leftcenterrightdel
Nữ hoàng Margrethe II hiện là quân vương có thời gian trị vì lâu nhất tại châu Âu. Ảnh:AFP. 

Nữ hoàng Margrethe II, 82 tuổi, là một người có tính cách nghệ sĩ và nghiện thuốc lá nặng. Bà được coi là người đã hồi sinh nền quân chủ tại Đan Mạch và có công lớn trong việc hiện đại hóa đất nước. Là người lãnh đạo nền quân chủ Đan Mạch trong 50 năm, Nữ hoàng Margrethe II luôn xuất hiện với mái tóc xù được búi lên.

Sau khi nghe tin Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời vào hôm 8/9, Nữ hoàng Margrethe II tuyên bố giảm bớt quy mô các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày bà lên ngôi.

Nữ hoàng Margrethe II lên ngôi vào tháng 1/1972 ở tuổi 31 sau khi cha của bà, Vua Frederik IX, qua đời. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vai trò người đứng đầu nền quân chủ tại Đan Mạch.

Hồi sinh nền quân chủ Đan Mạch

Bà lấy vương hiệu là Margrethe II như một sự tôn vinh dành cho Margrethe I, người đã trị vì Đan Mạch trong khoảng thời gian từ năm 1375 đến năm 1412 nhưng chưa bao giờ được chính thức công nhận là nữ hoàng.

Khi Nữ hoàng Margrethe II lên ngôi, chỉ khoảng 45% người dân Đan Mạch ủng hộ duy trì chế độ quân chủ. Phần lớn người dân của nước này cho rằng chế độ này không có chỗ trong một nền dân chủ hiện đại.

Trong suốt thời gian trị vì của mình, Nữ hoàng Margrethe II đã luôn tránh xa những scandal và giữ gìn hình ảnh của mình. Bà cũng đưa ra những quyết định giúp đổi mới nền quân chủ tại Đan Mạch như cho phép hai con trai của mình kết hôn những người không có dòng dõi quý tộc.

Ngày nay, nền quân chủ của Đan Mạch được biết đến trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân Đan Mạch ủng hộ nền quân chủ của nước này giờ đây luôn duy trì ở mức trên 80%.

Với triều đại kéo dài 50 năm và 7 tháng cho tới thời điểm hiện tại, Nữ hoàng Margrethe II là quân vương có thời gian trị vì lâu nhất tại lục địa già.

Đứng sau Nữ hoàng Margrethe II là em họ của bà, Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển với thời gian trị vì kéo dài 48 năm.

Bên cạnh đó, Nữ hoàng Margrethe II hiện là người phụ nữ duy nhất đứng đầu một nền quân chủ tại châu Âu. Mặc dù vậy, có 4 quốc gia Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển có người thừa kế ngai vàng là nữ.

"Tôi sẽ làm nữ hoàng cho đến hết cuộc đời"

Nữ hoàng Margrethe II sinh ra tại thủ đô Copenhagen vào ngày 16/4/1940, chỉ một tuần sau khi Đan Mạch bị Đức Quốc xã xâm lược.

Bà là người lớn tuổi nhất trong số 3 người con gái của Vua Frederik IX. Tuy nhiên, khi Nữ hoàng Margrethe II chào đời, tại Đan Mạch tồn tại một đạo luật không cho phép các công chúa được thừa kế ngai vàng.

Dưới áp lực của chính phủ, đạo luật này sau đó được thay đổi sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1953 nhằm hiện đại hóa xã hội Đan Mạch.

"Bà đã trị vì và thống nhất người dân Đan Mạch trong một thời đại có nhiều đổi thay như quá trình toàn cầu hóa, sự xuất hiện của những quốc gia đa văn hóa.

Bà đã lãnh đạo đất nước qua các cuộc khủng hoảng kinh tế trong các năm 1970 và 1980, trong cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 đến năm 2015 và cuối cùng là trong thời kỳ bùng phát và lan truyền của đại dịch Covid-19", nhà sử học Lars Hovebakke Sorensen trả lời phỏng vấn AFP.

