Phụ nữ Saudi Arabia hạnh phục khi được phép tự lái ô tô. Ảnh: Business Insider.

Cảm nhận về vị trí này của Saudi Arabia trên thực tế

Saudi Arabia là một quốc gia Hồi giáo nên có nhiều đạo luật và quy định rất nghiêm khắc, nhất là đối với nữ giới. Tuy nhiên trong những năm qua vai trò, quyền của phụ nữ ở Saudi Arabia được tăng lên và khẳng định nhiều hơn thông qua hàng loạt các cải cách, đổi mới trong luật.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của họ như một đối tác đầy đủ và thiết yếu trong việc thúc đẩy xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, Saudi Arabia đã thông qua một gói cải cách lập pháp và đưa ra các quy định, chính sách hướng tới sự tiến bộ và nâng cao vị thế của phụ nữ Saudi Arabia, đặc biệt trong các lĩnh vực di chuyển của phụ nữ, nơi làm việc, kinh doanh. Saudi Arabia đã đưa ra các quyết định nghiêm ngặt để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi sự phân biệt giới tính và quấy rối tình dục.

Saudi Arabia khuyến khích phụ nữ cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh bằng cách đưa ra các sửa đổi pháp lý nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực làm việc, bao gồm cả việc cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính và tách biệt phụ nữ khi mang thai và nghỉ thai sản. Bình đẳng trong độ tuổi nghỉ hưu là một trong những cải cách quan trọng nhất được thực hiện bằng cách cân bằng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới ở mức 60 tuổi, góp phần kéo dài thời gian phục vụ của họ và mang lại lợi ích cho họ từ tất cả các khoản phúc lợi và chi trả đóng góp hiệu quả vào sự tiến bộ của nền kinh tế quốc dân.

Chúng ta đang chứng kiến ngày nay nhiều phụ nữ Saudi Arabia đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao như cấp bộ trưởng, đại sứ, chủ tịch, giám đốc. Trong số những thành tựu nổi bật nhất là việc bổ nhiệm 13 phụ nữ trong hội đồng mới của Ủy ban Nhân quyền, đại diện cho một nửa số thành viên của Hội đồng, cũng như việc bổ nhiệm chủ tịch trường đại học điện tử Saudi Arabia. Phụ nữ từ năm 2018 được phép lái xe, được tham gia đội cận vệ Hoàng gia, được tự do đi lại mà không cần phải có người giám hộ đi cùng như trước.v.v…

Phụ nữ lần đầu tiên tham gia bầu cử với tư cách là cử tri và ứng cử viên trong lịch sử Saudi Arabia  tổ chức vào ngày 12/12/2015, mà đỉnh điểm là 21 phụ nữ giành được ghế trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố. Năm 2018, phụ nữ được phép bắt đầu kinh doanh và hưởng lợi từ các dịch vụ của chính phủ mà không cần sự chấp thuận của người giám hộ nam. Năm 2018, Saudi Arabia cho phép phụ nữ vào các sân vận động. Người phụ nữ cũng sẽ là chủ gia đình bình đẳng với người chồng trong trường hợp có con chưa thành niên.

Mục đích của những cải cách này nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ Saudi Arabia và cho phép họ đảm nhận các cấp bậc cao nhất trong khu vực công và tư nhân, đồng thời tiến tới nâng cao sự thịnh vượng và đạt được tầm nhìn đầy tham vọng vào năm 2030 mà nước này đề ra.

Vai trò của Thái tử Bin Salman trong hành trình khẳng định vị thế của phụ nữ Saudi Arabia?

Chính quyền Saudi Arabia đang thực hiện chiến lược “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030” của Thái tử Bin Salman. Trong chiến lược này Thái tử Bin Salman người mới lên thực hiện vai trò điều hành và lãnh đạo đất nước trong nhưng năm gần đây đã nhận thấy rõ tầm quan trọng và vai trò của phụ nữ trong phát triển đất nước, cùng đồng hành trong thực hiện các mục tiêu phát triển. Ông cho rằng phụ nữ là nhân tố quan trọng và là đối tác thường xuyên trong việc xây dựng đất nước và tương lai của đất nước. Tầm nhìn 2030 trao cho phụ nữ nhiều quyền hơn kể cả đảm nhận các vị trí lãnh đạo. Thái tử Bin Salman cũng được coi là nhà lãnh đạo trẻ, có những quyết định táo bạo có thể do được đào tạo ở nước ngoài nhiều năm nên tư tưởng và nhận thức cởi mở hơn.

