|
|
Những người ủng hộ đảng “Tiến Lên” hò reo trước kết quả bầu cử |
Đa dạng về giới tính
Cuộc bầu cử ngày 14/5/2023 ở Thái Lan đã chứng kiến đảng "Tiến Lên" giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội và mở ra một thế hệ chính trị gia mới. Tuy nhiên, đảng này gặp một số rào cản để thành lập chính phủ khi liên minh với đảng "Pheu Thai".
Kết quả cho thấy một sự thay đổi khi cử tri yêu cầu một cuộc cải cách toàn bộ hệ thống chính trị nước này. Tỉnh Chiang Mai ở phía Bắc là một trường hợp điển hình. Theo truyền thống, Chiang Mai là một thành trì vững chắc của đảng "Pheu Thai" nhưng đảng "Tiến Lên" lại chiếm 7/10 ghế trong năm nay, vận động trên nền tảng cải cách sâu rộng hơn.
Kết quả cũng cho thấy sự thay đổi thế hệ và gia tăng sự đa dạng về giới tính. 7 trong số 10 ứng cử viên được bầu ở độ tuổi 30, trong đó có 5 người là nữ.
Bà Ruengrawee Pichaikul, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, cho biết, 96 phụ nữ đã được bầu trong năm nay, chiếm 19% số ghế trong Hạ viện, nhiều hơn so với cuộc bầu cử năm 2019. Bà lưu ý rằng đảng "Tiến Lên" dẫn đầu với 36 phụ nữ được bầu, trong khi đảng "Pheu Thai" xếp sau với 29 nữ. "Đó là một thế hệ mới, một sự thay đổi mô hình mới", bà Ruengrawee nói.
|
|
Cô Puthita Chaianun quyết định trở thành một chính trị gia để “tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn” |
Theo bà Ruengrawee, Thái Lan càng dân chủ hóa thì càng có nhiều phụ nữ tham gia vào chính trị. "Nếu có một xã hội cởi mở hơn, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội hơn. So với chế độ quân sự, điều này rất khác. Trong Thượng viện do quân đội chỉ định chỉ có 6% là phụ nữ", bà Ruengrawee cho biết thêm.
Bà Ruengrawee nói rằng, phụ nữ Thái Lan vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong chính trị, bao gồm cả bạo lực tình dục. Cuộc bầu cử trước từng ghi nhận tình trạng một số bên chỉ đề cử những ứng cử viên xinh đẹp và nói về ngoại hình của cô ấy hơn là trí tuệ hoặc những vấn đề mà cô ấy đang đấu tranh.
Bà Ruengrawee đánh giá cao việc các ứng cử viên nam từ đảng "Tiến Lên" đã coi vấn đề bình đẳng giới là một chủ đề chính.
"Tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn cho các con"
Phuthita Chaianun từng tham dự một buổi hội thảo về dân chủ cách đây 12 năm khi đang theo học tại Đại học Chiang Mai. Khóa học đã khơi dậy sự quan tâm của người phụ nữ 36 tuổi này đối với chính trị. Đỉnh điểm là vào tháng trước, cô được bầu vào Quốc hội với tư cách là đại diện cho đảng "Tiến Lên".
|
|
Nghị sĩ Srisopha Kotkhamlue coi giới tính của mình là một thế mạnh |
Dẫu hài lòng với kết quả và lạc quan về hướng mà Thái Lan đang đi, cô không khỏi nghĩ đến những thách thức trong những năm cô hoạt động chính trị. "Tôi chưa bao giờ muốn trở thành một chính trị gia nhưng khi mang thai đứa con đầu lòng, sự lựa chọn của tôi trở nên rõ ràng hơn. Tôi nhận ra mình cần phải tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn cho các con", Phuthita nói.
Hiện tại, với tư cách là một nghị sĩ, Phuthita ủng hộ các kế hoạch của Đảng "Tiến Lên" nhằm viết lại Hiến pháp do quân đội soạn thảo và giải quyết bất bình đẳng thu nhập. Phuthita cho biết, cô cũng có kế hoạch làm việc với các nữ chính trị gia khác để đưa ra hạn ngạch cho phụ nữ trong Quốc hội. Cô nói, nhận thức về giới ở Thái Lan đang thay đổi.
"Trước đây, họ nghĩ các nữ chính trị gia chỉ là những bông hoa. Tuy nhiên, giờ đây người Thái tin tưởng chúng tôi. Một người đàn ông thuộc đảng khác thậm chí còn gọi tôi là người giúp việc để cố làm mất uy tín của tôi và nói rằng, tôi chỉ là cái bóng của chồng mình. Tôi lại nghĩ rằng, làm phụ nữ và làm mẹ là một thế mạnh", cô nói.
|
|
Cô Karanic Chantada muốn cải thiện phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng |
Theo cô, chiến thắng của đảng "Tiến Lên" ở Chiang Mai nhờ những lời kêu gọi cải cách triệt để hơn. Mọi người hiểu rằng, các chính sách dân túy không còn hiệu quả nữa mà kinh tế và chính trị nên đi đôi với nhau. Cách khắc phục các vấn đề trong nền kinh tế là sửa chữa toàn bộ cấu trúc chính trị.
Còn cô Srisopha Kotkhamlue (30 tuổi, đảng "Pheu Thai") ngay sau khi đắc cử một ghế trong Quốc hội, cô vội trở lại Chiang Mai để kịp tham gia cuộc diễu hành của cộng đồng LGBT.
Srisopha được bầu làm đại diện cho quận 10 ở cực Nam của Chiang Mai, một khu vực miền núi hiểm trở và người dân địa phương thường không có giấy tờ tài sản. Cô hy vọng sẽ thay đổi điều này.
Theo cô, việc trao quyền sở hữu tài sản sẽ giúp mọi người yên tâm hơn và sẽ bảo vệ rừng tốt hơn. Giống như Phuthita, cô coi giới tính của mình là một thế mạnh, các cử tri có thể thấy phụ nữ dễ gần hơn và dễ nói chuyện hơn về các vấn đề của họ.
Karanic Chantada (32 tuổi) sau khi tốt nghiệp ngành dược, cô đã làm tiếp viên hàng không cho China Airlines trong 3 năm. Cô trở lại Chiang Mai và làm dược phẩm trong thời kỳ Covid-19.
Cô bắt đầu tình nguyện tham gia đảng "Tiến Lên". Karanic cho biết, vấn đề quan trọng nhất đối với cô là cải thiện phúc lợi xã hội ở Thái Lan, đặc biệt là các dịch vụ y tế công cộng.
Cô Karanic cho rằng, kết quả bầu cử là do ý chí của thế hệ mới: "Những người trẻ tuổi không theo hệ thống thứ bậc truyền thống, họ không ngại đặt câu hỏi, đòi hỏi quyền lợi hoặc đưa ra ý kiến của mình. Tôi muốn các chính trị gia đóng vai trò là người phục vụ nhân dân, không đến Quốc hội vì lợi ích cá nhân hoặc các mối quan hệ kinh doanh. Đảng "Tiến Lên" đang đấu tranh chống lại văn hóa chính trị này".
Nhu Thụy/Nguồn: Al Jazeera