"Sự nổi tiếng của Nữ hoàng Margrethe II xuất phát từ việc bà không tham gia vào chính trị", ông Sorensen bổ sung.

Do tác động của đại dịch Covid-19, Nữ hoàng Margrethe II bắt đầu năm trị vì thứ 50 của mình bằng một buổi lễ kỷ niệm với quy mô nhỏ vào tháng 1.

Các hoạt động kỷ niệm dự kiến chính thức bắt đầu vào cuối tuần này. Tuy nhiên, quy mô của những hoạt động trên đã bị đang được thu hẹp sau khi thông tin Nữ hoàng Elizabeth II qua đời được công bố.

Trong số các hoạt động bị hủy bỏ bao gồm một buổi diễu hành qua đường phố thủ đô Copenhagen và một buổi gặp mặt công chúng từ ban công của cung điện hoàng gia.

Nữ hoàng Margrethe II, được người dân và gia đình gọi bằng tên thân mật là Daisy, đã giúp nền quân chủ trở thành một yếu tố quan trọng trong xã hội Đan Mạch đồng thời vẫn giữ được sự tôn nghiêm của chế độ này trong mắt người dân.

leftcenterrightdel
Trong suốt triều đại của mình, Nữ hoàng Margrethe II luôn được người dân Đan Mạch yêu quí và kính trọng. Ảnh:Per Morten Abrahamsen. 

Mất đi người chồng vào năm 2018, Nữ hoàng Margrethe II khẳng định sẽ không rời bỏ những nghĩa vụ và trách nhiệm của bà với người dân.

"Tôi sẽ làm nữ hoàng cho đến hết cuộc đời", bà tuyên bố.

Trong lịch sử Đan Mạch chưa từng ghi nhận trường hợp một người đứng đầu nền quân chủ thoái vị. Bên cạnh đó, do Nữ hoàng Margrethe II đang trong tình trạng sức khỏe tốt nên điều này chưa từng được đem ra bàn luận.

Vào tháng 5, Nữ hoàng Margrethe II đã thăm công viên giải trí nổi tiếng Tivoli ở thủ đô Copenhagen, nơi bà đã có trải nghiệm đi tàu lượn siêu tốc.

Thái tử Frederik, 54 tuổi là người con cả của Nữ hoàng Margrethe II và sẽ lên ngôi khi bà qua đời.

Một nữ hoàng đa tài

Với đôi mắt xanh và nụ cười tươi, Nữ hoàng Margrethe II được công chúng yêu quý không chỉ vì tính cách niềm nở và vui tươi của bà, mà còn vì những đóng góp của bà trong nền văn hóa Đan Mạch.

Là một họa sĩ, nhà thiết kế trang phục và thiết kế sân khấu, Nữ hoàng Margrethe II từng nhiều lần làm việc với đoàn múa ballet Hoàng gia Đan Mạch và Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch.

leftcenterrightdel
Nữ hoàng Margrethe II thiết kế trang phục cho vở ballet Kẹp hạt dẻ của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Ảnh:AFP. 

Bà cũng từng học tại nhiều trường đại học danh tiếng thế giới như Đại học Cambridge, Đại học Sorbonne và thông thạo các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức và Thụy Điển.

Bà từng tham gia dịch sang tiếng Đan Mạch các cuốn sách phức tạp. Trong số này có tiểu thuyết All Men are Mortal của triết gia người Pháp Simone de Beauvoir được Nữ hoàng Margrethe II và chồng là Hoàng tử Henrik dịch sang tiếng Đan Mạch vào năm 1981.

Tuy nhiên, tài năng hội họa của Nữ hoàng Margrethe II là thứ thu hút được sự chú ý lớn nhất của công chúng.

Bà đã vẽ minh họa cho rất nhiều cuốn sách, nổi bật nhất là phiên bản tiếng Đan Mạch của tiểu thuyết Chúa tể những chiếc nhẫn của nhà văn J.R.R. Tolkien được xuất bản năm 2002.

Bên cạnh đó, rất nhiều bức tranh của bà cũng từng được trưng bày trong các bảo tàng và phòng tranh tại Đan Mạch và ở nước ngoài.

Theo zingnews