Trong Tầm nhìn của Saudi Arabia 2030 sẽ giảm dần sự phụ thuộc của đất nước vào dầu mỏ và phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Saudi Arabia bắt đầu coi phụ nữ là một trong các trụ cột quan trọng nhất của xã hội và cần được bảo đảm lập pháp, giải quyết nhiều vấn đề của các khía cạnh gia đình và xã hội, có các ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ gia đình Saudi Arabia và với quốc gia nói chung.

Quốc vương Salman đã nói rằng "phụ nữ là nguồn gốc phát triển cho bất kỳ xã hội nào. Không có phụ nữ, rất khó để cải cách xã hội, vì phụ nữ là một nửa của xã hội và họ là các nhà giáo dục của nhiều thế hệ. Trong suốt lịch sử, họ đã chứng minh được vai trò nổi bật và hiệu quả của mình trong việc dẫn dắt sự thay đổi và ra quyết định”. Chính vì vậy, việc trao quyền cho phụ nữ không chỉ là sự thừa nhận sự tồn tại của họ mà còn là cơ sở để hoàn thành công cuộc cải cách xã hội. Một người phụ nữ đầy quyền năng và độc lập là cơ sở để xây dựng một xã hội phục hưng lành mạnh và cân bằng.

Vì vậy, nhà nước cũng tìm cách mở rộng thị trường lao động để mang lại cho phụ nữ cơ hội việc làm song song với cơ hội việc làm như nam giới, cung cấp tất cả các chương trình đào tạo để phát triển các kỹ năng công việc phù hợp với thị trường lao động. Tầm nhìn Saudi Arabia 2030 đã tạo ra sự thay đổi lịch sử phụ nữ Saudi Arabia trong sự hiện diện và trao quyền của xã hội.

Nhìn rộng ra các quốc gia Hồi giáo khác ở khu vực Trung Đông

Các nước Hồi giáo nói chung và Saudi Arabia nói riêng vẫn còn nhiều người chưa đánh giá đúng hoặc đánh giá chưa hết vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình, một phần là do những quy định của giáo lý, một phần là do các quan niệm xưa cũ.v.v… Tuy nhiên, ngày nay khi xã hội phát triển, thông tin mở thì những quan niệm hay đánh giá về vai trò của phụ nữ đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và bình đẳng. Như Saudi Arabia có thể nói là quốc gia hà khắc và nghiêm ngặt nhất với các quy định cho nữ giới cũng đã cởi mở, đổi mới và cải cách. Không chỉ Saudi Arabia, nhiều quốc gia Arab, Hồi giáo cũng đã thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ, cùng với đó người phụ nữ ở khu vực này ngày càng được công nhận, tạo điều kiện trong cuộc sống, công việc và thậm chí là lãnh đạo ở nhiều vị trí quan trọng trong quốc hội, chính phủ.

Năm 2020 các quốc gia Hồi giáo khác ở khu vực Trung Đông có hai sự kiện lớn là cuộc họp của nhóm "20 phụ nữ giao tiếp" ở Riyadh và cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của Hội đồng Tổ chức Phát triển Phụ nữ thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng đã được tổ chức nhằm trao quyền cho phụ nữ trong thế giới Hồi giáo, bảo vệ quyền và nâng cao vị thế của họ. Hai sự kiện này là dấu ấn lớn về những đột phá trong việc ghi nhận quyền của phụ nữ ở thế giới Hồi giáo.

Phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo đã đạt được những thành công đáng kể và đạt được những bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực khác nhau khi cơ hội bình đẳng được tạo ra trong lĩnh vực giáo dục và công việc, và những rào cản, trở ngại đã được xóa bỏ trước mắt, đặc biệt là những trở ngại xã hội đã tích tụ qua nhiều thời những phong tục tập quán lạc hậu và những quan niệm sai lầm về tín ngưỡng tôn giáo. Ngày càng có nhiều phụ nữ chiếm giữ các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức nổi bật và chủ tịch, đảng phái chính trị, quốc hội, các cơ quan chính phủ và phi chính phủ. Tuy nhiên, một phần lớn phụ nữ vẫn sống trong điều kiện khắc nghiệt và thiếu thốn./.

Theo vov