|
|
Hầu hết phụ nữ kinh doanh tại các chợ thủ công mỹ nghệ là trụ cột gia đình ở Afghanistan - Ảnh: Kanika Gupta |
Vào ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2015, một nhóm phụ nữ ở tỉnh Bamiyan đã vay vốn ngân hàng để lập khu chợ dành ưu tiên cho các sản phẩm đồ thủ công danh tiếng của chị em trong cả khu vực. Ghulam Ali Wahdat - khi đó là thống đốc tỉnh - đã bố trí không gian cho khu chợ mới ngay tại khu trung tâm Titanic Bazaar.
Từ đó cái tên “Chợ phụ nữ Bamiyan” ra đời. “Thời điểm đó, khách du lịch nước ngoài đến đây rất đông. Có lúc, tôi đã phải tuyển dụng gần 50 lao động nữ. Lợi nhuận hằng tháng của mỗi sạp lên đến 230 USD” - một trong những thành viên sáng lập chợ và cũng là một tiểu thương tại đây cho biết. Nhưng giờ đây, dưới chế độ Taliban, họ đã mất hầu hết hoạt động kinh doanh, thu nhập của sạp hàng đã giảm một nửa.
Đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới. Nhưng với Afghanistan, tình hình càng bi đát hơn. Hoạt động kinh doanh, thương mại đang trên bờ vực sụp đổ bởi những quy định do Taliban áp đặt theo cách giải thích hà khắc của họ về luật Hồi giáo đối với phụ nữ. Một sắc lệnh do nhà cầm quyền ban hành vào tháng 12/2021 quy định phụ nữ muốn đi ra ngoài phải có nam giám hộ (mahram) đi cùng.
Một nữ tiểu thương sống cách ngôi chợ quen thuộc mà mình vẫn buôn bán một giờ đồng hồ đi đường cho biết, có người lạ mặt đã gọi điện yêu cầu cô phải nghỉ làm, ở nhà vì không có người giám hộ. Khi cố gắng khiếu nại với cảnh sát, cô đã bị giới chức Taliban quở trách. “Họ bảo tôi là một phụ nữ không ngoan vì hay kích động người khác làm việc xấu. Họ lên án vì tôi đã đến sạp hàng một mình. Tôi đã thực sự sợ hãi, nhưng tôi còn ba đứa con nhỏ và chồng thì đang thất nghiệp. Tôi không có lựa chọn nào khác” - cô nói.
Chi phí nguyên vật liệu thô, như chỉ, sợi và vải để thêu, thảm và quần áo cũng đã tăng vọt. Một phụ nữ trong gia đình thợ dệt truyền thống cho biết, dù làm việc ngày đêm nhưng sản phẩm của họ không còn được giá như trước. Nhu cầu của khách hàng cũng đã giảm mạnh vì phụ nữ khó có thể bán sản phẩm trực tiếp trên thị trường do những hạn chế của Taliban.
Nhiều phụ nữ Afghanistan đã trốn ra nước ngoài kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước vào ngày 15/8 năm ngoái. Nhưng ngay cả khi đã ẩn náu ở các nước láng giềng, tình cảnh của phụ nữ Afghanistan vẫn gặp không ít khó khăn. Furuzan - người mẹ 47 tuổi hiện đang sống ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - không thể làm gì khác ngoài việc khóc hằng ngày vì lo lắng cho con gái vẫn đang kẹt ở trong nước.
Con gái Furuzan đã tốt nghiệp trung học nhưng giấc mơ vào đại học của cô bé đã tan thành mây khói sau khi Taliban tiếp quản. Bản thân Furuzan cũng đang gặp khó khăn vì không rành tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nên không thể tìm được việc làm.
Theo Tổ chức Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), trong 12 tháng cai trị, các vụ vi phạm nhân quyền của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái đã gia tăng đều đặn. Bất chấp những lời hứa ban đầu rằng phụ nữ sẽ được thực hiện các quyền của họ theo luật Sharia, bao gồm quyền được làm việc và học tập, Taliban đã sớm loại trừ phụ nữ và trẻ em gái ra khỏi cuộc sống công cộng một cách có hệ thống. Phụ nữ càng không được giữ bất cứ vị trí nào trong nội các.
Đồng thời, nhà cầm quyền đã bãi bỏ Bộ Phụ nữ, thể hiện một cách dứt khoát việc ngăn cản quyền tham gia chính trị của phái yếu. Taliban đã cấm các bé gái đi học sau lớp Sáu và cấm phụ nữ làm hầu hết các công việc bên ngoài gia đình.
Hồi tháng Năm, ngoài bị cấm đi đường dài mà không có nam đi kèm, phụ nữ còn bị từ chối tiếp cận các dịch vụ thiết yếu nếu không có mahram. Taliban ra lệnh phụ nữ phải che mặt nơi công cộng và yêu cầu họ ở yên trong nhà, trừ những trường hợp cần thiết.
Bà Sima Sami Bahous - Giám đốc điều hành UN Women - nhận xét: “Bị tước quyền, bị thường xuyên đe dọa bạo lực, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan vẫn đang không ngừng tiếp tục cuộc sống. Một số người đã dám hình thành các nhóm xã hội dân sự mới để giải quyết các nhu cầu cộng đồng, một số người khác bất chấp để mở lại hoạt động kinh doanh của họ, hoặc quay trở lại làm việc. Và đối với tất cả chúng ta, cần một hành động của sự dũng cảm”.
Theo phụ nữ TPHCM