Ảnh: Reuters
Cách đây vài năm, cụ bà người Đức Lisel Heise, một giáo viên nghỉ hưu 40 năm trước, lên phát biểu tại một sự kiện công khai nhằm kêu gọi chính quyền mở lại một bể bơi ngoài trời. Trong lúc bà tranh luận, ai đó đã ngắt micro, khiến Heise rất bức xúc.
"Khi tôi vừa bắt đầu, một số người rõ ràng không muốn nghe tôi nói, họ thậm chí còn cắt mic", bà Heise kể lại, giọng vẫn chưa hết tức giận. Sự cố đó đã thúc đẩy người phụ nữ sống gần trọn một thế kỷ này quyết định tham gia chính trị. Hôm 26/5, bà trúng cử ủy viên hội đồng thị trấn Kirchheimbolanden, thuộc bang Rhineland-Palatinate, tây nam nước Đức, với số phiếu cao nhất trong các ứng viên.
Heise từng gây "sốc" khi ứng cử vào hội đồng thị trấn, nhưng thị trưởng Klaus Hartmuller khẳng định bà vẫn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, đủ khả năng làm việc.
"Giờ thì mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến để nói chuyện với tôi. Còn ai đang cười tôi nữa?", cụ bà 100 tuổi nói với giọng tự hào.
Bà Heise giải thích hai nguyên nhân chính khiến bà muốn mở lại bể bơi ngoài trời ở địa phương chính là giới trẻ và sức khỏe cộng đồng, liên quan tới vấn đề cấp thiết hiện nay là bảo vệ khí hậu. Bà tiết lộ nguồn cảm hứng cho hành động này chính là phong trào "Những thứ sáu vì tương lai" (Fridays for Future) do cô gái 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng. Phong trào đã lan rộng ở 123 nước khắp các châu lục, yêu cầu nhà chức trách hành động kịp thời trước khủng hoảng khí hậu.
"Những đứa trẻ thực sự mang đến cho tôi hy vọng. Nhiều chính trị gia có xu hướng ủng hộ ngành công nghiệp xe hơi, điều đó thật phản tác dụng. Thật tuyệt khi giới trẻ không chỉ biết chờ đợi người lớn làm điều đó", bà Heise nói.
Cụ bà Lisel Heise. Ảnh: Reuters
Khi đề cập tới việc trúng cử hội đồng nhân dân thị trấn, bà nói đó hoàn toàn do may mắn. "Nhưng bây giờ tôi có cơ hội để sửa chữa một số sai lầm và tôi sẽ nắm bắt nó", bà nói.
Heise cho biết bố của bà cũng từng là thành viên hội đồng thị trấn Kirchheimbolanden và đã bị bỏ tù vì đứng lên đấu tranh bảo vệ người Do Thái. Heise nói có lẽ bà được thừa hưởng sự can đảm của bố mình. Hàng ngày bà vẫn đi dạo quanh thị trấn, chăm sóc hoa trong vườn và thường xuyên xem các chương trình chính trị.
Thị trấn cổ Kirchheimbolanden có dân số khoảng 8.000 người, trong đó không ít bậc cao niên không muốn bị "lãng quên" trong các vấn đề chung của xã hội.
Sepandar Lashkari, 44 tuổi, chủ một quán cà phê trong thị trấn, nói rằng cụ Heise là một trong những khách hàng đầu tiên của anh khi quán mới mở vài năm trước. Đến nay, họ đã trở thành bạn bè thân thiết. Lashkari gọi Heise là "công dân tuyệt vời của thị trấn", đồng thời ghi nhận những đóng góp của bà cho địa phương.
"Rất nhiều người trong vùng quan tâm hơn tới chính trị nhờ có bà ấy. Bà truyền cảm hứng cho cả người trẻ lẫn người gia theo một cách thực sự tích cực", Lashkari nói.
Theo vnexpress