại Pepsi, Nooyi tiếp tục phục vụ trong hội đồng quản trị của công ty và tổ chức phi lợi nhuận. Hiểu được tầm vóc của mình, bà biết rằng bản thân là một trong những nữ lãnh đạo có thể giúp thúc đẩy quyền của phụ nữ cho thế hệ mai sau, vì vậy bà đã bắt tay vào viết cuốn sách với tiêu đề "My life in Full: Work, Family and Our Future".
Trong cuốn sách này, Nooyi tập trung vào chủ đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thừa nhận rằng đã nhiều lần bà cảm thấy mình thiếu sót khi làm mẹ. Vào Ngày lễ tình nhân năm 2022, bà đã đăng một bức thư gửi cho chồng mình với nội dung: "Sự thật là không có thứ gọi là cân bằng giữa công việc và gia đình. Đó là một hành động tung hứng liên tục. Và nhiều lần, chính những người xung quanh chúng ta - như những người bạn đời của chúng ta - là những người khiến việc tung hứng này trở nên khả thi. Đó là một lời nhắc nhở rằng gia đình không phải là phụ nữ. Gia đình là gia đình".
Theo Nooyi, cuốn sách là một công cụ để mọi người có thể hiểu được mối liên hệ giữa công việc và gia đình, đồng thời biết cách kết nối hai yếu tố này lại với nhau để đạt được thành công trong cuộc sống.
Nhưng điều này vẫn chưa đủ đối với Nooyi. Bà chia sẻ trong cuộc trò chuyện với McKinsey Global Publishing: "Tôi đền đáp ở Mỹ và cả Ấn Độ. Tôi đã xây dựng lại tất cả các phòng thí nghiệm ở tất cả các cơ sở giáo dục mà tôi từng học, từ trường trung học phổ thông đến đại học, cho đến Học viện Quản lý ở Kolkata. Tại Mỹ, tôi đền đáp cho mọi cơ sở giáo dục mà tôi, chồng tôi và các con tôi đã tham gia. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đền ơn đáp nghĩa, cả về thời gian lẫn tiền bạc".
Nếu trước đó, công việc mang lại cho Nooyi cảm giác mình là một người thành đạt về mặt vật chất, thì hoạt động từ thiện hiện tại đã giúp cuộc đời bà cảm thấy trọn vẹn.
Từ cuộc sống giản dị thời thơ ấu ở Chennai cho đến khi lọt vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Indra Nooyi là ví dụ hoàn hảo cho sự bền bỉ và kiên trì. Câu chuyện của bà là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, mang đến bài học cuộc sống rằng làm việc chăm chỉ giúp bạn leo lên nấc thang thành công.
Sông Thương/Nguồn: National Women's History Museum