Phụ nữ ở Nhật Bản giờ đây đã được phép tham gia lễ hội cổ xưa hadaka matsuri, được gọi là lễ hội khỏa thân.

Theo truyền thống, vào tháng Hai hàng năm, hàng ngàn người đàn ông ăn mặc "khiêm tốn" tham gia vào lễ hội hadaka tại đền thờ Thần đạo ở Inazawa, một thị trấn ở miền trung Nhật Bản, để xua đuổi tà ma trong năm mới.

leftcenterrightdel
 Hàng ngàn người đàn ông chỉ đóng khố tập trung tại lễ hội Hadaka Matsuri hàng năm của Nhật Bản, còn được gọi là Lễ hội khỏa thân - Ảnh: Buddhika Weerasinghe/Getty Images

Theo truyền thông Nhật Bản, lễ hội này được coi là cấm phụ nữ tham gia kể từ khi nó được tổ chức lần đầu tiên ở thị trấn này khoảng 1.250 năm trước, nhưng năm nay, lần đầu tiên ban tổ chức sẽ cho phép một nhóm khoảng 40 phụ nữ tham gia vào ngày 22/2.

Tuy nhiên, những người phụ nữ này sẽ mặc quần áo đầy đủ, sẽ được cúng dường cỏ tre nhưng sẽ không được tham gia cao trào momiai của lễ hội. Tại lễ hội chính này, những người đàn ông chỉ mặc trang phục Fundoshi - một loại khố truyền thống - vớ tabi và khăn quấn hachimaki "đụng độ" với nhau khi họ cố gắng chuyển vận xui xẻo của mình sang một “người được chọn” bằng cách chạm vào trước khi anh ta được rút về nơi an toàn của ngôi đền.

Ayaka Suzuki, người vận động dỡ bỏ lệnh cấm không chính thức đối với phụ nữ, cho biết cô đã muốn tham gia lễ hội từ khi còn nhỏ. Theo tờ báo Yomiuri Shimbun, cô nói với các phóng viên: “Tôi có thể tham gia nếu tôi là một cậu bé".

Suzuki nói thêm rằng cô sẽ tận dụng cơ hội này để cầu nguyện cho sự bình an của gia đình và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất chết người gần đây trên bán đảo Noto.

Các nhà tổ chức lễ hội ở Nhật Bản đang chịu áp lực phải mở cửa cho tất cả mọi người tham gia trong bối cảnh lo ngại rằng tình trạng giảm dân số một phần là do sự phân biệt đối xử này. Trong tháng này, phụ nữ cũng đã tham gia lễ hội lửa Katsube ở tỉnh Shiga lần đầu tiên trong lịch sử 800 năm của tỉnh này.

Trong khi một số người hoan nghênh lễ hội khỏa thân được cải tiến như một bước tiến khiêm tốn cho bình đẳng giới, các lĩnh vực khác của đời sống truyền thống ở Nhật Bản vẫn bị hạn chế đối với phụ nữ, bao gồm cả võ đài dohyo được sử dụng trong môn thể thao sumo vốn nổi tiếng của Nhật Bản.

Theo phụ nữ TPHCM