Nữ tiến sĩ Libby Jackson, Giám đốc chương trình vũ trụ UKSA


Ngay năm cuối trung học, đam mê khám phá vũ trụ đã xui khiến chị viết thư cho NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ), bày tỏ nguyện vọng được tạo điều kiện tìm hiểu về lĩnh vực này. Thái độ của bố mẹ chị thế nào?
 
Việc tôi viết thư cho NASA đơn giản, tôi muốn thử vận may. Vì thế, tôi giấu bố mẹ việc làm của mình. Mãi đến ngày nhận được hồi âm và giấy mời tham quan NASA 2 tuần, tôi mới nói với bố mẹ. Phản ứng của bố mẹ thật tuyệt vời. Ông bà đồng ý và khuyến khích con gái tự tin, phấn đấu thực hiện ước mơ.
 
Sự động viên, hỗ trợ của bố mẹ tác động thế nào đến cuộc đời của chị?
 
Chuyến tham quan NASA giúp tôi nhận biết thế nào là công việc của trung tâm kiểm soát bay. Khi trở về nước Anh, tôi vẫn nghĩ ước mơ của mình không thể thực hiện. NASA là nơi tôi muốn làm việc nhưng tôi không biết đạt được bằng cách nào. Khi ấy, tôi ngầm dự tính làm quen chàng thanh niên Mỹ nào đó, yêu và lấy anh ta, có thẻ xanh, thuyết phục chồng chuyển đến Houston, rồi kiếm một chân ở NASA!

Vài năm sau “âm mưu” ngớ ngẩn tuổi mới lớn, tốt nghiệp chuyên ngành Hàng không, may mắn được Trung tâm Kiểm soát bay Vương quốc Anh tuyển dụng, tôi phát hiện, Liên minh châu Âu (EU) cũng có Trung tâm Kiểm soát bay Vũ trụ đặt ở Anh, để tham gia các hoạt động liên quan đến Trạm ISS. Tôi xin đầu quân vào phiên bản châu Âu này của NASA và toại nguyện.
 
Chị hãy nói nhiều hơn về công việc hiện nay của bản thân?
 
Tôi tham gia quản lý chương trình vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Anh (UKSA). Nhiệm vụ của tôi là giám sát chiến lược và chính sách, ngân sách của UKSA. Tôi cũng phối hợp hoạt động liên quan đến những nhà du hành đang thực hiện các nghiên cứu khoa học trên Trạm ISS.
 
Công việc rất bận, song tôi vẫn dành thời gian trò chuyện với các bạn trẻ về vũ trụ và khẳng định mọi người đều có thể làm việc đó nếu có đam mê.
 
Mới đây chị đã xuất bản cuốn sách viết về 50 người phụ nữ gắn bó với ngành công nghiệp vũ trụ. Câu chuyện về nữ tiến sĩ Peggy Winston gây ấn tượng mạnh với đông đảo độc giả. Chị có thể nói ngắn gọn về công việc quản lý Trạm ISS của TS. Peggy?
 
Nữ tiến sĩ Peggy đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho NASA. Chị là nhà du hành vũ trụ phi thường. Peggy mơ ước về công việc này từ ngày còn là thiếu nữ, bất chấp lời can ngăn của người thân, một nhà khoa học có uy tín khẳng định chị sẽ lãng phí tuổi thanh xuân với công việc ở NASA. Peggy đã có lòng tin sắt đá và sự “cứng đầu” để theo đuổi con đường đã chọn. Chị đã thực hiện 3 chuyến bay lên Trạm ISS, đã từng thực hiện nhiệm vụ chỉ huy Trạm.
 
Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS giống như một ngôi nhà. Có 6 người sống và làm việc trên Trạm. Mỗi người có nhiệm vụ riêng. Họ tiến hành những thí nghiệm khoa học và thực hiện công việc tu bổ, sữa chữa thiết bị, máy móc. Trường hợp đội bay gặp vấn đề nào đó hoặc xuất hiện sự cố bất thường, chỉ huy Trạm là người phải chịu trách nhiệm giải quyết.
 
Cuộc sống trên Trạm Vũ trụ diễn ra thế nào?
 
Những ứng viên nhà du hành vũ trụ phải trải qua quá trình chọn lọc khắt khe, nơi chuyên gia kiểm tra nhiều khía cạnh, trong đó có cá tính và năng lực duy trì phong độ tâm lý tốt trong môi trường cách ly. Ngoài ra, trên trạm vũ trụ, suốt ngày con người bị tiếng ồn tra tấn, không có không khí trong lành.
 
Thực phẩm tươi sống được cung cấp 2 tháng/lần, vậy nên đa số thức ăn là đồ sấy khô và hút chân không. Tuy nhiên, các nhà du hành có thể trò chuyện bằng điện thoại với người thân và bạn bè bất cứ lúc nào. Gặp gỡ trực tuyến với gia đình tối thiểu 1 lần/tuần.
 
Chị có nghĩ con người định cư trên Sao Hỏa chỉ là khoa học viễn tưởng?
 
Tôi tin, chúng ta sẽ ghé thăm Sao Hỏa. Nếu nền văn minh nhân loại còn tồn tại, có thể con người sẽ định cư ở đó. Tuy nhiên, việc thuộc địa hóa Sao Hỏa sẽ là tương lai rất xa.
 
Trong cuốn sách của mình, chị cho rằng, về một số phương diện, phụ nữ thậm chí có thể là nhà du hành vũ trụ thích hợp hơn nam giới. Sự thật có đúng như vậy?
 
Khi khoa học bắt đầu đưa con người lên vũ trụ những năm 50 và 60, Mỹ và Liên Xô tuyển rất nhiều đàn ông. BS Randy Lovelace, nhà khoa học từng làm những xét nghiệm y học với sự tham gia của các phi hành gia Mỹ đầu tiên, đã đặt câu hỏi thú vị, liệu phụ nữ có thể vượt qua cùng thử thách, tiến hành với nam giới. Ông đã tập hợp nhóm tình nguyện viên toàn phụ nữ, người đầu tiên là chị Jerrie Cobb, tiến hành những thử nghiệm với nữ tình nguyện viên. Kết quả, nhiều chỉ số chị em đạt được tốt hơn nam giới.
 
Để trở thành nhà du hành vũ trụ, ứng viên phải thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe liên quan đến cân nặng và chiều cao. Sự thật, ở mức độ như nhau, phụ nữ và đàn ông đều có thể trở thành nhà du hành vũ trụ, tương tư như mọi người đều có thể thực hiện tất cả nghề khác. Chủ yếu phụ thuộc vào việc chúng ta có thật sự thích làm công việc đó, giới tính không quan trọng.

Theo Phunuvietnam.vn