|
|
Thảm cảnh của phụ nữ, trẻ em Afghanistan |
Quyền phụ nữ bị bóp nghẹt
Trong khi đó, các thủ lĩnh Taliban, lực lượng chịu trách nhiệm về sự suy thoái của hệ thống chăm sóc sức khỏe, lại không gặp vấn đề gì khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc ở nước ngoài, mặc dù nhiều người trong số họ đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahou kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp vào cuộc khủng hoảng mà phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt. Bà nói rằng, quyền của phụ nữ ở Afghanistan đang xấu đi dưới sự cai trị của Taliban. Thông qua việc áp đặt chế độ phân biệt đối xử về giới, những người đàn ông khao khát quyền lực này đã không ngừng bóp nghẹt các cơ quan, phúc lợi và quyền của phụ nữ, trẻ em gái Afghanistan. Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên phải thực thi đầy đủ chế độ trừng phạt quốc tế hiện có và sử dụng nó làm đòn bẩy để thuyết phục lãnh đạo Taliban cải thiện điều kiện cho phụ nữ Afghanistan.
Người dân Afghanistan đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo do hành động của Taliban. Tình trạng thiếu nhân viên y tế ngày càng nghiêm trọng do lệnh cấm của Taliban đối với việc làm, giáo dục và quyền tự do đi lại của phụ nữ. Các nữ sinh viên y khoa đã bị cấm tham gia kỳ thi tốt nghiệp, ngăn cản họ tiếp cận các khóa học chuyên ngành và lấy các chứng chỉ cần thiết.
Tệ hơn nữa, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan đang đứng trên bờ vực sụp đổ khi Taliban chuyển phần lớn nguồn lực nhà nước cho các dịch vụ quốc phòng và tình báo. Việc cấm các tổ chức của Liên hợp quốc tuyển dụng phụ nữ Afghanistan và sự thiếu hụt nguồn tài trợ hỗ trợ nhân đạo đã hạn chế phạm vi tiếp cận của các tổ chức viện trợ. Đổi lại, các đường dây cứu trợ cộng đồng quan trọng như phòng khám và trung tâm dinh dưỡng ở nông thôn đã bị đóng cửa.
Tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất thế giới
Sau 40 năm xung đột gần như liên tục, Afghanistan đã phải đối mặt với nhiều con số thống kê về sức khỏe đáng báo động nhất thế giới. Quốc gia này có tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất toàn cầu với 638 ca tử vong/100.000 ca sinh sống, cũng như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 36 ca tử vong/1.000 ca sinh sống. Việc không tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế đã gây ra hậu quả thảm khốc cho những người Afghanistan dễ bị tổn thương, đặc biệt là các bà mẹ phải đối mặt với các biến chứng khi mang thai, sinh nở; trẻ em bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, Covid-19, dịch tả và sốt xuất huyết. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, ít nhất 167 trẻ em Afghanistan chết mỗi ngày vì các vấn đề sức khỏe có thể chữa trị được. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong mẹ tồi tệ nhất thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, cứ 2 giờ lại có 1 phụ nữ tử vong do các biến chứng trước và sau sinh.
Theo UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 90% số nạn nhân thiệt mạng và hơn 2/3 số người bị thương trong trận động đất tàn phá tỉnh Herat hồi tháng 10 vừa qua. Trận động đất đã ảnh hưởng đến 7.500 phụ nữ mang thai. Tác động này chắc chắn đã trở nên trầm trọng hơn do các sắc lệnh của Taliban hạn chế phụ nữ ra khỏi nhà. Điều đáng buồn là sự thiếu hụt đáng kể lao động nữ tại các trung tâm phân phối viện trợ khiến phụ nữ càng rơi vào tình thế bấp bênh hơn. Việc bị cô lập khỏi viện trợ và các nguồn lực thiết yếu đã dẫn đến nguy cơ gia tăng trường hợp bị suy dinh dưỡng và bệnh tật.
Một số tổ chức quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang đối với phụ nữ, bao gồm cả tảo hôn ở Afghanistan. Một phân tích gần đây cho thấy, hơn 2/3 phụ nữ Afghanistan không cảm thấy an toàn về mặt thể chất. Ở nước này, các chuẩn mực giới đã ăn sâu bám rễ, góp phần làm trầm trọng thêm các vụ bạo lực, đặc biệt là trong các tình huống sau thảm họa. Những hành vi bạo lực không chỉ về thể chất mà còn về tâm lý, càng làm tổn thương thêm một nhóm nhân khẩu học vốn đã căng thẳng. Các cô gái và phụ nữ ở Herat, những người vốn đã trải qua biết bao khó khăn, đang rất cần sự hỗ trợ tâm lý khẩn cấp để học cách đương đầu với sự mất mát người thân và tiến về phía trước.
Khi Afghanistan giải quyết hậu quả của trận động đất, không thể bỏ qua tình thế tiến thoái lưỡng nan của phụ nữ, bị gạt ra ngoài lề bởi sự giận dữ của thiên nhiên và sự vô nhân đạo của Taliban. Điều tối quan trọng là thiết kế và thực hiện các biện pháp can thiệp nhạy cảm giới ở Herat và các nơi khác. Các biện pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tổng thể của họ phải được đặt lên hàng đầu trong những nỗ lực này.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan (ARCS) cam kết ứng phó và cứu trợ khẩn cấp. Ngoài ARCS, Hiệp hội Hộ sinh Afghanistan (AMA) là một nhóm đáng chú ý khác. Đây là một trong số ít tổ chức được phép tuyển dụng phụ nữ tại Afghanistan. Cả hai tổ chức đều có vị trí chiến lược để đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu đến được với phụ nữ và trẻ em, bao gồm cả 7.500 phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Nhu Thụy/Nguồn: Diplomat, Jurist