Homa Yusafzai cảm thấy tồi tệ vì cơ thể tăng cân, bị tiểu đường và huyết áp cao. Mới 27 tuổi, cô cảm thấy mình đờ đẫn và trầm cảm.

Nghe tin về câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe đầu tiên dành cho phụ nữ ở Kandahar mới khai trương, Yusafzai nghĩ ngay đó là điều kỳ diệu mà cô chờ đợi.

Ban đầu, chồng Yusafzai không cho vợ tham gia. Kandahar vốn là thành phố tồn tại tư tưởng bảo thủ sâu sắc, nơi đàn ông vẫn kiểm soát từ điều vụn nhặt nhất trong cuộc sống của phụ nữ.

Cuối cùng, ông xã Yusafzai cũng bằng lòng. Cô hiện tập tạ và chạy bộ 6 ngày/tuần. Trong 6 tháng, Yusafzai giảm được gần 23 kg, hạ huyết áp và kiểm soát được bệnh tiểu đường.

“Tôi cảm thấy khỏe mạnh và có nhiều năng lượng hơn. Tôi rất hạnh phúc”, cô nói trong lúc nghỉ ngơi giữa các bài tập.

Maryam Durani (trái) hướng dẫn bài tập cho một thành viên tại câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ ở Kandahar.

Đấu tranh để tồn tại


Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe được mở vào cuối năm ngoái bởi Maryam Durani (36 tuổi). Nhà đấu tranh nữ quyền này đã sống sót sau hai vụ đánh bom liều chết, một vụ ám sát và vô số lời dọa giết, chưa kể đến sự lên án gay gắt của dân chúng vì đã mở câu lạc bộ.

Phòng tập gym vẫn tồn tại dưới tầng hầm không cửa sổ bên trong khu nhà khóa kín, được che chắn khỏi những con mắt tò mò. Đây là sự bổ sung mới nhất cho Hiệp hội Phụ nữ Khadija Kubra - tổ chức do Durani điều hành từ năm 2004, với sự giúp đỡ của cha cô. Nó bao gồm đài phát thanh, các lớp học tiếng Anh và đọc viết cho phụ nữ, trường học Hồi giáo và trung tâm bán quần áo do phụ nữ may.

Rất hiếm thấy phụ nữ Afghanistan tập thể dục, mặc dù một số câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, thậm chí là hai hồ bơi dành cho phụ nữ đã được mở ở thủ đô Kabul. Tuy nhiên, ở những thành trì bảo thủ như Kandahar, nhiều đàn ông không chấp nhận việc phụ nữ cố gắng kiểm soát cơ thể của họ.

“Chúng tôi phải thật thận trọng và kín đáo. Câu lạc bộ này chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của phụ nữ. Hầu hết người đến đây đều bị trầm cảm”, Durani nói.

Khoảng 40% thành viên câu lạc bộ giấu giếm việc tập luyện với gia đình. Số thành viên đã giảm từ 60 vào mùa xuân xuống còn 30 ở hiện tại. Lý do là câu lạc bộ phải đóng cửa 3 tháng vì dịch Covid-19 và một số phụ nữ sợ bị gia đình phát hiện.

Chồng Homa Yusafzai ban đầu không cho vợ tham gia, nhưng bây giờ cô có mặt ở đây 6 ngày/tuần.

“Cha và các anh trai nói sẽ giết tôi nếu tôi đến câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe”, Tamana (33 tuổi), thành viên phòng gym, yêu cầu nêu biệt danh, nói.

Để có thể tới câu lạc bộ tập thể dục 2 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, Tamana mặc áo choàng trắng truyền thống và nói với gia đình rằng mình đi học kinh Qur'an tại một trường dạy Hồi giáo. Tới phòng gym, cô thay đồ rồi tập chạy bộ, đạp xe và nâng tạ tay.

“Tôi không làm gì sai hay đáng xấu hổ. Trên thực tế, tập thể dục khiến tôi trở thành người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”, Tamana nói.

