Ủy ban Tư pháp Pakistan hôm thứ Năm (6/1) đã xác nhận việc bổ nhiệm nữ thẩm phán Tòa án Tối cao đầu tiên trong lịch sử quốc gia có đa số người dân theo Hồi giáo này. Ủy ban quyết định đề cử thẩm phán đã bỏ phiếu bầu chọn thẩm phán Ayesha Malik, 55 tuổi, trở thành nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao trong 75 năm kể từ khi đất nước Nam Á này giành được độc lập.
Động thái mở đường cho thẩm phán Ayesha Malik vào Tòa án Tối cao đã được nhiều luật sư và các nhà hoạt động xã hội dân sự ca ngợi là "thời khắc lịch sử" trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới ở Pakistan. Thư ký quốc hội về luật và công lý, Maleeka Bokhari gọi sự việc này là "phá vỡ những rào cản vô hình với phụ nữ".
Phán quyết cấm dùng ngón tay "kiểm tra trinh tiết" phụ nữ
Năm 2012, Ayesha Malik trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa án cấp cao của Lahore, thành phố lớn thứ hai ở Pakistan. Đầu năm 2021, Malik gây xôn xao quốc tế khi cấm dùng ngón tay "kiểm tra trinh tiết" các phụ nữ là nạn nhân của hiếp dâm, tấn công tình dục.
Tòa án cấp cao thành phố Lahore, tỉnh Punjab của Pakistan ngày 4/1/2021 đã đưa ra tuyên bố: "Hủ tục này là hành vi vi hiến, phân biệt giới tính và vô nhân đạo. Nó không có giá trị pháp lý trong các trường hợp bạo lực tình dục và phân biệt đối xử với phụ nữ". Trong phán quyết của mình, bà cũng nhấn mạnh rằng kiểm tra trinh tiết bằng ngón tay "có tính xâm lấn cao" và "không có cơ sở về khoa học hoặc y tế".
Nữ thẩm phán 55 tuổi cũng là người tích cực vận động cho quyền phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ ở Pakistan. Vào năm 2019, Malik trở thành Chủ tịch của Ủy ban bảo vệ các thẩm phán nữ ở Lahore để giải quyết vấn đề luật sư gây rối thẩm phán nữ ở các tòa án quận. Ngoài ra, với vai trò là thành viên của Hiệp hội Nữ thẩm phán Quốc tế, Malik thường xuyên nêu các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt trong đời sống công cộng ở Pakistan.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Pakistan
Việc bổ nhiệm bà Ayesha Malik nhận được ủng hộ từ chánh án Pakistan Gulzar Ahmed và hiện đã được chuyển đến hội đồng quốc hội để xác nhận. Tuy nhiên, quyết định này cũng vấp phải sự phản đối khi một nhóm luật sư đe dọa sẽ đình công nếu Malik tham gia Tòa án Tối cao. Một số luật sư và thẩm phán đã đặt câu hỏi về thâm niên và tư cách của Malik, cho rằng bà không nằm trong số ba thẩm phán cấp cao của tòa án cấp dưới - Tòa án cấp cao Lahore, nơi Malik đã phục vụ từ năm 2012 nên chưa đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Những luật sư phản đối cho biết vấn đề không phải nằm ở giới tính mà là quy trình.
Imaan Mazari-Hazir, luật sư kiêm nhà hoạt động vì quyền tại Islamabad, nói với Reuters: "Vấn đề chính không phải là những nghi ngờ về năng lực của Ayesha Malik, bà ấy là một thẩm phán giỏi. Điều dẫn đến hoài nghi là tính minh bạch trong quyết định bổ nhiệm của Ủy ban Tư pháp Pakistan và quy trình đưa ra quyết định bổ nhiệm".
Nighat Dad, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền, cho biết Malik đã chứng minh năng lực của mình trong xử án. "Việc bổ nhiệm bà Ayesha Malik là một bước đi lịch sử đối với hệ thống tư pháp của chúng tôi vì đây không chỉ là lần đầu tiên một phụ nữ giữ ghế trong tòa án tối cao kể từ khi Pakistan thành lập mà còn mở ra khả năng vô tận trong lĩnh vực pháp lý cho những phụ nữ khác". "Ở một đất nước mà tội phạm bạo lực giới là một thực tế diễn ra thường xuyên, nhiều phụ nữ trong tòa án tối cao hy vọng có thể tạo ra hiệu ứng domino để hệ thống tư pháp có tính bao trùm hơn", Dad nói và cho biết thêm luật pháp có những rào cản lớn cho phụ nữ và các cộng đồng bị thiệt thòi.
Mặc dù có một số tranh cãi quanh quyết định bổ nhiệm, bà Malik lại nhận được nhiều lời khen ngợi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Pakistan, với các chính trị gia, người nổi tiếng và các nhà hoạt động gọi đây là bước tiến cho quyền phụ nữ.
Maleeka Bokhari, nhà lập pháp của đảng cầm quyền Pakistan Tehreek-e-Insaaf đồng thời là thư ký quốc hội về luật, viết trên Twitter: "Đây là thời điểm quan trọng và mang tính quyết định ở đất nước chúng tôi, bà Malik với tư cách là một luật sư và thẩm phán tài ba đã trở thành nữ thẩm phán Tòa án Tối cao đầu tiên của Pakistan".
"Chúng tôi hoan nghênh việc bổ nhiệm thẩm phán Ayesha Malik vào Tòa án Tối cao Pakistan. Malik, người đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Luật ở Trường Luật Harvard, sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử 75 năm của Tòa án Tối cao Pakistan", đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trên Twitter. Trong khi đó Đại sứ Hà Lan tại Pakistan gọi quyết định bổ nhiệm Malik là một "khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022" còn tác giả Pakistan Bina Shah ca ngợi bà Malik là người làm nên lịch sử.
Kim Ngọc