Janet Song (25 tuổi), làm việc tại một quán cà phê thú cưng ở Quảng Châu, không nghĩ rằng sự hiện diện của chồng hay con cái có thể giúp cô thành công.
"Hai chị họ của tôi và tôi đều là con một trong gia đình. Hai chị đều đã kết hôn nhưng hiện cũng ủng hộ tôi không lập gia đình nếu tôi không muốn vậy. Họ cũng nói rằng có con cái không phải là điều bắt buộc", Song nói với South China Morning Post.
"Chúng tôi đều cảm thấy cuộc sống đô thị hiện đại đang trở nên rất thuận tiện và thân thiện với người độc thân. Việc kết hôn, sinh con gần như đồng nghĩa với những căng thẳng trong cuộc sống của người trẻ chúng tôi", cô nói thêm.
Phụ nữ trẻ Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ Z sinh từ khoảng năm 1995 đến 2010, đang ngày càng tìm kiếm sự đa dạng và cá tính trong cuộc sống của mình. Hôn nhân không còn là ưu tiên của họ, chứ đừng nói đến việc sinh con.
|
Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc lựa chọn sống độc thân thay vì ưu tiên kết hôn, có con. Ảnh:Getty Image.
|
Sống cho chính mình
Dữ liệu điều tra dân số quốc gia được công bố vào tháng 5 cho thấy tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống còn 1,3 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2020. Tỷ lệ dưới 2,1 được coi là báo trước sự suy giảm dân số.
Liu Xin, giám đốc sáng tạo một công ty quảng cáo, cho biết mối quan tâm dành cho việc kết hôn và sinh con ở phụ nữ trẻ đang "thấp hơn bao giờ hết".
"Sống cho chính mình" đã trở thành chiến dịch quảng cáo được nhiều thương hiệu sử dụng để thu hút khách hàng nữ vì có một lượng lớn phụ nữ dưới 35 tuổi chỉ muốn thỏa mãn bản thân trong cách tiêu dùng và lối sống.
"Nếu so sánh, kết hôn và sinh con có thể không khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn", Liu nói.
|
Nhiều phụ nữ ở Trung Quốc không còn xem việc kết hôn, sinh con là cần thiết. Ảnh:EPA-EFE.
|
"Bởi vì nhiều người trong số họ là con một, họ muốn có một cuộc sống dễ dàng. Thực ra, xu hướng 'nằm thẳng', mặc kệ mọi thứ, đang phổ biến trong phụ nữ trẻ, không chỉ về công việc mà cả hôn nhân và con cái".
Mức độ sẵn sàng kết hôn của phụ nữ thế hệ Z Trung Quốc cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới.
Cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Trung Quốc vào tháng 10/2021 cho thấy trong số 2.905 người độc thân ở thành thị độ tuổi 18-26, 43% phụ nữ cho biết họ không có ý định kết hôn hoặc chưa chắc mình sẽ kết hôn hay không. Con số này cao hơn 19,3 điểm phần trăm so với nam giới.
Trong khi đó, Gen Z cũng là nhóm có tỷ lệ giới tính mất cân bằng nhất ở Trung Quốc với số nam giới nhiều hơn nữ là 18,27 triệu người.
Độc lập tài chính
Kể từ tháng 7, danh tiếng của ít nhất 3 nam nghệ sĩ ở Trung Quốc bị ảnh hưởng khi dính vào các vụ bê bối bao gồm mua dâm, quá kiểm soát người yêu và ép buộc vợ sinh con.
Các bê bối này đã khơi mào nhiều cuộc tranh luận trên mạng bao gồm cả vấn đề bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ nói rằng bản thân đang suy nghĩ lại về việc kết hôn.
"Trong nhiều thập kỷ, các gia đình thành thị ở Trung Quốc trở nên giàu có, tích lũy tài sản. Do chính sách một con, phần lớn tài sản đó hiện thuộc về các phụ nữ trẻ là con một trong gia đình", Shen Jiake, nhà văn, nhà phê bình độc lập, nói.
Cũng theo ông, điều này dẫn đến một xu hướng và thực tế khách quan là một nửa, hoặc một lượng lớn gia đình, đang đứng về phía phụ nữ trẻ trong quan điểm về kết hôn và sinh con.
"Bên cạnh đó, số lượng phụ nữ trẻ được giáo dục tốt và độc lập tài chính đã bằng hoặc thậm chí vượt nam giới cùng tuổi. Những yếu tố này dẫn đến việc thái độ và giá trị của phụ nữ trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đặc biệt là xu hướng dân số".
|
Ngày càng nhiều cô gái có tài chính ổn định, học vấn cao muốn tập trung tận hưởng cuộc sống. Ảnh:Wall Street Journal.
|
Theo Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021, trong số những người trưởng thành độ tuổi 20-34, phụ nữ chiếm 52,7% người có bằng cử nhân trở lên.
"Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các chính sách dân số và bình đẳng giới của Trung Quốc phải đối mặt. Chúng ta thấy rằng những người đưa ra các chính sách và thực hiện chúng chủ yếu là nam giới. Do đó, nhiều chính sách được đưa ra để khuyến khích kết hôn, sinh con thực sự không hiểu và không phù hợp nhu cầu sâu xa của phụ nữ trẻ", ông Shen nhận định.
Theo một báo cáo vào tháng 12 do các nhà kinh tế và nhân khẩu học nổi tiếng Trung Quốc như Ren Zeping, Liang Jianzhang và Huang Wenyuan đồng công bố, một số biện pháp khuyến khích sinh đẻ đã được đưa ra trong thời gian gần đây song có tác động quá yếu, chỉ như muối bỏ bể.
“Dù sao thì trình độ học vấn và nghề nghiệp của phụ nữ đang tăng nhanh hơn nam giới ở Trung Quốc. Trong khi đó, các chính sách vẫn tụt hậu so với những quan điểm đang thay đổi về hôn nhân và sinh đẻ của giới trẻ", nhà nhân khẩu học Huang Wenzheng nhận xét.
Theo ông, xung đột về giới của quốc gia này sẽ ngày càng gay gắt hơn trong tương lai.
Theo Zing