Y tá Hải quân Susan Schanall phát biểu tại cuộc diễu hành vì Hòa bình tại Vịnh San Francisco ngày 12 tháng 10 năm 1968. (Nguồn: baotangchungtichchientranh.vn)

 

Hơn 50 năm trước, có một nữ y tá người Mỹ phục vụ trong quân đội, chưa bao giờ tham gia chiến tranh ở Việt Nam, nhưng đã sớm nhận ra cuộc chiến đó là sai trái và dành cả cuộc đời mình phản chiến, đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam.

Bà Susan Schall, giờ đã ở tuổi 76, hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Mỹ tại New York, chưa bao giờ quên cách đây 52 năm, chính bà đã rải truyền đơn bằng máy bay ở vùng vịnh San Francisco để phản đối cuộc chiến tranh mà nhà cầm quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Lần lại những dòng ký ức, câu chuyện qua điện thoại của bà, trong những ngày tháng 4/2020 cả New York trong trạng thái cách ly để chống dịch Covid-19, vẫn đầy ắp cảm xúc.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp trường y tá Stanford, cô gái trẻ Susan Schall hăm hở tới làm việc ở Bệnh viện Hải quân Oak Knoll tại Oakland, California, nơi chuyên chăm sóc lính Mỹ bị thương được đưa về từ chiến trường Việt Nam.

Chính tại đây, cô y tá trẻ đã chứng kiến nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần của những binh lính ấy. Cô sớm nhận ra rằng dù mình có chữa lành vết thương trên cơ thể của những người lính trở về không còn lành lặn, nhưng không thể giúp họ hàn gắn được vết thương tâm lý và nỗi ám ảnh dai dẳng về cuộc chiến.

Bà Susan Schall kể lại: “Lúc ấy tôi nghĩ mình cần phải làm một cái gì đó". Sau đó bà bắt đầu tham gia tổ chức phong trào tuần hành phản chiến.

Cũng tại thời điểm đó, Susan Schall chợt nghĩ chính quyền Mỹ lúc đó vẫn dùng máy bay B52 thả truyền đơn ở Việt Nam. Và thế là với sự giúp đỡ của một người bạn phi công, Susan Schall cùng những người bạn đã chất đầy truyền đơn nói về buổi tuần hành hòa bình ở San Francisco lên máy bay và thả xuống các căn cứ quân sự vùng Vịnh San Francisco, tàu sân bay USS Enterprise và bệnh viện hải quân Oak Knoll nơi cô làm việc.

Nhắc lại sự kiện mà sau đó đã khiến nữ y tá trẻ bị tòa án binh kết án 6 tháng tù giam và bị quân đội sa thải vào tháng 2/1969, bà mỉm cười thanh thản nói: “Lúc đó tôi biết làm vậy sẽ có hình phạt nhưng tôi thực sự nghĩ hành động như vậy sẽ thu hút được sự chú ý của những người lính Mỹ phản chiến, sẽ khiến người dân Mỹ hiểu rằng chúng tôi phản đối cuộc chiến ở Việt Nam và hãy đưa những người lính Mỹ trở về.”

Bà cũng khẳng định chính bà đã lựa chọn mặc quân phục tới cuộc họp báo diễn ra tại sự kiện tuần hành sau khi thả truyền đơn, mặc dù biết rằng quy định của hải quân là cấm quân nhân mặc quân phục khi bày tỏ quan điểm chính trị hay tôn giáo cá nhân.

Sự kiện vang dội đó đã góp thêm tiếng nói để kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cũng khiến Susan Schall bị kết án với 2 tội danh là không tuân thủ quy định quân đội và gây tổn hại tới quân đội.

Bà nhớ lại, tại phiên tòa ngày ấy, bà đã phản bác tội danh thứ hai bởi “tôi không gây tổn hại cho quân đội. Điều tôi thực sự làm là nâng cao chí khí cho quân đội, để những người lính hiểu rằng họ phải làm gì đó trong cuộc chiến này.”

Đó cũng chính là lần đầu tiên một cuộc tuần hành chống chiến tranh ở Mỹ lại do những quân nhân tại ngũ như Susan Schall tiến hành và sự kiện phản chiến đó, như sau này giới học giả và dư luận Mỹ nhìn lại và đánh giá, đã thành công ở mức không thể tin được.

Bà Susan Schall phải rời quân đội sau đó không lâu và chuyển tới sinh sống tại New York cho tới hiện nay.

Tuy là một trong những nhà hoạt động phản chiến đầu tiên của Mỹ, nhưng phải mãi tới gần 40 năm sau sự kiện thả truyền đơn, bà mới đặt chân lên mảnh đất Việt Nam lần đầu tiên và đến thăm những em bé bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xúc động mạnh trước những gì chất độc hóa học đã gây ra cho các em, bà bắt đầu hợp tác với tổ chức Vietnam Agent Orange Relief and Responsibility Campaign (Tổ chức Trách nhiệm và Cứu trợ nạn nhân da cam Việt Nam) và Hội Cựu chiến binh Mỹ đi tới nhiều nơi ở Việt Nam, phỏng vấn những người bị nhiễm chất độc da cam và hỗ trợ những nỗ lực làm sạch chất độc da cam ở Việt Nam.

Bà Susan Schall cho rằng những công ty sản xuất chất hóa học như Monsanto và Dow cần phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã gây ra.

Bà khẳng định: “Những công ty này đã kiếm hàng tỷ USD từ những chất hóa học mà con người phải hứng chịu hậu quả trong nhiều năm. Họ chính là thủ phạm và đây là một trong nhiều vấn đề lớn mà tôi vẫn đang theo đuổi.”

Trả lời câu hỏi bà cảm thấy mình đạt được gì suốt những năm qua là một nhà hoạt động vì hòa bình, bà nói: “Ai trong chúng ta cũng có thể mắc lỗi và đôi khi điều đó xảy ra khi ta còn trẻ. Tôi đã nghe rất nhiều cựu binh nói về cảm giác tội lỗi của họ vì những gì họ đã làm ở Việt Nam và tôi chỉ muốn nói rằng họ đã bị lợi dụng.”

Bà cũng nhấn mạnh: “Nhưng những gì họ làm sau này, sau khi đã nhận ra là mình đã tham gia vào một cuộc chiến như thế nào, cũng không kém phần quan trọng, và tôi hy vọng những gì tất cả các thành viên trong tổ chức Cựu Chiến binh vì Hòa bình của chúng tôi đang làm chính là truyền tải thông điệp đó tới công chúng.”

Trước khi dừng cuộc nói chuyện điện thoại để trở lại lớp học trực tuyến mà bà đang giảng dạy, bà tâm sự: “Chiến tranh, rồi tham gia phản chiến, đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi thấy mình được tiếp thêm sức mạnh bởi lòng can đảm và quyết tâm của người Việt Nam chống lại quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới. Bất kỳ khi nào đối mặt với khó khăn, đau đớn và cả sợ hãi nữa, cuối cùng tôi đều có thể vượt qua bởi hy vọng và tinh thần truyền cảm hứng mà tôi có được từ chính những người Việt Nam. Chính các bạn đã giúp tôi vượt qua rất nhiều thách thức”.

Theo vietnamplus