Một người đàn ông đi qua biển tuyên truyền tránh kỳ thị phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Kinh nguyệt là một chủ đề cấm kỵ ở Ấn Độ, nơi phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt được cho là không sạch sẽ và không được phép tham gia các sự kiện xã hội, tôn giáo. Trong những năm gần đây, quan niệm này gặp nhiều thách thức bởi những phụ nữ thành thị có học thức.

Tuy nhiên, hai tin tức gần đây cho thấy kỳ thị kinh nguyệt vẫn bén rễ rất sâu trong văn hóa Ấn Độ. Đa số phụ nữ, đặc biệt là người xuất thân trong gia đình nghèo, không được học hành đầy đủ, buộc phải đưa ra những lựa chọn có tác động lâu dài và không thể đảo ngược tới sức khỏe và cuộc sống.

Tin tức đầu tiên bắt nguồn từ bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ, nơi hàng nghìn phụ nữ trẻ đã phẫu thuật cắt tử cung trong ba năm qua để được tới làm thuê ở cánh đồng mía.

Mỗi năm, hàng chục nghìn gia đình nghèo ở các huyện Beed, Osmanabad, Sangli và Solapur di cư tới những huyện phía tây giàu có hơn, nơi được coi là "vành đai mía đường", để làm thợ cắt mía trong thời gian 6 tháng.

Khi tới đó, họ phụ thuộc vào các chủ thầu tham lam, những người tận dụng mọi cơ hội để bóc lột. Chủ thầu không muốn thuê phụ nữ cắt mía vì công việc này rất nặng nhọc và phụ nữ có thể xin nghỉ làm một tới hai ngày khi đến kỳ kinh. Nếu nghỉ làm một ngày, họ phải trả tiền phạt.

Công nhân sống trong lều gần cánh đồng, không có nhà vệ sinh. Việc thu hoạch đôi khi phải làm cả ngày lẫn đêm, không có giờ giấc ngủ nghỉ cố định. Với phụ nữ tới kỳ kinh, điều này khiến cuộc sống càng khó khăn hơn.

Do điều kiện vệ sinh kém, nhiều phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm. Các bác sĩ vô đạo đức thường khuyến khích họ phẫu thuật cắt bỏ tử cung, dù họ chỉ gặp phải bệnh phụ khoa nhỏ và có thể điều trị bằng thuốc, theo các nhà hoạt động.

Vì đa số phụ nữ đều tảo hôn, nên nhiều người đã sinh hai, ba con dù mới ngoài 20 tuổi. Bởi bác sĩ không cảnh báo trước những vấn đề gặp phải nếu cắt bỏ tử cung, nhiều người tin rằng sức khỏe vẫn ổn nếu làm phẫu thuật.

Điều này khiến một số ngôi làng trong khu vực biến thành "làng của phụ nữ không tử cung". Sau khi nghị sĩ Neelam Gorhe đưa vấn đề ra một hội nghị hồi tháng 5, Bộ trưởng Y tế bang Maharashtra Eknath Shinde thừa nhận có 4.605 ca cắt tử cung ở huyện Beed trong ba năm. Ông này biện minh không phải mọi ca phẫu thuật đều được thực hiện với phụ nữ làm nghề thu hoạch mía và cho hay đã thành lập ủy ban điều tra một số vụ.

Phụ nữ làm việc trên cánh đồng mía ở Ấn Độ. Ảnh: Picfair.

Một nửa phụ nữ trong làng Vanjarwadi thuộc huyện Beed đã cắt tử cung, hầu hết dưới 40 tuổi và một số trong độ tuổi 20. Nhiều người cho hay sức khỏe xấu đi sau khi phẫu thuật. Một phụ nữ trẻ bị đau dai dẳng ở lưng, cổ và đầu gối, sáng nào thức dậy mặt mũi, tay chân cũng sưng vù. Một người khác than phiền "liên tục chóng mặt" và không thể đi bộ quãng ngắn.

Tin tức thứ hai xuất hiện ở bang Tamil Nadu, miền nam đất nước. Phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp may mặc trị giá hàng tỷ USD của Ấn Độ cho biết phải uống một loại thuốc không nhãn mác ở nhà xưởng, thay vì được nghỉ một ngày, mỗi khi phàn nàn vì đau bụng lúc tới kỳ kinh nguyệt.

Hãng thông tấn Reuters đã phỏng vấn 100 phụ nữ, cho biết loại thuốc này hiếm khi được bác sĩ kê đơn, còn công nhân may đa số xuất thân từ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, cho biết không thể để mất một ngày lương chỉ vì đau bụng.

100 phụ nữ được phỏng vấn đều nói từng uống thuốc và hơn một nửa cho biết sức khỏe bị ảnh hưởng. Đa số không biết tên thuốc cũng như không được cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc. Họ cho rằng thuốc gây nhiều vấn đề sức khỏe như trầm cảm, lo lắng, nhiễm trùng đường tiết niệu, u xơ và sảy thai. 

Những tin tức này buộc chính quyền phải hành động. Ủy ban Phụ nữ Quốc gia gọi tình trạng của phụ nữ ở bang Maharash là "thảm hại và khốn khổ", yêu cầu chính quyền bang ngăn chặn những hành động "tàn bạo" tương tự trong tương lai. Tại Tamil Nadu, chính quyền cho hay sẽ theo dõi sức khỏe của công nhân ngành may mặc. 

Tin tức đến trong thời điểm nhiều nỗ lực đang được thực hiện khắp thế giới nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động bằng cách thực hiện các chính sách nhạy cảm về giới. 

"Ở Ấn Độ, bang Bihar cho phép nhân viên nữ nghỉ thêm hai ngày mỗi tháng từ năm 1992 và chính sách này có hiệu quả", Urvashi Prasad, chuyên gia chính sách công tại viện nghiên cứu Niti Aayog của chính phủ nói.

Năm ngoái, một nữ nghị sĩ đã đề xuất Dự luật Quyền lợi trong kỳ Kinh nguyệt lên quốc hội, đề nghị cho phép phụ nữ nghỉ hai ngày làm việc mỗi tháng. 

Công nhân nữ làm trong xưởng may ở Tamil Nadu. Ngành công nghiệp may mặc ở đây thu hút 300.000 lao động nữ. Ảnh: Piyush Nagpal.

Prasad cho rằng có rất nhiều thách thức khi thực hiện bất kỳ chính sách nào tại một đất nước rộng lớn như Ấn Độ, đặc biệt tại khu vực phi chính thức, nơi cần được giám sát nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu nó bắt đầu trong khu vực chính thức sẽ là sự chuyển biến trong suy nghĩ và giúp xóa bỏ thái độ kỳ thị kinh nguyệt ở Ấn Độ.

Dự luật Quyền lợi trong kỳ Kinh nguyệt ít khả năng được thông qua, nhưng nếu thành luật, nó sẽ mang lại phúc lợi cho phụ nữ làm việc trong ngành may mặc ở Tamil Nadu.

Tuy nhiên, những chính sách phúc lợi này hiếm khi mang lại lợi ích cho những người làm việc tại khu vực phi kinh tế chính thức của Ấn Độ. Điều này nghĩa là những phụ nữ làm việc trên cánh đồng mía ở Maharash vẫn phụ thuộc vào thái độ của chủ trang trại.

Theo vnexpress