leftcenterrightdel
Dự án kéo dài 10 năm "Health Japan 21" của chính phủ Nhật Bản, triển khai từ năm 2013, nhằm đưa số phụ nữ ở độ tuổi 20 có chỉ số BMI thấp xuống dưới 20% đã không thành công. Ảnh: Reuters. 

Ngày 4/7, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu về cân nặng, lối sống và thói quen ăn kiêng của phụ nữ trẻ vào năm tới. Mục đích chính là giảm số lượng phụ nữ bị thiếu cân ở nước này, theo SCMP.

Theo nhà báo chuyên về bình đẳng giới Kim Bo Eun ở Hàn Quốc, nhìn bề ngoài, động thái này có vẻ đáng hoan nghênh, song cũng cho thấy một số vấn đề bất cập về bình đẳng giới.

Ngăn phụ nữ gầy thêm

Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 1/5 phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 bị nhẹ cân, một tỷ lệ cao hơn so với các nước phát triển khác.

Một cuộc khảo sát khác vào năm 2021 cho thấy số lượng các cô gái dưới 20 tuổi được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn đã tăng 60%.

Thực tế, mối lo ngại nữ giới không có thể trạng khỏe mạnh đã được Nhật Bản quan tâm từ một thập kỷ trước, khi chính phủ đưa ra một sáng kiến dài hạn mang tên Health Japan 21 để giải quyết vào năm 2013.

Điều đáng lưu tâm là mới đây, khi giải thích sự cần thiết của cuộc khảo sát mới, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết ngoài nguy cơ đối với sức khỏe của phụ nữ, cơ thể nhẹ cân bị cảnh báo gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Theo đó, phụ nữ nhẹ cân có nguy cơ sinh con có cân nặng dưới mức trung bình, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim, tiểu đường, ung thư sau này.

Đảm bảo rằng trẻ sơ sinh được sinh ra tránh gặp những rủi ro kể trên càng trở nên quan trọng hơn khi Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng. Số lượng sinh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục: chỉ 811.604 ca sinh mới vào năm ngoái, giảm 3,5% so với năm 2020.

leftcenterrightdel
Những bà mẹ nhẹ cân có nguy cơ sinh con nặng 2,5 kg trở xuống cao hơn. Ảnh: Japan Times. 

Tiếp tục xếp vị trí thấp về bình đẳng giới

Tuy nhiên, việc tự động liên kết sức khỏe của phụ nữ với việc sinh con không được xem là một lý do thuyết phục. Suy nghĩ một chiều này mới chỉ tập trung vào khả năng sinh đẻ ở nữ giới, thay vì coi họ như những cá nhân độc lập.

Khi tỷ lệ sinh giảm trên khắp Đông Á, chính phủ các nước Hàn - Trung - Nhật đang ngày càng tập trung tìm cách tăng tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, những biện pháp được đưa ra vẫn không đem lại thay đổi tích cực như mong đợi.

Cuối năm 2016, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ sau khi chính phủ thiết kế một biểu đồ hiển thị số lượng phụ nữ sinh đẻ ít hay nhiều, tùy theo khu vực. Khu vực nào có ít trẻ con ra đời bị xếp hạng là kém nỗ lực trong việc khuyến khích sinh con.

Những người phản đối chỉ trích tấm biểu đồ giống với "số liệu thống kê những con bò cái cấp cao" và làm tăng áp lực lên phụ nữ bằng cách khuyến khích người xem tự hỏi “tại sao có nhiều người không chịu sinh con trong khi rất nhiều người khác có thể".

Vấn đề của suy nghĩ này bị chỉ ra là nó ngầm đổ lỗi cho phụ nữ vì tỷ lệ sinh giảm, thay vì tìm hiểu các lý do chính khác khiến nhiều người từ chối sinh đẻ.

leftcenterrightdel
 Không chỉ đứng cuối tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương qua báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, đất nước mặt trời mọc còn xếp ở vị trí thấp nhất trong nhóm G7. Ảnh: Reuters.

Một trong số chúng có thể kể đến là áp lực tài chính khi nuôi dạy những đứa trẻ, những khó khăn gặp phải khi cố gắng trở lại lực lượng lao động sau khi sinh con ở nữ giới.

Hàn Quốc liên tục xếp cuối trong các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về bình đẳng giới. Nước này đứng cuối cùng trong số 29 quốc gia thành viên năm nay, với Nhật Bản đứng thứ 28. Báo cáo gọi hai quốc gia là những nơi mà phụ nữ cần “lựa chọn giữa gia đình hay sự nghiệp”.

Do một phần lớn lực lượng lao động nữ bỏ việc sau khi sinh con, Hàn Quốc cũng có khoảng cách về lương giữa hai giới lớn nhất, với phụ nữ kiếm được ít hơn 31,5% so với nam giới vào năm 2021. Tỷ lệ phụ nữ làm chức quản lý cũng ở mức 15,6% vào năm 2021.

Ở Nhật Bản và các nơi khác, vấn đề hình ảnh nữ giới được khắc họa trên phương tiện truyền thông một cách rập khuôn cũng tác động vào chuyện các cô gái ám ảnh về cân nặng. Khi hình ảnh nữ giới mảnh mai, thon gọn phủ sóng khắp mọi nơi, không khó hiểu nếu nhiều cô gái khác bắt đầu đi theo chế độ ăn uống không lành mạnh để có được vóc dáng đó.

Fumi Hayashi, phó giáo sư tại Đại học Dinh dưỡng Kagawa, cho biết truyền thông và nhiều nguồn khác đã dung dưỡng "các tiêu chuẩn xã hội sai lầm rằng gầy gò là lý tưởng".

"Mặc dù một số người có thể lo ngại rằng một thân hình không thon thả lắm có thể khiến họ không chạy theo được những mẫu quần áo thời thượng, nhưng điều đó cũng có những lợi ích nhất định, như là họ sẽ không dễ bị mệt mỏi. Điều quan trọng là toàn xã hội phải thay đổi thái độ".

Theo zingnews