leftcenterrightdel
 Sunita Sutar ngồi trò chuyện cùng bạn tại Nariman Point, Mumbai, Ấn Độ.

Khủng hoảng dân số

Ấn Độ đang trên đà vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Đây được xem đây là lợi thế về nguồn nhân lực, giúp đưa nền kinh tế của nước này phát triển, đứng trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, dân số tăng vọt cũng đặt ra bài toán về việc làm đối với Ấn Độ, bởi số lượng phụ nữ ở quốc gia Nam Á này tham gia vào lực lượng lao động có dấu hiệu giảm dần trong nhiều năm.

Ấn Độ hiện nằm trong số 20 quốc gia đạt tỷ lệ phụ nữ có việc làm thấp nhất thế giới. Nếu dân số tiếp tục tăng mạnh trong vài năm tới, ước tính 670 triệu phụ nữ tại nước này sẽ bị bỏ lại phía sau, họ sẽ không có việc làm. Đây không chỉ là vấn đề của những phụ nữ trong xã hội Ấn Độ, mà còn là thách thức ngày càng lớn đối với tham vọng kinh tế của quốc gia này.

Dân số trong độ tuổi lao động đang tăng nhanh được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Ấn độ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, một số chuyên gia lo ngại rằng xu hướng này có thể trở thành một gánh nặng về an sinh xã hội, về nhân khẩu học nếu Ấn Độ không đảm bảo được việc làm người dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ.

Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Rosa Abraham - Đại học Azim Premji dựa trên số liệu công bố chính thức, tỷ lệ phụ nữ có việc làm tại Ấn Độ đạt đỉnh 35% vào năm 2004, nhưng đến năm 2022 con số này đã giảm mạnh, chỉ vào khoảng 25%. Trên thực tế, tỷ lệ này có thể thấp hơn nhiều, bởi những số liệu được công bố chính thức đã thống kê cả những người phụ nữ làm việc chỉ 1 giờ/tuần ngoài những công việc nội trợ tại nhà.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) vào năm 2022 cho thấy, chỉ 10% phụ nữ trong độ tuổi lao động tại nước này có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm. Điều này đồng nghĩa rằng so với 361 triệu nam giới tham gia vào lực lượng lao động tại Ấn Độ, con số này ở nữ giới chỉ là 39 triệu.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ Ấn Độ ở làm công việc nội trợ tại nhà.

Nguyên nhân giấu mặt có tên “Định kiến”

Các chuyên gia về nhân khẩu học tại Ấn Độ cho rằng, cuộc khủng hoảng việc làm chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ lao động giữa nam và nữ tại quốc gia này. Một nguyên nhân sâu xa hơn được cho là xuất phát những định kiến cố hữu trong xã hội Ấn Độ, khi luôn coi phụ nữ là người gắn với công việc nội trợ và có thái độ kỳ thị nếu như họ phải làm việc bên ngoài.

Bà Sunita Sutar, từng sinh sống tại làng Shirsawadi thuộc bang Maharashtra, cho biết theo truyền thống ở địa phương, phụ nữ thường sẽ kết hôn ở tuổi 18 và bắt đầu cuộc sống gia đình, lo toan công việc nội trợ của nhà chồng. Thế nhưng, Sutar lại không làm như vậy, bà quyết định tiếp tục đi học. Cũng vì thế mà hàng xóm láng giếng đều châm biếm cha mẹ Sutar khi để con gái mình tiếp tục đi học, bởi họ cho rằng sau khi kết hôn, vấn đề học thức đối với một người phụ nữ không hề quan trọng.

Đến năm 2013, Sunita Sutar đã chứng minh được rằng quyết định của bà không hề sai, khi trở thành người đầu tiên trong làng Shirsawadi tốt nghiệp đại học với tấm bằng kĩ sư. Sutar đang sống và làm việc tại Mumbai với tư cách là kiểm toán viên cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ. “Tôi tin rằng chỉ có con đường học mới giúp tôi có chỗ đứng trong xã hội, bởi nếu không, tôi sẽ giống như những người phụ nữ khác, kết hôn và lại tiếp tục bị “mắc kẹt” trong làng”, Sutar chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Những “bà nội trợ” tụ tập trò chuyện tại một khu xóm ở Ấn Độ.

Hiện nay, phụ nữ tại Ấn Độ đã có nhiều cơ hội được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến hơn và gần như ngang bằng với nam giới. Thế nhưng, giáo dục không dẫn đến việc làm. Thực tế cho thấy, tình trạng phụ nữ thất nghiệp dù có trên tay tấm bằng đại học tại Ấn Độ vẫn không ngừng gia tăng mỗi năm. “Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh nhưng vì số lượng việc làm không đáp ứng đủ, nên tỷ lệ thất nghiệp trong nước vẫn tăng cao”, Mahesh Vyas, Giám đốc CMIE chỉ rõ.

Bà Mahesh cũng cho biết thêm, số lượng việc làm có nguồn thu nhập cao tại Ấn Độ đã sụt giảm nghiêm trọng trong vòng một thập kỷ qua. Đây cũng là một trong những nguyên do vì sao số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động ngày cànng thấp, bởi thay vì phải làm những công việc lương thấp, phụ nữ có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và con cái.

Chuyên gia kinh tế Rosa Abraham nhận định rằng việc phụ nữ hạn chế tham gia vào thị trường lao động tại Ấn Độ là một vấn đề lớn đối với quốc gia này, song chưa có nhiều biện pháp được triển khai nhằm cải thiện tình hình. Bà Abraham cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự tham gia tích cực, chủ động của phụ nữ không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của đất nước, mà còn giúp họ được công nhận, qua đó xoá bỏ những định kiến còn tồn tại trong xã hội Ấn Độ.

Theo ngaynay