Tuy nhiên, phòng gym liên tục gặp nguy hiểm. Ngay sau khi nơi này mở cửa, hàng loạt bài đăng tục tĩu từ một bộ phận người dân phẫn nộ tràn ngập mạng xã hội. Họ gọi đây là ổ mại dâm, nơi các cô gái điếm tập thể dục để khiến bản thân trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đàn ông.

Không chỉ bị chế giễu và gièm pha, Durani được yêu cầu đóng cửa câu lạc bộ, đồng thời “tống cổ những người phụ nữ về nhà chồng”.

“Tôi sốc khi họ gọi con tôi là gái điếm, rằng không người đàn ông có phẩm giá nào cho phép làm điều đó”, Haji Mohammad Essa (82 tuổi), cha của Durani, cho biết. Ông là chủ sở hữu khu nhà, bao gồm phòng gym.

Durani cùng cha Hajji Mohammad Essa, một giáo viên nghỉ hưu 82 tuổi.

Nhiều thành viên nói rằng họ đã bị đàn ông quấy rối và gạ tình bên ngoài câu lạc bộ. Một số bị kẻ xấu ném đá và dọa giết nếu còn tiếp tục đến đây. Không ít thành viên luôn che tóc bằng khăn trùm đầu khi tập thể dục, theo Durani.

“Nếu mọi người nhìn thấy chúng tôi tập thể dục mà không được che chắn, điều này sẽ tạo ra hình ảnh xấu cho chúng tôi”, Yusafzai nói.

Câu lạc bộ thuê một huấn luyện viên để hướng dẫn các bài tập, chế độ dinh dưỡng, ăn kiêng. Yusafzai cho biết cô từ bỏ thịt, gạo và bánh mì để chuyển sang ăn rau và trái cây. Cô nói không với đường hoặc chocolate và chỉ ăn thịt, cơm 1 lần/tuần.

“Tôi thư giãn khi ở đây”


Mumtaz Faizi (32 tuổi) được chồng khuyến khích đi tập gym. Sau 2 tháng tập trên máy chạy bộ, đạp xe, kết hợp các bài tập ngồi và tập tạ tay, cô đã giảm được 5 kg. Mục tiêu của cô là giảm thêm khoảng 15 kg nữa.

Faizi cảm thấy thoải mái và tự do khi ở bên trong phòng tập thể dục. Tuy vậy, cô cho biết mình không hoàn toàn cảm thấy không căng thẳng và lo lắng.

“Trong xã hội này, đàn ông tạo ra mọi vấn đề. Đó là văn hóa của chúng tôi, không chỉ Taliban. Họ đi lâu rồi, nhưng đàn ông vẫn kiểm soát mọi thứ”, cô nói.

Một số đàn ông trong khu phố cho biết họ ủng hộ hoạt động của câu lạc bộ, miễn là phụ nữ được che chắn khỏi tầm nhìn của dân chúng. Nhiều người nhận định ở Kandahar không có nơi an toàn cho phụ nữ tập thể dục.

Abdul Wali Wafa (30 tuổi) nói: “Phụ nữ cần tập thể dục nhiều hơn nam giới vì họ ở nhà và tăng cân. Điều này gây ra bệnh tật”.

Sardar Mohammad (40 tuổi) cho biết hầu hết đàn ông lớn tuổi kịch liệt phản đối câu lạc bộ, nhưng nhóm trẻ hơn thì ngược lại. “Nếu môi trường an toàn và có thể bảo vệ phụ nữ thì không sao cả”, anh nói.

Haji Mohammad Essa cho biết ông coi phòng gym là bước nhỏ trong việc đưa Afghanistan trở lại như những năm 1960 và đầu những năm 1970, thời điểm chính phủ tiến bộ và trao quyền tự do cho phụ nữ.

Hiện tại, ông rất vui khi thấy phụ nữ tập thể dục và cải thiện sức khỏe chỉ với 250 Afghani (3,50 USD)/tháng. Người cha cũng thích trêu chọc con gái vì cô nói mình giảm cân sau khi tập thể dục thường xuyên.

Đối với Yusafzai, câu lạc bộ là nơi ẩn náu an toàn. “Tôi thư giãn khi ở đây và quên đi mọi thứ bên ngoài, ít nhất là trong một thời gian”, cô nói.

Theo  Zing