Pachamama - Công ty khởi nghiệp hỗ trợ phụ nữ mang thai

Pachamama có trụ sở tại London (Anh) là một công ty khởi nghiệp hỗ trợ những phụ nữ đang mang thai, được sáng lập bởi Arianna Radji Lee, một phụ nữ trẻ mang dòng máu Iran. Ra mắt vào tháng 11/2019, Pachamama hướng đến mục tiêu giúp đỡ cộng đồng phụ nữ làm mẹ cảm thấy bớt bị cô lập và được hỗ trợ nhiều hơn trong đại dịch Covid-19 thông qua các sự kiện, khóa học, hội thảo online và podcast. Pachamama giúp phụ nữ trực tiếp liên hệ đến các chuyên gia và trao đổi các chủ đề quan trọng trong vấn đề làm cha mẹ.

Sản phẩm khởi nghiệp độc đáo của 2 “bóng hồng” - Ảnh 1.

Arianna Radji Lee

Ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu vào năm 2018, khi Arianna Radji Lee nhận thấy các trung tâm và chuyên gia thường chỉ chú ý đến sức khỏe của em bé mà rất ít quan tâm đến sức khỏe của người mẹ. Cô cho rằng cần phải có một cách tiếp cận dân chủ, hiện đại hơn, hướng đến người phụ nữ trước khi chính họ trở thành một người mẹ. Thông qua Pachamama, cô đặt mục tiêu cung cấp một không gian lấy phụ nữ làm trung tâm để họ có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc của chuyên gia, có thêm kiến thức và kết nối với cộng đồng khi đang ở một trong những bước chuyển đổi quan trọng nhất của cuộc đời.

Niềm đam mê cống hiến cho cộng đồng và kiến thức chuyên môn của Arianna đến từ kinh nghiệm làm việc trong ngành sự kiện, công nghệ, làm đẹp, tiếp thị trong nhiều năm. Arianna cũng là một cựu huấn luyện viên môn đạp xe spinning - vai trò này giúp cô có được những kiến thức quý giá về tầm quan trọng của sức khỏe và hạnh phúc ở phụ nữ cũng như sức mạnh cộng đồng.

BEEJ - Phụ kiện thân thiện với môi trường

Được thành lập bởi người phụ nữ Ấn Độ Arundhati Kumar, BEEJ - là công ty khởi nghiệp về phụ kiện hướng đến tính bền vững cho môi trường. BEEJ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2020, có trụ sở tại Mumbai, cung cấp túi, ví tiền và ví cầm tay làm bằng vật liệu bền vững có nguồn gốc từ lá dứa, lá xương rồng, cây bần và các vật liệu thân thiện với môi trường khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với HerStory, Arundhati cho biết công ty khởi nghiệp của cô gắn kết sáng tạo, đạo đức và các thiết kế có tâm để tạo nên xu hướng thời trang bền vững. Sau khi trải qua đợt nắng nóng kinh hoàng trong lúc đi nghỉ ở châu Âu, Arundhati nhận ra rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa rất thực tế và quyết định thành lập một công ty khởi nghiệp với không gian bền vững.

Tiêu chí chính của BEEJ trong lựa chọn vật liệu là quá trình sản xuất chúng và khả năng tác động đến môi trường. Chẳng hạn, công ty sử dụng nguyên liệu là da đã bỏ đi, sau đó tái chế và tạo những tấm da mới làm điểm nhấn và đồ trang trí cho các phụ kiện. BEEJ cũng sử dụng các vật liệu có nguồn gốc thực vật như vỏ của cây bần từ Bồ Đào Nha chế tạo ra vải cho các sản phẩm của mình. 

Được thu hoạch đúng cách, cây bần sẽ hấp thụ lượng CO2 gấp 5 lần khi phát triển trở lại, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khí thải nhà kính. Vật liệu tạo ra từ bần rất linh hoạt, có độ bền cao, trọng lượng nhẹ, chống ố và chống xước; đồng thời chống thấm nước tự nhiên, không gây dị ứng, có thể tái tạo và tái chế.

Ngọc Nguyễn (Tổng hợp)