Cơ trưởng Tammie Jo Shults đã cứu sống hàng trăm người trên chuyến bay do bà cầm lái 

Chuyến bay 1380 của Southwest Airlines (Mỹ) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Philadelphia (Mỹ) trưa ngày 17-4 trong tình trạng như bị tấn công bằng tên lửa.

Một động cơ nổ tung khi máy bay đang ở độ cao gần 10.000m, mảnh vỡ văng vào cửa kính máy bay khiến một hành khách bị hút ra ngoài và thiệt mạng. Ít nhất 4, 5 người khác bị thương vì các mảnh vỡ khác.

Nhưng tính mạng của gần 140 con người trên chiếc Boeing 737-700 đã được cứu bởi một nữ phi công 56 tuổi: bà Tammie Jo Shults.

Lái máy bay dân sự như quân sự

 

"Mọi người bắt đầu điên loạn, la hét um xùm trong máy bay", Marty Martinez, hành khách trên chuyến bay kể lại với đài CNN.

Mặt nạ dưỡng khí từ trần bung xuống, hỗn loạn. Ai đó hét lên có một hành khách lên cơn đau tim.

Tất cả những thứ đó đủ khiến một phi công non tinh thần rối loạn và không thể đưa ra phương án xử lý. Với bà mẹ hai con Shults, đó là chuyện... bình thường. 

Các đoạn băng ghi âm cho thấy nữ phi công chính đã bình tĩnh trao đổi với không lưu mặt đất và xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp.

Danh tính về viên phi công dũng cảm thoạt đầu không được tiết lộ, nhưng khi mọi người biết đó là Tammie Jo Shults, một vài người không lấy làm bất ngờ. Với họ, đó là điều bình thường vì họ biết Tammie Jo Shults là ai.

"Quân đội đã chuẩn bị sẵn cho cô ấy tình huống như vậy", Kim Young - một người bạn của bà Shults, kể với tờ Kansas City Star.

Một bài báo năm 2006 (không còn trên mạng nhưng được chia sẻ trong một diễn đàn về phi công) đã hé lộ ước mơ bay lên bầu trời mạnh mẽ của nữ phi công Shults.

Ngày hội hướng nghiệp và tuyển phi công tại trường trung học là thất bại đầu tiên của bà Shults. Bà bị người ta từ chối chỉ vì một lý do đơn giản: bà là nữ. 

Thế là Shults quyết định thi vào trường MidAmerica Nazarene vì bà cũng rất mê thuốc thú y, nhưng tất cả đều xếp sau ước mơ phi công.

Tốt nghiệp năm 1983, cô nữ sinh Shults lại một lần nữa nộp đơn xin trở thành phi công không quân và tiếp tục bị từ chối.

Nhưng hải quân Mỹ đón chào Shults. Cái tên Shults sau đó được ghi vào lịch sử hải quân Mỹ với tư cách là một trong những nữ phi công tiêm kích F-18 đầu tiên của lực lượng.

Theo một tạp chí của hải quân Mỹ, Shults được biên chế cho đơn vị tác chiến điện tử số 34, nơi bà lái cả chiếc A-7 và F-18 trước khi chuyển sang vai trò phi công hướng dẫn.

Shults giải ngũ năm 1993 và chuyển sang Southwest Airlines nhưng tinh thần và tấm gương kiên trì của bà đã cổ vũ nhiều phụ nữ khác tiếp tục ước mơ vươn lên trời cao trong quân đội.

"Shults biết cô ấy phải nỗ lực gấp nhiều lần những người khác khi gia nhập hải quân", Cindy Foster, một người bạn cùng lớp của bà Shults kể lại. 

"Cô ấy làm điều đó vì chính cô ấy, vì những người phụ nữ khác đang đấu tranh để có cơ hội. Tôi biết vẫn còn nhiều tấm gương phụ nữ khác đang đấu tranh nhưng hôm nay tôi thật tự hào vì cô ấy đã cứu mạng của rất nhiều người khác".

"Chúa đã cử thiên thần hộ giá chúng con"

Với nhiều hành khách trên chuyến bay 1380, khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay, cảm giác đó giống như việc "chết đi sống lại".

"Cơ trưởng đã tới gặp và hỏi thăm từng người một. Bà ấy là một anh hùng thật sự của nước Mỹ. Vạn lần cảm ơn bà ấy vì sự uyên bác, dũng cảm và bình tĩnh đã cứu vớt chúng tôi trong tình huống hiểm nghèo như thế", hành khách Diana McBride Self viết trên Twitter.

Amanda Bourman, một hành khách may mắn sống sót tin rằng cơ trưởng Shults là "thiên thần hộ giá đã được Chúa cử xuống".

Sẽ mất ít nhất từ 12 đến 15 tháng để tiến hành điều tra. Việc một hành khách thiệt mạng, tai nạn hàng không chết người đầu tiên ở Mỹ kể từ năm 2009, đang đặt nhà chức trách dưới áp lực làm rõ vụ việc.

Nhưng trước khi có kết luận cuối cùng, nữ cơ trưởng Shults đã trở thành anh hùng cứu mạng trong tâm tưởng của nhiều người. Ai đó nói vui biết đâu vụ việc lần này sẽ được dựng thành phim, như cách người ta tôn vinh cơ trưởng Chesley B. Sullenberger III của chuyến bay 1549 của US Airways.

Năm 2009, một sự cố gây chấn động ngành hàng không Mỹ nhưng khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Cơ trưởng Sullenberger đã quyết định cánh xuống sông, cứu sống hàng trăm người sau khi động cơ máy bay bốc cháy vì đụng phải chim chỉ vài phút sau khi cất cánh.

Năm 2016, bảy năm sau tai nạn đó, bộ phim Sully được dựng lại đã kể chi tiết về những thời khắc trước và sau sự cố hi hữu ấy.

Theo Tuổi trẻ