Không thể mất việc vì mang thai hay đến kỳ kinh nguyệt

Nắng nóng gia tăng và thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang gây khó khăn cho nông dân ở Ấn Độ và nhiều nơi khác, dẫn đến mất mùa thường xuyên hơn khiến người dân phải di cư.

leftcenterrightdel
 Nắng nóng gia tăng và thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang gây khó khăn cho nông dân ở Ấn Độ và các nơi khác - Ảnh: Reuters
Theo các nhà khoa học thế giới, nhiệt độ toàn cầu đã tăng hơn 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp và hiện đang tiến gần đến mức nóng lên 1,5 độ C. Các nhà khoa học lo ngại có thể báo trước các tác động biến đổi khí hậu nguy hiểm hơn và khốc liệt hơn nữa.

Hôm 7/2, một báo cáo của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) cho thấy, hạn hán đang đẩy phụ nữ nghèo Ấn Độ vào công việc khai thác mía ở bang miền trung Maharashtra, với nhiều lao động nhập cư nữ chọn cách cắt bỏ tử cung để không phải lo lắng việc đến kỳ kinh nguyệt hàng tháng cũng như mang thai để toàn tâm, toàn sức làm việc chăm chỉ hơn.

Báo cáo của IIED - một cơ quan ở London - cho biết nhiều năm ít mưa, nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán đã khiến cư dân quận Beed phải rời đi và trở thành lao động tại các đồn điền mía khác.

Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số phụ nữ Beed đến làm việc trên các đồn điền mía đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Bà Ritu Bharadwaj, nhà nghiên cứu chính của tổ chức này, cho biết: “Các nhà thầu sẽ cắt giảm 1 hoặc 2 ngày lương hoặc đuổi việc khiến phụ nữ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt bỏ tử cung để chu kỳ kinh nguyệt hoặc việc mang thai không ngăn cản họ làm việc”.

Các nhà nghiên cứu IIED nhận thấy, các nhà thầu tại các nhà máy đường thích tuyển dụng các cặp vợ chồng, trong đó người chồng cắt mía còn người vợ dọn dẹp và bốc vác. Báo cáo cho biết họ kiếm được khoảng 250 rupee Ấn Độ (3 USD) cho mỗi tấn mía và công nhân phải làm việc 12 -16 giờ mỗi ngày.

"Miếng mồi ngon" của phòng khám tư nhân 

Nghiên cứu cho thấy, lo sợ khi thấy thu nhập của mình giảm sút và không có phòng tắm, nhiều phụ nữ tìm cách cắt tử cung tại các phòng khám tư nhân, đồng thời cho biết thêm rằng họ thường không nhận thức được những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.

Bà Bharadwaj cho biết, đau lưng và khớp, loãng xương, khó chịu ở vùng chậu và các vấn đề về sức khỏe tâm thần là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà những phụ nữ đã trải qua phẫu thuật này phải chịu đựng.

“Chúng tôi đã nói chuyện với 20 phụ nữ tuổi khoảng 25 tuổi đang gặp phải các triệu chứng mãn kinh sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung"- bà nói thêm.

Ông Narendra Gupta - tổ chức phi lợi nhuận Prayas có trụ sở tại Rajasthan, cho biết hiện các bệnh viện tư nhân ở Ấn Độ thường thực hiện phẫu thuật cắt tử cung để “kiếm tiền nhanh chóng”.

Vụ kiện do ông Gupta đệ trình vào năm 2023 đã khiến Tòa án Tối cao Ấn Độ yêu cầu chính phủ nên có hành động ngăn chặn các bác sĩ và bệnh viện tư nhân thực hiện các ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung để trục lợi.

Ông nói rằng phụ nữ thường phải đối mặt với “áp lực gián tiếp” từ người chủ của họ và các bệnh viên, phòng khám cần phải tư vấn cho người lao động.

Sau các bài báo trên phương tiện truyền thông về sự gia tăng các ca phẫu thuật cắt tử cung, chính quyền quận Beed cho biết, vào năm 2019 rằng các bệnh viện tư nhân sẽ phải được cấp phép mới có thể thực hiện thủ tục này. Nhưng các nhà nghiên cứu của IIED nhận thấy nhiều phụ nữ giờ đây vẫn làm thủ thuật này bằng cách tìm đến bệnh viện tư ở các quận lân cận.

Bà Bharadwaj nói: “Hành động này không ngăn chặn được ca cắt tử cung vì nó không phải nguyên nhân gốc rễ”.

Theo phụ nữ TPHCM